Nông thôn mới cần thực chất

Bên cạnh những côngtrình nông thôn mới có ý nghĩa thiết thực, vẫn còn tình trạng dự ánkhông phát huy hết vai trò, hiệu quả, mang tính hình thức, gây lãng phíngân sách nhà nước.

Nhữngnăm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúcdiễn ra sôi nổi, rộng khắp. Thông qua chương trình, kết cấu hạ tầngở nhiều địa phương được quan tâm đầu tư, góp phần phục vụ hiệu quả đơìsống vật chất, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những côngtrình nông thôn mới có ý nghĩa thiết thực, vẫn còn tình trạng dự ánkhông phát huy hết vai trò, hiệu quả, mang tính hình thức, gây lãng phíngân sách nhà nước.

Có dịp đi qua thôn Độc Lập, xã Hợp Lý, Lập Thạch (Vĩnh Phúc), tôi thấy băn khoăn bởi hình ảnh 2 nhà văn hóa một mới, một cũ xây cạnh nhau, đều trong tình trạng cửa đóng then cài.

Theo quan sát, mặc dù nhà văn hóa cũ khá vững chãi, còn có thể sử dụng tốt, song địa phương vẫn quyết định xây thêm 1 nhà văn hóa mới ngay bên cạnh. Diện tích nhà văn hóa mới không rộng hơn nhà văn hóa cũ bao nhiêu, thiết nghĩ, nếu tận dụng được nhà văn hóa cũ, có lẽ địa phương chỉ cần khoảng 1/3 số kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới là đủ để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa theo yêu cầu; nguồn kinh phí còn lại nên dành cho các hạng mục: Lát sân, xây dựng khuôn viên cho khang trang, sạch sẽ. Tuy nhiên, với việc dồn hết nguồn kinh phí cho công trình nhà văn hóa mới nên khu vực sân chơi, bãi tập chưa có điều kiện hoàn thiện theo thiết kế khiến cỏ mọc um tùm. Sau gần 3 năm, mới đây, địa phương mới huy động được kinh phí để đổ nền, lát sân nhà văn hóa, phục vụ các hoạt động thể dục thể thao của nhân dân.

Ngoài nhà văn hóa, việc quy hoạch và xây dựng chợ nông thôn mới ở một số địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc chưa phù hợp khiến công trình chưa phát huy hết công năng, hiệu quả. Điển hình như chợ Hồ Sơn, Hợp Châu, Tam Đảo hiện còn nhiều ki-ốt bỏ trống trong khi người dân lại lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông ở các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ.

Hay một số nhà vệ sinh thuộc công trình nhà điều hành ở Trường mầm non Hoàng Đan, huyện Tam Dương mới bàn giao, đưa vào sử dụng đã bị hỏng không dùng được. Trao đổi với phóng viên, các giáo viên cho biết, công trình chủ yếu phục vụ cán bộ; học sinh tuyệt đối không sử dụng (do có nhà vệ sinh khép kín trong các lớp học) nên không thể đổ lỗi do ý thức. Dự án mới bàn giao đã gặp sự cố kỹ thuật; bồn, bệt không xả được nước nên nhà vệ sinh phải đóng cửa. Công trình mới có cũng như không.

Mặc dù cán bộ nhà trường nhiều lần gọi điện thúc giục nhà thầu vào sửa chữa song đều không có kết quả. Chỉ đến khi có phóng viên về làm việc, phản ánh trực tiếp mới có đơn vị thi công đến sửa chữa.

Qua đi thực tế và tiếp nhận thông tin, có thể khẳng định: Vẫn còn tình trạng công trình nhà văn hóa, trường học, chợ nông thôn mới chưa đảm bảo chất lượng. Một trong những nguyên nhân chính là do nhà thầu liên tục ép tiến độ xây dựng. Anh P.V.T, chủ một doanh nghiệp xây dựng ở huyện Lập Thạch cho biết: Đối với công trình nông thôn mới, thông thường đến tháng 5-6 thậm chí tháng 7-8 mới có nguồn kinh phí, mặt bằng sạch để triển khai xây dựng. Trong khi cuối năm dự án đã phải hoàn thành, phục vụ công tác thẩm định nên nhà thầu chỉ có 4 đến 6 tháng thi công. Nếu thời tiết ủng hộ, việc xây dựng, hoàn thiện dự án còn thuận lợi; mưa gió, anh em không thể làm được nên phải nghỉ. Do đó, có thời điểm đơn vị phải làm ngày làm đêm mới kịp tiến độ, vì vậy, cũng có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công trình.

Chủ trương xây dựng nông thôn mới đã khẳng định được sự cần thiết trong thực tế và đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các tiêu chí, địa phương nên ưu tiên các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết phục vụ đời sống, tinh thần của nhân dân; mạnh dạn đề xuất cấp trên loại bỏ (hoặc giãn thời gian thực hiện) đối với các tiêu chí không phù hợp, chưa thực sự cần thiết ra ngoài quy hoạch, tránh việc huy động và đầu tư lãng phí.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng giám sát đối với các công trình, dự án nông thôn mới, tránh để tình trạng dự án vừa bàn giao, đưa vào sử dụng đã hỏng hoặc xuống cấp; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì, giữ vững và phát triển các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được./.

Ngọc Linh (Báo Vĩnh Phúc)

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/xa-hoi/nong-thon-moi-can-thuc-chat-117992