'Nông thôn không phát triển thì không có hùng cường'

Sau hai hội nghị đối thoại với nông dân (lần thứ nhất được tổ chức tại Hải Dương và lần thứ hai tại TP Cần Thơ), lần này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian nói chuyện trực tiếp với những người nông dân Tây Nguyên, những người đang một nắng hai sương với những cây cà-phê, cây điều, cây mắc ca... Hàng nghìn câu hỏi đã được gửi đến ông từ trước đó. Và Hội nghị, tất nhiên, đề cập đến nhiều vấn đề hơn thế.

Sau hai hội nghị đối thoại với nông dân (lần thứ nhất được tổ chức tại Hải Dương và lần thứ hai tại TP Cần Thơ), lần này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian nói chuyện trực tiếp với những người nông dân Tây Nguyên, những người đang một nắng hai sương với những cây cà-phê, cây điều, cây mắc ca... Hàng nghìn câu hỏi đã được gửi đến ông từ trước đó. Và Hội nghị, tất nhiên, đề cập đến nhiều vấn đề hơn thế.

Cùng trăn trở với phát triển bền vững

Có thể thấy rõ một "cấp độ" cao hơn khi so sánh chủ đề của Hội nghị lần này - "Vượt thách thức, tăng trưởng giá trị nông sản, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại" - với hai lần trước đây ("Tháo gỡ vướng mắc; khơi dòng động lực; tiếp đà 30 năm đổi mới" và "Tháo gỡ vướng mắc, liên kết sáu nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản"). Qua cuộc đối thoại, có thể thấy cả người đứng đầu Chính phủ và những người nông dân đều đã có kỳ vọng và nhận thức rõ ràng cũng như sẵn sàng đối diện những thách thức lớn hơn.

"Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp gì để phát triển ngành chế biến, xuất khẩu cà-phê bền vững?", nông dân Ðỗ Quý Toán, ở thôn Tân Lập, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Ðắk Lắk (chuyên sản xuất cà-phê chồn theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Lộc Trời) đã trực tiếp đặt câu hỏi đầu tiên với Thủ tướng như thế.

Anh Toán cho biết, vừa qua, lô cà-phê đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu - EU (EVFTA) với thuế suất 0%. Ðây là cơ hội tốt mở ra cho ngành sản xuất, chế biến cà-phê, nhất là khi trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ có cà-phê Buôn Ma Thuột. Nhưng thời gian qua, giá cà-phê xuống rất thấp, khiến nông dân nhiều địa phương lo lắng, muốn chặt đi để trồng cây khác. "Người trồng cà-phê chúng tôi có nên tiếp tục duy trì loại cây trồng gắn với lịch sử, văn hóa của Tây Nguyên này hay không?".

Hồi đáp ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cà-phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, chất lượng cà-phê Việt Nam rất tốt, được thế giới đánh giá cao. "Vì vậy, tôi khuyên bà con chúng ta vẫn tiếp tục trồng cà-phê. Tuy nhiên, phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng, không được tiếp tục phá rừng tự nhiên để trồng cà-phê, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu. Trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp là phải giữ vững thương hiệu cà-phê Tây Nguyên. Cà-phê Tây Nguyên là thương hiệu quý hơn vàng", Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng cam kết sẽ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước cấp vốn để tái canh cà-phê, nâng cao chất lượng tái canh…

Nông dân Phạm Văn Khang (xã Ðắk Buk So, huyện Tuy Ðức, Ðắk Nông) cũng đồng quan điểm về tầm quan trọng của công tác quy hoạch vùng phát triển cây trồng. Anh Khang nêu dẫn chứng, Tuy Ðức nổi tiếng với thương hiệu khoai lang nhưng đang bị lu mờ do "khoai đất lạ, mạ đất quen". Người nông dân đang chuyển sang trồng hồ tiêu, cà-phê và cây, rau màu. Tuy nhiên sản xuất còn manh mún, mang tính chất tự phát, khó tiêu thụ sản phẩm. Anh Khang cũng mong được giải quyết dứt điểm vấn đề về đất đai: "Tôi dựng nhà, mở đất từ năm 2002 (khi Ðắk Nông chưa tách ra khỏi tỉnh Ðắk Lắk) nhưng đến nay chưa làm được giấy tờ. Cán bộ hẹn lên hẹn xuống với nhiều thủ tục nhiêu khê khó hiểu. Tôi đã bị mất nhiều cơ hội hợp tác với các công ty lớn để đầu tư phát triển chăn nuôi vì đất đai không giấy tờ".

Những vấn đề khác được đặt ra cho Thủ tướng và lần lượt được ông "gỡ rối" rành mạch còn có chế biến nông sản, sản xuất sạch, giải pháp triệt để nhằm chấm dứt tình trạng phân bón giả; tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, bảo đảm nông thôn văn minh, hiện đại; tiếp cận vốn, chống tín dụng đen, xử lý các vấn đề phát sinh do tình trạng di dân tự do…

Nhân giống cây mắc ca tại Trung tâm giống cây trồng Eakmat Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột (Ðắk Lắk). Ảnh: Anh Sơn

Nâng cao cả đời sống vật chất lẫn tinh thần

Thủ tướng nhìn nhận: Dư địa về chế biến nông sản của Việt Nam còn rất lớn, người chế biến nông sản sẽ được Trung ương hỗ trợ về vốn và địa phương hỗ trợ mặt bằng. Nhưng theo ông, điều quan trọng nhất trong phát triển chế biến nông sản cũng như nhiều lĩnh vực khác vẫn là tầm nhìn quy hoạch. Ðắk Lắk phải phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khác trong xây dựng và thực hiện các dự án một cách có quy hoạch, kế hoạch; từ đó nâng cao giá trị nông nghiệp của Việt Nam. Chia sẻ với người dân về cách thức khai thác "mỏ vàng nông nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chú trọng hồi phục hệ sinh thái, đặc biệt là bảo vệ môi trường sống cho người dân đúng với tinh thần và quan điểm kiến tạo phát triển của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Ðánh giá cuộc đối thoại là một kênh quan trọng đối với Chính phủ trong hoạch định chính sách, Thủ tướng nêu rõ: Sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, nông thôn như ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn của 14 triệu hộ nông dân đã một nắng hai sương, tần tảo, lo cuộc sống gia đình và sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp có sản lượng lớn. Nhờ đó, nông nghiệp đã và đang là trụ đỡ vững vàng của nền kinh tế.

"Không phải đơn thuần là chỉ lo chạy về kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh: Một vấn đề không kém phần quan trọng khác chính là giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam; tăng cường an ninh, an toàn ở nông thôn; xây dựng nông thôn mới lấy tiêu chí cơ bản là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Ðáng lưu ý, Thủ tướng đề cao vai trò của các địa phương, từ cấp ủy cho đến chính quyền tăng cường dân chủ cơ sở, thường xuyên đối thoại với nông dân. Các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp, cần quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Cho đến nay, mặc dù có tốc độ đô thị hóa cao, nước ta vẫn còn tới 65% dân số sống ở khu vực nông thôn. Một khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 cũng chính là khát vọng của nền nông nghiệp Việt Nam, của tất cả người nông dân trên khắp mọi miền đất nước. Ðiều mà Thủ tướng nhấn mạnh khi khép lại cuộc trao đổi, rằng "nếu 65% dân số ở nông thôn không phát triển, đời sống vật chất, tinh thần không được nâng cao hơn nữa thì hùng cường ấy không thành công" là hoàn toàn không thể tranh cãi.

Anh Thư

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/-nong-thon-khong-phat-trien-thi-khong-co-hung-cuong--619042/