Nóng tại biên giới Armenia-Azerbaijan: Tương quan lực lượng

Không quân Armenia đã quyết định điều chiến đấu cơ Su-30SM lên tuyên biên giới với Azerbaijan quần thảo và sẵn sàng cho kịch bản xảy ra một cuộc chiến.

Vũ khí Nga đối đầu nhau

Hình ảnh tiêm kích Su-30SM xuất kích làm nhiệm vụ gần biên giới với Azerbaijan được đăng trên tài khoản Twitter chính thức của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm 15/7.

Nguồn tin này không tiết lộ đã có bao nhiêu chiếc Su-30SM được Armenia điều động nhưng theo nguồn tin quân sự địa phương tiết lộ, số lượng không ít hơn 6 chiếc.

Việc Su-30SM xuất hiện gần biên giới khiến nguy cơ vũ khí Nga sản xuất tấn công lẫn nhau đang ở mức rất cao bởi ngay trước đó, Azerbaijan cũng đã điều động hệ thống phòng thủ S-300 và nhiều vũ khí khác đến gần tuyến biên giới giữa 2 nước.

Tài khoản Twitter của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đăng tải hình ảnh Su-30SM được điều đến gần biên giới với Azerbaijan.

Tài khoản Twitter của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đăng tải hình ảnh Su-30SM được điều đến gần biên giới với Azerbaijan.

Vậy tương quan lực lượng 2 bên thế nào trong trường hợp xảy ra xung đột? Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS), Lục quân Armenia có quân số khoảng 45.000 người.

Trang bị vũ khí có 20 xe tăng chiến đấu chủ lực T-80, 137 T-72, 8 T-54/55, 80 xe chiến đấu bộ binh BMP-1, 55 BMP-2. Lực lượng xe thiết giáp chở quân có 308 chiếc, chủ yếu là các loại dòng BTR.

Quân đội Armenia còn có 188 khẩu pháo các loại, trong đó có 20 pháo tự hành 2S3 Akatsiya, 18 2S1 Gvozdika. Và một số pháo phản lực phóng loạt BM-21, BM-30 Smerch.

Trong khi đó, Lục quân Azerbaijan có quân số khoảng 56.000 người và sở hữu khoảng 220 xe tăng chiến đấu chủ lực các loại, chủ yếu là T-72. Trong giai đoạn 2005-2010, nước này được cho là đã mua lại 162 xe tăng T-80.

Azerbaijan hiện đang sở hữu hãng trăm xe chiến đấu bọc thép các loại như: BMP-1/2, 270 hệ thống pháo phản lực trong đó có những loại nổi bật như TOS-1A, BM-30 Smerch do Liên Xô chế tạo, LAR-160 và Lynx do Israel sản xuất.

Phần lớn trang bị khí tài của lục quân 2 nước đều có nguồn gốc Nga với đặc tính kỹ chiến thuật tương đương nhau. Lục quân Azerbaijan có quân số lớn hơn, nhưng giới chuyên gia cho rằng điều đó không phải là yếu tố quyết định chiến thắng.

Cùng với Lục quân, sức mạnh Không quân 2 nước cũng được đặt lên bàn cân. Hiện Không quân Armenia có quân số khoảng 3.500 người. Không quân Armenia có 15 cường kích Su-25, 5 máy bay huấn luyện L-39, 16 Yak-152, 16 trực thăng tấn công Mi-24, 18 trực thăng vận tải Mi-8.

Chiến đấu cơ mạnh nhất của Armenia hiện nay là tiêm kích Su-30SM (không có số liệu chính xác về số lượng). Không quân không quá mạnh nhưng phòng không nước này rất mạnh với tên lửa phòng không tầm xa S-300, tầm trung có S-75 Dvina, S-125 Pechora, tầm thấp có 9K33 Osa, 9K35 và một số tên lửa phòng không vác vai.

Trong khi đó, Không quân Azerbaijan có quân số khoảng 8.000 người, sở hữu khoảng 106 máy bay chiến đấu các loại. Phi đội tiêm kích có 13 chiếc MiG-29 mua của Ukraine từ năm 2006, 11 cường kích Su-25.

Phi đội trực thăng có 18 trực thăng tấn công Mi-24, 50 trực thăng vận tải đa năng Mi-17. Đặc biệt Azerbaijan mua khá nhiều máy bay không người lái (UAV) của Israel cho nhiệm vụ trinh sát. Tổng cộng có khoảng 34 UAV đang hoạt động, nổi bật là Hermes 450 và IAI Heron.

Ngoài ra, hãng AZAD thuộc nhà thầu Sharq của Azerbaijan còn tự sản xuất được loại UAV cảm tử. Vũ khí này được thiết kế để mang bom nặng khoảng 2 kg và mới gia nhập quân đội.

Lực lượng phòng không của Azerbaijan cũng rất mạnh với S-300PMU2, S-200, tầm trung có Buk, S-125, tầm thấp có Tor, 9K33 Osa. Năng lực không quân Azerbaijan vượt trội so với Armenia, đặc biệt là ở phi đội tiêm kích.

Tuy nhiên, năng lực phòng không của Armenia là một thách thức lớn đối với phi đội tiêm kích của Azerbaijan. Với trang bị của cả 2 bên cho thấy, một khi xảy ra xung đột trên diện rộng, cuộc đối đầu trực tiếp của vũ khí 2 bên phần lớn sẽ là vũ khí Nga với nhau.

Đụng độ biên giới

Đụng độ giữa hai nước láng giềng vùng Kavkaz bùng phát ngày 12/7 và tiếp tục kéo dài suốt những ngày qua, khiến tổng cộng 11 quân nhân Azerbaijan và 4 binhh sĩ Armenia thiệt mạng.

Giao tranh xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chỉ trích các nhà trung gian hòa giải quốc tế, cho rằng nỗ lực đàm phán hòa bình với Armenia là vô nghĩa. Ông cũng cáo buộc Armenia tìm cách trì hoãn thỏa thuận duy trì hiện trạng ở Nagorno-Karabakh.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga quan ngại sâu sắc với tình hình bạo lực giữa Azerbaijan với Armenia, tỏ ý sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải. "Chúng tôi kêu gọi hai bên kiềm chế và tuân thủ các thỏa thuận", ông cho hay.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực ở biên giới quốc tế giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời kêu gọi hai bên ngừng bắn.

Khu vực xung đột Nagorno-Karabakh được cho là gốc rễ mâu thuẫn giữa hai nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô. Cộng đồng quốc tế công nhận Nagorno-Karabakh là lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng nó lại nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền tự trị gốc Armenia.

Azerbaijan gần đây tỏ ý không hài lòng khi các cuộc đàm phán với Armenia trong gần 30 năm không mang lại kết quả. Hai nước nổ ra đụng độ lớn hồi tháng 4/2016 khiến hơn 200 binh sĩ và dân thường thiệt mạng, suýt dẫn tới chiến tranh tổng lực. Căng thẳng chỉ được giải tỏa với sự hòa giải của Nga.

Clip Su-30SM được Armenia điều động lên tuyến biên giới với Azerbaijan

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nong-tai-bien-gioi-armenia-azerbaijan-tuong-quan-luc-luong-3413617/