Nông sản xuất sang Trung Quốc sụt giảm báo động: Tất yếu

Với xu hướng từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu thì việc Trung Quốc siết chặt yêu cầu và tiến tới giảm dần nhập khẩu là tất yếu.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cho biết, năm 2019, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị suy giảm đáng lo ngại. Đứng đầu phải kể đến là gạo (giảm hơn 70%), sắn (giảm gần 18%), thủy sản (giảm gần 10%). Nhiều mặt hàng rau quả tươi vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường này cũng sụt giảm rất mạnh.

Nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm là đương nhiên. Ảnh: phapluatplus.vn

Nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm là đương nhiên. Ảnh: phapluatplus.vn

Hoàn toàn không bất ngờ trước diễn biến trên, GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thậm chí còn cho rằng, việc Trung Quốc giảm nhập nông sản Việt là đương nhiên.

Theo vị GS, nhu cầu của Trung Quốc với nông sản Việt là rất lớn. Trước nay, nước này vẫn nhập rất nhiều trái cây, rau củ, gạo... từ Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chính của các mặt hàng nông sản Việt Nam cũng vẫn là Trung Quốc, do đó, khi nước này thay đổi một số chính sách nhập khẩu sẽ kéo theo hàng loạt những mặt hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý được cảnh báo không chỉ do Trung Quốc thay đổi về chính sách, nâng tiêu chuẩn, siết chất lượng sản phẩm nhập khẩu, những năm gần đây nước này đang cố gắng mở rộng vùng sản xuất để tự nội địa hóa, giảm dần khối lượng nhập khẩu.

Về lúa gạo, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo đến năm 2020, Trung Quốc sẽ xuất khẩu khối lượng gạo chỉ kém chút ít so với mức cao kỷ lục ở năm 1998 và trở thành nước xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ 5 thế giới, vượt lên trên Mỹ.

Với các mặt hàng hoa quả, từ việc thay đổi, tăng quy mô, Trung Quốc còn mở rộng diện tích trồng thanh long, dưa hấu để chủ động nguồn cung, thậm chí còn sang Lào, Campuchia thuê đất trồng rồi xuất ngược về nước.

Điển hình về diện tích gieo trồng thanh long của Trung Quốc hiện đã đạt gần 40.000ha. Quảng Tây là vùng trồng lớn nhất (gần 15.300ha, chiếm gần 40% tổng diện tích toàn Trung Quốc). Trung Quốc đang từng bước tự chủ, tự cung cấp nguồn nguyên liệu cho thị trường nội địa.

Ngoài các mặt hàng nông sản bị sụt giảm thì những mặt hàng phục vụ công nghiệp như cao su, điều của Việt Nam cũng đang bị Trung Quốc ép giá ghê ghớm.

Xét từ diễn biến trên, vị GS nhận định trong tương lai, nông sản cũng như lúa gạo Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt. Thậm chí, về lâu dài lúa gạo Việt Nam cũng cần xác định cho mình hướng đi mới, giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mở rộng thị trường sang các nước Châu Âu và các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, làm được như vậy thì việc đầu tiên là phải thay đổi thói quen sản xuất. Vị GS cho biết, tình trạng dư thừa, phải đổ bỏ nông sản là điều khó tránh khi 75% nông sản Việt xuất sang thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, do tâm lý ỉ lại vào thị trường Trung Quốc nên thói quen làm ăn cũng dễ dãi, xuê xoa, không quan tâm tới chất lượng, khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dù có số lượng lớn nhưng lại luôn bị ép về giá cả. Xuất nhiều nhưng giá lại quá rẻ.

Nhìn từ hướng lạc quan, vị GS cho rằng trong thời gian ngắn Trung Quốc chưa thể bỏ được thị trường nhập khẩu từ Việt Nam, tuy nhiên với xu hướng từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu thì xu hướng chung là siết chặt yêu cầu và tiến tới giảm dần nhập khẩu là tất yếu.

Theo vị GS, không chỉ với Trung Quốc, hầu hết các nước khác trong khu vực cũng đang từng bước tự chủ về an ninh lương thực, hiện chỉ có một số nước đang gặp khó khăn như Indonesia, Philippine. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ ngày càng mở rộng hơn. Thực tế, trong giai đoạn 2014-2018, trong top 5 nhà xuất khẩu gạo tăng nhanh nhất vào Trung Quốc đã không có Việt Nam. Trị giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn đó chỉ tăng 18,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 30,2% của toàn bộ các nhà cung cấp gạo cho Trung Quốc.

Trước sức ép trên, GS Bùi Chí Bửu cảnh báo nếu không thay đổi nền nông sản trong nước có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, vai trò của nhà nước là một phần, phần quan trọng hơn chính là sự thay đổi của doanh nghiệp, cụ thể ở đây là vai trò của các hiệp hội trong nhiệm vụ kết nối thị trường, tìm kiếm nhu cầu giữa yêu cầu thị trường quốc tế với nhu cầu sản xuất trong nước.

Vấn đề là cách thức làm ăn của các hiệp hội này như thế nào, có hướng tới mục tiêu tăng trưởng, phát triển chung hay còn vì lợi ích riêng?

Trung Quốc siết nông sản nhập khẩu, VN đối phó thế nào?

Lâu nay ngoài câu chuyện hiệp hội bao đồng, không làm đúng chức năng nhiệm vụ, vừa quản lý lại vừa đi buôn thì còn tình trạng mất đoàn kết, mâu thuẫn nội bộ, doanh nghiệp trong nước tự đánh nhau với doanh nghiệp trong nước khiến người nông dân chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề.

"Thị trường nông sản trong nước kém phát triển không chỉ do phụ thuộc vào Trung Quốc mà còn do chính sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp trong nước.

Chính vì sự cạnh tranh thiếu lành mạnh mà nhiều doanh nghiệp đã tự kéo giá sản phẩm của nhau xuống để tăng xuất khẩu. Như vậy thì làm sao nông sản trong nước phát triển được", vị GS nói.

Để thay đổi thực trạng trên, vị GS cho rằng, việc trước hết là phải tăng cường vai trò của các hiệp hội, phát triển mạnh mô hình Hợp tác xã. Bên cạnh đó, Bộ Công thương phải tăng cường công tác quản lý, đưa ra những chính sách phù hợp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nong-san-xuat-sang-trung-quoc-sut-giam-bao-dong-tat-yeu-3384011/