Nông sản Việt và thị trường Trung Quốc: Không tranh thủ là...dại

Mỹ, châu Âu... còn tìm đến thị trường Trung Quốc, huống chi Việt Nam ở ngay bên cạnh thị trường khổng lồ ấy, không biết tranh thủ là... dại.

Thông tin những lô vải thiều đầu tiên của huyện Thanh Hà (Hải Dương) được xuất sang Singapore được rất nhiều báo chí đăng tải trong những ngày qua. Trước đây, quả vải thiều sang Nhật, Mỹ, thanh long sang Mỹ, Úc... cũng được báo chí đưa tin rầm rộ.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc ăn hàng Việt Nam lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tấn thì được coi như chuyện đương nhiên, không mấy ai quan tâm. Chỉ đến khi thị trường đó gặp trục trặc, không tiếp tục ăn hàng, thương nhân, nông dân kêu gọi giải cứu nông sản thì câu chuyện ở thị trường Trung Quốc mới được nhắc đến nhiều.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, đa dạng hóa thị trường là nhiệm vụ Việt Nam phải làm, bởi có như vậy, hàng hóa Việt Nam mới tránh được rủi ro do "bỏ trứng vào một giỏ".

Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường chứng tỏ sản phẩm của Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì... mà thị trường nào cũng chấp nhận được. Hàng của Việt Nam có thể vào được bất cứ thị trường nào và trình độ làm hàng của doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được yêu cầu của nhiều loại khách hàng từ thấp đến cao", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét.

Cũng theo vị chuyên gia, khi Việt Nam đa dạng hóa thị trường tức là đã mở được cửa vào thị trường đó, lúc nào cần là có thể vào được, không phải làm lại từ đầu, xin xỏ, phê duyệt... Đồng thời, nó cũng giúp Việt Nam chống lại những hành vi cản trở của thị trường khác.

Chẳng hạn, nếu Trung Quốc ở gần dễ tính, ăn hàng tốt, nhập nhiều, số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn, giá cả cao thì thương nhân Việt không dại gì đi đâu cho xa. Thế nhưng, khi thị trường Trung Quốc "ẩm ương", nhiều khi chỉ cần một mệnh lệnh hành chính không mua hàng Việt Nam nữa, hay kêu trục trặc ở cửa khẩu, xảy ra dịch bệnh hoặc thay đổi chính sách..., cửa Việt Nam đã mở được ở các thị trường khác sẽ giúp hàng hóa của ta tiêu thụ ở đó.

Điểm cuối, những thị trường càng khó tính thì giá cả càng cao dù số lượng tiêu thụ không được nhiều. Quan trọng nhất là nó tạo đường đi lối lại thông thoáng, cửa mở sẵn cho hàng Việt.

Bởi vậy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại khẳng định, chúng ta mở cửa được nhiều thị trường rồi thì tùy theo tình hình từng kỳ, từng năm mà tập trung xuất khẩu ở đâu, việc này do công tác điều hành của cơ quan quản lý.

Mùa vải năm nay, Bắc Giang dự kiến xuất khẩu 80.000 tấn vải thiều, Trung Quốc vẫn là thị trường chính. Phần còn lại được chế biến, tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ảnh: Tuổi trẻ

Mùa vải năm nay, Bắc Giang dự kiến xuất khẩu 80.000 tấn vải thiều, Trung Quốc vẫn là thị trường chính. Phần còn lại được chế biến, tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ảnh: Tuổi trẻ

Tuy nhiên, từ thực tiễn lâu dài, PGS.TS Nguyễn Văn Nam khẳng định, Việt Nam vẫn phải thâm nhập kỹ, nắm chắc thị trường Trung Quốc vì đây là một thị trường khổng lồ, ở gần Việt Nam, yêu cầu không quá cao và khó tính như thị trường khác, lại mua nhiều và thường xuyên.

"Mỹ, châu Âu... còn tìm cách đưa hàng vào Trung Quốc, huống hồ Việt Nam ở ngay bên cạnh mà không tranh thủ thì vô cùng lãng phí và rất... dại", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, bấy lâu nay, thương nhân Việt Nam phần nhiều mới chỉ bán nông sản cho các tỉnh gần biên giới, trong khi Trung Quốc vẫn có những địa bàn yêu cầu rất cao, tương đương với hàng châu Âu như Thượng Hải, Bắc Kinh...

"Vào được Nhật, châu Âu, Mỹ thì hàng của Việt Nam mới có thể bán chính ngạch vào Trung Quốc. Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn chủ yếu buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc nên bị lép vế, còn một khi đã đạt được tiêu chuẩn cao của Mỹ, châu Âu thì thương nhân Việt có thể đàng hoàng ký hợp đồng, bán chính ngạch cho Trung Quốc. Mà đã là chính ngạch thì không có chuyện trục trặc lãng xẹt ở biên giới, ngừng nhập nửa chừng vì hợp đồng đã ký, không thực hiện là bị phạt", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói và đánh giá cao nhiều doanh nghiệp Việt tỉnh táo đi bằng hai chân, vừa tranh thủ, tận dụng thị trường Trung Quốc, vừa nâng cao trình độ, chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa lên. Khi ấy, đường vào thị trường Trung Quốc càng dễ dàng hơn.

Trường hợp công ty nông nghiệp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một ví dụ điển hình được nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhắc đến. Chuối được Hoàng Anh Gia Lai xuất đi các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, nhưng công ty này vẫn xác định Trung Quốc chiếm 70 - 80% thị phần xuất khẩu của tập đoàn. Cho đến nay, chuối của Hoàng Anh Gia Lai trồng đến đâu bán hết đến đấy, thậm chí còn không có đủ mà bán.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nong-san-viet-va-thi-truong-trung-quoc-khong-tranh-thu-ladai-3404394/