Nông sản Việt tìm cách chinh phục thị trường EU

Việt Nam đặc biệt có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu (XK) nông sản sang khu vực thị trường liên minh châu Âu (EU), do đây là khu vực không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới. Tuy nhiên, hiện nay nông sản, thực phẩm của Việt Nam XK sang thị trường EU vẫn nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch thấp do sản xuất thô là chính. Thời gian tới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam, vấn đề là doanh nghiệp (DN) Việt cần vượt qua trở ngại để tận dụng cơ hội bứt phá.

Nhiều quy định khắt khe

Dẫu thị trường EU có nhu cầu lớn về các sản phẩm nông sản nhiệt đới, nhưng ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương đặc biệt lưu ý: Đây là thị trường bảo hộ nông sản cao, rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Thực tế, hiện nay, rau quả của nước ta đang bị EU rà soát, điều chỉnh chặt chẽ về quy định ATTP và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ XK. Hiện, tần suất kiểm tra quả thanh long tăng lên 20%; các loại rau gia vị tăng lên 50%. Bên cạnh đó, hàng thủy sản của nước ta vẫn đang bị đưa vào diện cảnh báo vàng, chịu giám sát chặt chẽ đến tháng 10-2018. EU cũng đang dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt, như: Hồ tiêu, gia vị… của Việt Nam.

Cùng quan điểm, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Đỗ Kim Lang thẳng thắn nhìn nhận: Sản phẩm nông sản, thủy sản Việt Nam rất có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ở những thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... hàng nông sản và thực phẩm của Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức. Cụ thể, do hạn chế về năng lực chế biến sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu nên XK hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận XK phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian. Đặc biệt, nhiều nông sản được bán ra thị trường thế giới không có thương hiệu, nhãn mác, phải sử dụng thương hiệu nước ngoài, gây bất lợi không nhỏ, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Doanh nghiệp cần tự giác tuân thủ quy định chất lượng

Nhận định về triển vọng của thị trường EU trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Quân cho rằng: Kinh tế một số nước thành viên trong khối đang dần hồi phục, nhu cầu tiêu thụ tăng, đặc biệt, khi EVFTA được ký kết mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Theo đó, gạo Việt Nam XK vào EU sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan riêng; thuế hàng nông sản giảm sâu, tiếp cận 0-5% trong vòng 7-10 năm… “Đây là cơ hội lớn cho các DN Việt XK hàng nông sản sang thị trường này. Tuy nhiên, DN phải rất nỗ lực vượt qua thách thức, nhất là những rào cản liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để có thể tận dụng cơ hội, lợi thế đẩy mạnh XK sang các thị trường lớn này”, ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh.

Gợi ý về các giải pháp để nông sản Việt Nam có thể vượt qua các rào cản, chinh phục thị trường EU khó tính, nhiều ý kiến kiến nghị, Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài đối với hàng hóa XK. Thúc đẩy việc xây dựng, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn riêng phổ biến tại các thị trường XK chính có khả năng tạo ra các rào cản thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa XK của Việt Nam. Tập trung phổ biến, tư vấn, đào tạo DN sản xuất XK về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các thị trường nước ngoài; khẩn trương khắc phục thẻ vàng đối với thủy sản…

Chia sẻ rõ hơn về quan điểm này, chuyên gia tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: "Yếu tố đầu tiên cần quan tâm là tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu về sản phẩm của mỗi thị trường. Tiếp đó phải hiểu rõ cơ cấu thị trường, nắm bắt các kênh phân phối, phân tích phân khúc thị trường phù hợp. Cụ thể, trong từng ngành hàng, DN cần có những bộ quy tắc sản xuất, tiêu chuẩn của toàn bộ quá trình từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Lưu giữ thật tốt sản phẩm vì EU yêu cầu phải trích xuất được nguồn gốc trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Thực tế hiện nay cho thấy, ngoài việc không có đầy đủ thông tin của thị trường, DN Việt còn thiếu sự tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Đã có trường hợp, năm nay đánh giá DN đáp ứng đầy đủ các điều kiện XK nhưng năm sau việc tuân thủ không được thực hiện nghiêm, nên hợp đồng bị dừng lại. Đây chính là điểm yếu lớn nhất mà các DN XK Việt Nam phải chủ động khắc phục".

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Nguyễn Hữu Đạt cũng lưu ý: Ngoài vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, các sản phẩm XK sang thị trường EU phải đạt chuẩn HACCP (là một tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm của DN) hay GlobalGAP (là một bộ các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế về việc Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Hiện nay, GlobalGap trở thành tiêu chuẩn tối thiểu cho các siêu thị ở EU...

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nong-san-viet-tim-cach-chinh-phuc-thi-truong-eu-547588