Nông sản Việt tăng tốc vào Châu Âu nhờ thuế 0%

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) đã mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Chỉ sau một tháng EVFTA có hiệu lực, trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Châu Âu đã tăng 17%, nhờ hiệu ứng từ mức thuế xuống còn 0%.

Cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh: Phúc Nguyên

Cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh: Phúc Nguyên

296 tấn cà phê vào EU theo EVFTA

Ngày 16/9, tại thành phố Pleiku, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình lễ xuất khẩu (XK) 296 tấn cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp vào thị trường Châu Âu (EU) theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, việc tổ chức lễ XK cà phê sang EU theo Hiệp định EVFTA là bước cụ thể hóa nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao trong Kế hoạch hành động thực thi EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Với hiệp định này, hầu hết nông sản Việt Nam xuất sang EU có mức thuế bằng 0%, nên đây sẽ là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam thực hiện những thay đổi lớn.

Với cà phê, thị trường EU hiện chiếm trên 42% lượng cà phê XK của Việt Nam và cà phê của Việt Nam chiếm trên 8,5% tổng lượng cà phê nhập khẩu của thị trường này, song tỷ lệ sản phẩm chế biến còn thấp, chỉ 5 - 7%.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, cơ hội từ EVFTA là rất lớn, vì EU có khoảng 510 triệu dân, thu nhập bình quân khoảng 30.000 USD/người/năm, nên sức mua rất lớn. Tuy nhiên, đây là thị trường khắt khe, nông nghiệp Việt Nam nói chung, cà phê Việt Nam nói riêng phải thay đổi lớn theo hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng chế biến, minh bạch nguồn gốc xuất xứ.

Để đạt được những điều này, cả doanh nghiệp (DN), nông dân và chính quyền các tỉnh có sản xuất nhiều cà phê như ở Tây Nguyên phải nghiên cứu kỹ hiệp định và có những thay đổi căn bản trong quản lý, sản xuất kinh doanh.

“Các DN, địa phương và bà con nông dân phải hiểu sâu sắc nội dung các cam kết trong hiệp định. Qua đó cần áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có gắn kết theo chuỗi giá trị giữa DN với nông dân và các hợp tác xã. Đặc biệt, các DN phải tăng cường năng lực chế biến vì khâu chế biến còn rất yếu” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia XK cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về XK cà phê Robusta, đạt kim ngạch XK thường xuyên trên 3 tỷ USD/năm (chiếm 17,4% về lượng và 9,5% về giá trị XK cà phê của thế giới).

Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch XK cả nước (trung bình giá trị XK cà phê sang EU đạt 1,2 – 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Tháng 8/2020, giá trị XK mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.

Cà phê là một trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, với lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên và các vùng trồng cà phê khác của Việt Nam.

Ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, công ty vinh dự là DN xuất lô sản phẩm cà phê đầu tiên sang EU. Để vào được thị trường EU theo Hiệp định EVFTA, sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam sẽ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, đặc biệt các tiêu chuẩn về chất lượng và phát triển bền vững, đưa Việt Nam là điểm tham chiếu cho cà phê Robusta toàn cầu.

Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Phúc Nguyên

Nhiều mặt hàng đã biết chớp cơ hội

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ sau hơn một tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trị giá XK nông, lâm, thủy sản vào EU trong tháng 8 đã đạt 350 triệu USD, tăng trưởng 17% so với tháng 7. Gạo, rau quả tươi, cà phê… là những mặt hàng đã tận dụng được cơ hội XK vào EU nhờ EVFTA.

Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng Việt tăng sau khi hiệp định có hiệu lực. Chẳng hạn, giá gạo XK của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến 80 - 200 USD/tấn tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ước tính trị giá XK gạo tháng 8 của Việt Nam vào thị trường EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng tới 93,5% so với tháng 7 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Có thể thấy việc XK một số sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường EU không chỉ là thành công bước đầu của bản thân DN, mà còn đánh dấu mốc sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam chính thức ghi danh trên thị trường quốc tế” - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT đánh giá.

Tiếp nối sự kiện lô tôm, cà phê đầu tiên XK sang EU theo Hiệp định EVFTA, tới đây, các mặt hàng như chanh leo, bưởi, dừa, thanh long… sẽ tiếp tục được XK sang thị trường này với ưu đãi thuế quan 0%. Cụ thể, ngày 17/9, Công ty Vina T&T Group XK lô trái cây gồm bưởi, dừa, thanh long theo Hiệp định EVFTA.

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, để tận dụng lợi thế từ EVFTA, Việt Nam cần tái cơ cấu lại, hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi và đảm bảo liên kết chặt chẽ DN với nông dân để hình thành quy trình khép kín. Từ đó, đáp ứng được các yêu cầu và tận dụng tốt thị trường EU.

EU là một trong 2 thị trường XK nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch trên 4 tỷ USD năm 2019, chiếm 10% kim ngạch XK của ngành hàng này. Khi EVFTA được thực thi, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU dự báo sẽ tăng trưởng.

Hơn nữa, nông nghiệp Việt Nam và EU có tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam xuất sang thị trường EU các mặt hàng cà phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, tiêu, điều, cao su tự nhiên, rau quả… Trong khi đó, EU là một trong những thị trường chính mà Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu, sữa và sản phẩm sữa, các sản phẩm chăn nuôi...

Từ nay đến cuối năm để đảm bảo cho mục tiêu chung, không chỉ trong năm 2020 mà còn trong thời gian tới, bên cạnh 2 chương trình bao trùm là mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu chung, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện các hoạt động thúc đẩy đầu tư. Đặc biệt, sắp tới sẽ có 10 - 12 dự án lớn sẽ được khánh thành và khởi công. Trong đó tập trung nhiều vào mảng chế biến nông sản. Cụ thể, tháng 10 tới sẽ khánh thành một nhà máy chế biến thủy sản để thúc đẩy ngành thủy sản nhanh hơn, đây cũng là một chương trình hợp tác giữa EU và Việt Nam, thể hiện việc "win-win" trong thực hiện hiệp định thương mại tự do giữa hai bên.

Tiếp đó là khánh thành nhà máy chế biến thịt gà XK có công suất lớn nhất tại Bình Phước; khởi công nhà máy chế biến rau quả, chế biến dược liệu tại Sơn La. Đặc biệt tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân tại Đắk Lắk, cùng với đó sẽ đánh giá lại 5 năm phát triển cây mắc ca; khởi công một dự án phát triển đàn lợn ứng dụng công nghệ cao lớn nhất tại Tây Nguyên. Đây cũng là dự án xây dựng đàn lợn giống hạt nhân, nhập khẩu đàn lợn cụ kị, ông bà từ EU nhằm phục vụ chiến lược phát triển chăn nuôi trong dài hạn./.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-09-16/nong-san-viet-tang-toc-vao-chau-au-nho-thue-0-92338.aspx