Nông sản Việt Nam trước ngưỡng cửa lớn của thị trường EU

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu (XK) nông sản đầy tiềm năng nhưng cũng là thị trường khó tính bậc nhất. Để nông sản Việt Nam có thể chinh phục thị trường này, các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó yếu tố tiên quyết là bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đây là những khuyến nghị được đưa ra tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam-EU với chủ đề 'Thương mại nông sản-Đối tác phát triển bền vững', do Bộ Công Thương phối hợp cùng Phái đoàn EU và đại sứ quán một số nước thành viên EU vừa tổ chức.

Từ EU vươn ra thế giới

EU là khu vực kinh tế thịnh vượng bậc nhất thế giới với GDP chiếm khoảng 23% GDP toàn cầu, thu nhập bình quân lên tới 40.900 USD/người/năm. Với 28 nước thành viên (Vương quốc Anh đang làm thủ tục ra khỏi liên minh), tổng dân số EU đạt khoảng 512 triệu dân, EU trở thành khu vực có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều hàng hóa, đặc biệt là nông sản từ khắp các nước trên thế giới.

Theo các chuyên gia thương mại tới từ Anh, Pháp, Hà Lan… Việt Nam đặc biệt có lợi thế về sản xuất và XK nông sản nhiệt đới sang thị trường EU, do đây là khu vực không có điều kiện sản xuất những mặt hàng này. Trên thực tế, EU là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng XK của Việt Nam trong những năm qua, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu đạt 52,89 tỷ USD, tăng 13,8% so với 2016. Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ là động lực lớn hơn cho nông sản Việt Nam, bởi thuế hàng nông sản giảm sâu, tiếp cận 0-5% trong vòng 7-10 năm, nhất là các mặt hàng, như: Gạo, mía đường.

Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam, bà Miriam Garcia Ferrer thừa nhận: EU vốn là thị trường khó tính, nên có nhiều tiêu chuẩn bị phàn nàn là “quá ngặt nghèo”. Bà Miriam Garcia Ferrer cho rằng, nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng XK sang châu Âu. Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU. Nhiều nông sản Việt Nam được ưa chuộng tại EU, như: Hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải…

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp Vineco (Tập đoàn Vingroup). Ảnh: KHẮC KIÊN

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện nhiều DN Việt Nam cũng cho biết, dù EU là thị trường đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, có quy định rất chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản, nhưng nhiều năm nay thay vì hướng tới các thị trường có tiêu chuẩn thấp hơn, các DN lại hướng tới thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như EU, bởi vì nhiều nguồn lợi mang lại. Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm GOC, ông Phan Văn Thường cho biết: "EU là thị trường dẫn đầu thế giới về các tiêu chuẩn. DN muốn XK được ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội... Song cái được lớn nhất khi hàng hóa xuất sang thị trường này không chỉ là lợi nhuận mà chính là nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý và uy tín của DN. Nếu chúng ta đáp ứng được EU thì các thị trường khác sẽ nhìn vào đây để kết nối với DN. Có thể nói, khi nắm được hệ thống của thị trường châu Âu thì sẽ có thể XK đi khắp nơi trên thế giới. Thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và rất nhiều quốc gia nhìn vào tiêu chuẩn của thị trường châu Âu để nhập khẩu hàng hóa Việt Nam”.

Đánh giá thị trường EU là thị trường đầy tiềm năng cho DN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và XK quế hồi Việt Nam chia sẻ: "Ban đầu, chúng tôi chỉ mong làm sao bán được sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. Nhưng với một số thị trường dễ tính, họ không quan tâm nhiều đến chất lượng và mua với giá rất rẻ, chính vì vậy giá trị gia tăng cho sản phẩm quế, hồi của Việt Nam không nhiều. Trước thực trạng đó, chung tôi đã định hướng lại và tập trung vào thị trường cấp cao như EU. EU là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng và cũng sẵn sàng mua sản phẩm với giá rất cao”.

Cần quan tâm đến an toàn, xuất xứ và quảng bá

Ông Paolo Lemma, Tham tán Thương mại Italy gợi ý, việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam để quảng bá tới thế giới còn yếu, thiếu tính kết nối, khiến nhiều sản phẩm tốt nhưng lại không được người tiêu dùng EU biết đến. Vì vậy, chiến lược quảng bá, xây dựng thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam phải được thúc đẩy mạnh mẽ để người tiêu dùng EU và thế giới nhận diện tốt hơn nữa. Lưu ý với DN Việt Nam một số đặc điểm của thị trường EU, ông Handyn Craig, Trung tâm Phát triển kỹ thuật nông nghiệp Vương quốc Anh cho biết, xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay đang hướng đến sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc tự nhiên. Chính vì vậy, các DN Việt Nam cần nắm bắt nhu cầu này để có định hướng sản xuất phù hợp.

Nhằm đẩy mạnh XK hàng nông sản Việt Nam sang thị trường EU, bà Miriam Garcia Ferrer cho biết, khi EVFTA đi vào thực thi sẽ mang lại cơ hội cho cả hai bên, bởi hàng hóa từ Việt Nam chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu vào EU và Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia XK nhiều nhất vào thị trường này. Tuy nhiên, EU có điều khoản chặt chẽ cho chất lượng hàng nông sản, yêu cầu của EU là phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Do vậy, các DN Việt Nam cần phải biết “luật chơi” và tuân thủ những quy định chung giúp minh bạch thị trường, giải quyết các bất đồng phát sinh trong hoạt động thương mại. Trong đó, Việt Nam phải thực hiện tốt quy định về quy tắc nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Phan Văn Thường: Hiện, hàng nông sản Việt Nam xuất sang EU đang bị đánh thuế 14%, nhưng thời gian tới, khi EVFTA được ký kết và đưa thuế về 0%, đây thực sự là cơ hội cho nông sản Việt Nam. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của EU, quan trọng là vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa của Việt Nam phải bảo đảm an toàn. Muốn vậy, các DN và địa phương phải tự xây dựng riêng cho mình vùng nguyên liệu cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý tương thích và đáp ứng theo hệ thống quản lý của thị trường EU.

Ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích DN phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sẵn sàng áp dụng các cơ chế ưu đãi về thủ tục đầu tư, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, đất đai, lãi suất…

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nong-san-viet-nam-truoc-nguong-cua-lon-cua-thi-truong-eu-556424