Nông sản Việt Nam đã chinh phục các thị trường 'khó tính'

Hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam đã vào được nhiều thị trường khó tính như: vải, chôm chôm vào được thị trường Úc; xoài sắp được xuất sang Mỹ; gạo Việt vượt Thái Lan về giá hay thịt lợn tươi l

Ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong vòng một thập kỷ

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vừa qua, với con số tăng trưởng của ngành cao nhất 10 năm gần đây, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ “qua mặt” được những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh và vượt mức kế hoạch đề ra. Dự kiến GDP sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng tăng từ 3,95% đến 4,05%, đạt mức tăng trưởng cao nhất 10 năm gần đây. Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 cũng đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.

6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 4,2%, GDP dự kiến tăng 3,95-4,05%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,7%; giá trị xuất khẩu thủy sản 3,94 tỷ USD, tăng 10,5%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 6 tháng đầu năm 2018 là: Gạo khoảng 3,57 triệu tấn, giá trị 1,81 tỷ USD, tăng 12,5% về khối lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017; rau quả 2 tỷ USD, tăng 20%; điều 1,71 tỷ USD, tăng 16,4%; thủy sản 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018, dự kiến đến cuối năm 2018, xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản sẽ đạt mục tiêu 40 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, để có được mức tăng trưởng mạnh trong 6 tháng vừa qua, toàn ngành nông nghiệp đã tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm.

Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Cùng với đó, khuyến khích tiêu dùng nội địa, tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, các hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn. Các đơn vị của Bộ cũng đã phối hợp với tỉnh, TP triển khai chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết chuỗi giá trị nông sản…

Nông sản Việt Nam đã chinh phục các thị trường “khó tính”

Cũng trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ NN&PTNT, hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam đã vào được nhiều thị trường "khó tính" như: vải, chôm chôm vào được thị trường Úc; xoài sắp được xuất sang Mỹ; gạo Việt vượt Thái Lan về giá hay thịt lợn tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch...

Hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam đã vào được nhiều thị trường "khó tính"

Đặc biệt, trái ngược hẳn tình trạng được mùa rớt giá ở những năm trước, năm nay, vải thiều vừa bội thu vừa được giá cao. Báo cáo của tỉnh Bắc Giang, tính đến 25/6 cho thấy, toàn tỉnh đã tiêu thụ tổng số 184.000 tấn vải thiều, đạt tổng doanh thu gần 5.000 tỷ đồng và dự báo kết thúc vụ có thể đạt ít nhất 5.500 tỷ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, nông nghiệp đang thực hiện chiến lược quan trọng là tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cũng như triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chính phủ cũng đã có nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là khuyến khích các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp đã tiến hành tái cơ cấu ngành bằng cách tổ chức sản xuất theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như đáp ứng được các điều kiện về an toàn thực phẩm và các điều kiện về kiểm dịch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cảnh báo, hiện nay, những diễn biến bất thường của thời tiết có thể sẽ gây thiệt hại lớn về người và phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì thế, để đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD vào cuối năm nay, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với chuỗi giá trị. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kế hoạch, cơ cấu sản xuất các cây trồng, vật nuôi... thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ ngành nông nghiệp những tháng cuối năm, cần đặc biệt quan tâm đến công tác thị trường. Từ nay đến cuối năm cần tập trung hơn, không chỉ quan tâm đến các thị trường truyền thống mà còn phát triển các thị trường mới, còn nhiều dư địa.

Đồng thời, cần tổ chức thật tốt thị trường trong nước thích ứng với sự phát triển của xã hội, đảm bảo cân đối hơn giữa thị trường trong nước và nước ngoài, đảm bảo tăng trưởng cho khu vực nông nghiệp.

Hạ Vũ

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/nong-san-viet-nam-da-chinh-phuc-cac-thi-truong-kho-tinh-20180703010717188p40c14.htm