Nông sản Việt đi tìm chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn

Việt Nam đủ điều kiện để làm một bếp ăn tử tế cho thế giới nhưng trước hết hãy làm một bếp ăn tử tế cho người Việt!

Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải đi theo thông lệ quốc tế và quy luật thị trường; đặc biệt doanh nghiệp nông nghiệp Việt mong sớm có bộ chính sách cho một chuỗi giá trị sản phẩm trọn gói từ trang trại đến bàn ăn có ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tích hợp lại tạo giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Nam

Trên đây là đề xuất của bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hôm nay (30-7).

Và những đề xuất nói trên của bà Thái Hương cũng là đòi hỏi từ nhiều doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đòi hỏi của doanh nghiệp

Cũng tại hội nghị sáng nay, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan đề xuất để tăng hiệu quả ngành nông nghiệp, nhà nước cần khuyến khích và ban hành cơ chế phù hợp thúc đẩy quá trình tích hợp chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến chế biến, nâng cao giá trị cho nông sản, xây dựng thương hiệu nông nghiệp quốc gia để cạnh tranh quốc tế.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo hành lang pháp lý nhằm khai mở các nguồn vốn đầu tư thay vì chỉ giới hạn ở việc tài trợ vốn ngân hàng cho hộ kinh doanh cá thể như lâu nay.

Theo ông Quang, quỹ đất cho nông nghiệp đang giảm dần nên để tăng hiệu suất trồng trọt chăn nuôi với quy mô lớn thì nhà nước cần xây dựng chính sách quản lý và phát triển tài nguyên mặt nước biển gần bờ bởi Việt Nam có bờ biển dài vốn là tài nguyên lớn cần có chiến lược khai thác theo hướng nuôi trồng bền vững.

Tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn gồm: chuỗi giá trị nông nghiệp đang phân tán, rời rạc; đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chiếm tỉ trọng nhỏ; giá trị đầu tư vào toàn nông nghiệp cũng còn hạn chế.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam gợi ý một số giải pháp thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam như Chính phủ cần đóng vai trò tích cực để tăng cường chính sách và đối thoại để có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và nông nghiệp rõ ràng; tạo niềm tin để doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư nông nghiệp; hỗ trợ phát triển liên kết giữa các hoạt động đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân địa phương; có biện pháp để giảm chi phí thương mại.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định vai trò của hộ nông dân trong các thành tựu của ngành nông nghiệp Việt Nam đã đến lúc bão hòa bởi trong giai đoạn hội nhập hiện nay thì hộ nông dân cá thể không còn “chủ lực” được nữa. Điều này đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu từ hộ cá thể sang hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp và liên minh giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.

Cụ thể về giải pháp hỗ trợ người nông dân, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Chính phủ và chính quyền địa phương đo đếm sự giúp đỡ doanh nghiệp bằng cách chỉ ra mỗi năm, tại mỗi tỉnh thì Nhà nước giúp được bao nhiêu hợp tác xã, bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và công bố chỉ tiêu thu nhập nông dân được bao nhiêu, bao nhiêu đất nông nghiệp được nông dân thâm canh.

Về thực trạng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực của nông sản Việt Nam. Có nhiều nông sản có lợi thế cạnh tranh và mang lại kim ngạch xuất khẩu cao như gạo, thanh long và nhiều loại nông thủy sản khác.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2013 - 2017 đạt khoảng 157 tỉ đô la Mỹ, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt gần 19,5 tỉ đô la, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỉ đô la trở lên gồm lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sắn, rau quả, tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới.

Tuy nhiên, nhìn lại cả nước cho đến nay thì con số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế. Gần 10 năm qua, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Nguyên nhân được cho là do môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự được thuận lợi, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa tạo động lực đủ mạnh. Con số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tính đến nay khoảng 49.600, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Và giải pháp sắp tới

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những thành tựu đạt được thì ngành nông nghiệp Việt Nam còn phát triển thiếu bền vững, đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ cho nông nghiệp còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định.

Chưa kể doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, tín dụng, các chính sách thuế, phí chưa hợp lý, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp chậm phát triển, nhân lực nông nghiệp yếu, thủ tục hành chính còn phiền hà gây cản trở cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong giai đoạn tới, trước bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa của nền kinh tế đang diễn ra sôi động thì doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò “trụ cột” trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nước ta.

“Lĩnh vực nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững nếu không tập trung tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, gắn với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói tại hội nghị hôm nay.

Ông Dũng nhắc lại các phản ảnh của doanh nghiệp nông nghiệp cho thấy: sự khó khăn trong tiếp cận đất đai, quy hoạch vùng nông nghiệp thiếu ổn định, khó tiếp cận tín dụng, thuế phí lĩnh vực nông nghiệp còn chưa hợp lý, máy móc thiết bị cho nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi chủ yếu còn nhập khẩu (thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu 100%), thị trường tiêu thụ chưa bền vững, chưa dự báo phân tích thị trường về sản lượng và giá bán và khả năng hợp tác của nông dân còn yếu, sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa phát triển… là những vướng mắc, cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc cần có đánh giá toàn diện về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Với một số số liệu nói trên về lĩnh vực nông nghiệp thì rất cần nhiều chính sách và đầu tư để tạo gam màu sáng hơn cho toàn cảnh bức tranh nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới bởi nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.

Về giải pháp phát triển ngành nông nghiệp thời gian tới, ông Dũng cho biết Việt Nam tiếp tục tập trung các nhóm giải pháp: rà soát các thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiệp để cắt giảm 40 - 50% thủ tục hành chính so với hiện nay; rà soát tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra không để tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; nhanh chóng có giải pháp tạo quỹ đất, xây dựng thí điểm các mô hình tích tụ tập trung đất đai cho nông nghiệp đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước – người nông dân và các doanh nghiệp; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp như giống cây trồng, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, chuỗi thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc…

Đại diện Hiệp Cà phê Ca cao Việt Nam nêu thách thức lớn nhất của ngành cà phê hiện nay là biến đổi khí hậu, cây cà phê già cỗi chưa kịp thay, hộ nông dân nhỏ và vừa yếu cả về tài chính lẫn kỹ thuật, nhiều cây trồng khác đang cạnh tranh với diện tích cây cà phê.

Để nâng giá trị xuất khẩu cà phê lên hơn 6 tỉ đô la trong thời gian tới (hiện nay đạt gần 3,5 tỉ đô la), ngành cà phê cần nâng diện tích cà phê tái canh, nâng giá trị chế biến bằng chương trình hỗ trợ vốn trung hạn và dài hạn cho chế biến cà phê hòa tan vốn có thời gian thu hồi vốn chậm; xây dựng thương hiệu quốc gia cho cà phê Việt; xúc tiến xuất khẩu cà phê hòa tan và cà phê rang xây của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Riêng ngành cà phê, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại điều bất hợp lý nhất của ngành cà phê Việt Nam đó là xây dựng chuỗi giá trị. Cà phê xuất khẩu thu gia trị ít mà giá trị gia tăng nằm hết ở nước ngoài.

“Chúng ta chỉ thu vài ba tỉ đô la trong khi nếu chế biến sâu tốt hơn thì mang lại giá trị xấp xỉ 12 tỉ đô la. Tại sao chúng ta không làm được điều này? Và đây là câu hỏi dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam bởi cà phê Việt Nam hiện đang tốt nhất thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và yêu cầu thâm canh tốt hơn nữa tổng diện tích hơn 300.000 ha cây cà phê cả nước đi kèm với việc nghiêm cấm phá rừng tự nhiên, rừng nghèo để tiếp tục tăng diện tích cây cà phê, đừng thấy giá trị trước mắt mà bỏ qua giá trị lâu dài.

Xem thêm:

Văn Nam

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276179/nong-san-viet-di-tim-chuoi-gia-tri-tu-trang-trai-den-ban-an.html