Nông sản Việt: Đẩy mạnh nhận diện thương hiệu, chinh phục thị trường xuất khẩu

Bà Miriam Garcia Ferrer – Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) với chủ đề: 'Thương mại nông sản Việt Nam – EU: Đối tác phát triển bền vững', diễn ra sáng 6/12 tại Hà Nội.

Bà Miriam Garcia Ferrer – Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam

Tại diễn đàn, các chuyên gia châu Âu nhận định, nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU. Nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại EU như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải…

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất Châu Á, thương mại hai chiều được định giá vào khoảng 165% GDP vào năm 2017. “Các nước EU hiện là đối tác thương mại mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu đạt 52,89 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vào EU là hơn 3 tỷ USD…” – ông Hưng cho biết.

Cũng theo ông Hưng, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới và có mặt tại 189 quốc gia. Trong đó, vị thế xuất khẩu điều, tiêu đứng số 1 thế giới; xuất khẩu cà phê đứng thứ 2; xuất khẩu thủy sản, gạo đứng thứ 3 và xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 4 thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại lớn của EU khi có nhiều mặt hàng nông sản từ châu Âu được nhập khẩu vào Việt Nam như lúa mì, hàng thủy sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phân bón các loại, sữa và các sản phẩm sữa…

Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, tiềm năng thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EU là rất lớn, đặc biệt là tiềm năng nông nghiệp. “Đối với thị trường xuất khẩu, hàng nông sản Việt Nam đã chiếm vị trí nhất định. Hàng năm, bên cạnh việc cung ứng cho 96 triệu dân trong nước, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam chiếm tới 46 tỷ USD. Các lĩnh vực chăn nuôi, sữa, thịt, trứng, đặc biệt là lâm, thủy sản trong nước rất có tiềm năng tham gia phát triển thị trường xuất khẩu” – ông Công nói.

Ông Công cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất cà phê, chè đã có chứng nhận trên thị trường xuất khẩu với gần 7.000 ha trồng trọt đáp ứng đủ điều kiện canh tác; 100% cơ sở nuôi cá tra có mã truy xuất nguồn gốc…

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường EU, bà Miriam Garcia Ferrer – Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết, Việt Nam phải chuẩn bị tốt nhiều công việc. “Chúng ta phải hợp tác với nhau trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, cùng phục vụ lợi ích cho nhân dân hai khu vực. Hiện nay, EU có nhiều ưu tiên cho Việt Nam đối với các sản phẩm như gạo, mía, đường…” – bà Miriam nói.

Cũng theo bà Miriam, EU có điều khoản chặt chẽ cho chất lượng hàng nông sản xuất – nhập khẩu. “Để nâng cao thị trường xuất khẩu, EU quy định mọi thông tin về sản phẩm phải được công khai, minh bạch trên website. Việc minh bạch thông tin sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng xuất khẩu, đương nhiên người Việt Nam cũng được tiếp cận nhiều sản phẩm nhập khẩu từ EU. Hy vọng khi có Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam sẽ nhận được nhiều đầu tư từ EU trong lĩnh vực nông nghiệp. Và chúng tôi sẽ tập trung vào chất lượng thay vì số lượng sản phẩm...” – bà Miriam cho biết.

Tuy nhiên, để chinh phục thị trường xuất khẩu EU, bà Miriam cho rằng, Việt Nam phải thực hiện tốt quy định về quy tắc nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam phải được thúc đẩy mạnh mẽ để người tiêu dùng EU và thế giới nhận diện tốt hơn nữa.

Đồng quan điểm, ông Handyn Craig, Trung tâm Phát triển kỹ thuật nông nghiệp Vương quốc Anh cho biết, xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay đang hướng đến sản phẩm có chất lượng cao. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu để khách hàng nhận diện là vô cùng quan trọng. Do vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao công nghệ và hiện đại hóa thương mại. Đồng thời, sản phẩm lành mạnh, an toàn cũng là yếu tố quan trọng làm tăng tỷ lệ người mua hàng…

VÂN TRÀ

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nong-san-viet-day-manh-nhan-dien-thuong-hieu-chinh-phuc-thi-truong-xuat-khau-19718.html