Nông sản Việt 'đánh rơi' giá trị: Nghịch lý ở đâu?

Chỉ chăm chăm xuất tươi, thiếu đầu tư công nghệ chế biến khiến nhiều loại nông sản của Việt Nam cứ vào mùa rộ là rớt giá.

Nông sản vào mùa, cung vượt quá cầu làm rớt giá dường như đã trở thành căn bệnh kinh niên của nông sản Việt Nam. Khi thị trường mất cân bằng, sản phẩm chế biến sẽ giải quyết được vấn đề này, đồng thời giúp nâng cao giá trị nông sản.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, vấn đề này nằm trong quy hoạch. Phải tính toán được khả năng sản xuất, khả năng tiêu thụ sản phẩm tươi của thị trường là bao nhiêu, còn sản phẩm đem bảo quản, chế biến là bao nhiêu.

"Nông sản, nhất là trái cây, có mùa, trong khi người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ quanh năm. Muốn vậy, phải chế biến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trên cơ sở tỉnh toán như trên, sẽ xác định được phải lập bao nhiêu nhà máy chế biến. Việc này thuộc trách nhiệm Nhà nước", ông nói.

Chế biến mít sấy trong nhà máy của Vinamit. Ảnh: NLĐ

Chế biến mít sấy trong nhà máy của Vinamit. Ảnh: NLĐ

Vị chuyên gia lưu ý, nhu cầu của người tiêu dùng rất đa dạng và ngày càng chú ý đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe - giảm đạm, giảm đường. Chẳng hạn, khoai lang không phải chỉ để luộc mà còn làm các sản phẩm ăn liền, chế biến thành bột làm bánh. Hay mít, trước đây lúc đói nghèo người dân thích quả mít thật ngọt nhưng bây giờ người ta không cần quá ngọt như vậy nữa, chưa kể ngoài nhu cầu ăn tươi (không nhiều), mít được chế biến thành bột - có thể thay thế bột mì và bột gạo, có công dụng chữa bệnh...

"Nhưng khâu chế biến sâu này đang bị bỏ rơi, chủ yếu là doanh nghiệp tự làm, thiếu sự phối hợp, hỗ trợ, dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp xây xong nhà máy rồi nhưng không có nguyên liệu để chế biến. Chúng ta mải mê xuất thô sang Trung Quốc, trong khi ngoài tiêu thụ sản phẩm tươi, họ chế biến cho ra những sản phẩm có giá trị cao. Nói cách khác, toàn bộ phần giá trị gia tăng nằm ở phía bên kia", ông nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Kết, khoa Nông lâm - Đại học Đà Lạt nhận định, công nghệ sau thu hoạch giúp sản phẩm vừa đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vừa có giá trị kinh tế cao, để được lâu dài, không bị ép giá.

Như cải thảo giá đầu bờ chỉ mấy ngàn đồng nhưng đưa vào quy trình lên men, đóng hộp, nó trở thành món kim chi của Hàn Quốc giá hàng trăm ngàn. Cà chua tươi chỉ có giá trên dưới chục ngàn nhưng qua khâu chế biến thành các loại sản phẩm cà chua khác nhau như dạng bột, kem, tương… nó đã trở thành món hàng lên tới hàng trăm ngàn đồng. Từ quả bơ có thể chế biến thành bột bơ, dầu bơ, mỹ phẩm, tăng giá trị của quả bơ lên vài chục đến cả trăm lần.

Dẫu biết vậy nhưng khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn yếu, nhất là chế biến sâu chưa phát triển mạnh, nên nông sản nước ta luôn chịu nhiều thiệt thòi. Cho nên mới dẫn đến nghịch lý: cùng có những trái cây tương tự như Thái Lan, Việt Nam vẫn phải nhập nước ép cam còn nguyên tép, măng cụt sấy đóng lon...

"Công nghệ chế biến không khó, vấn đề là chi phí lớn. Việt Nam có nhiều viện, trung tâm bảo quản sau thu hoạch nhưng những nơi đó giảng dạy về lý thuyết là nhiều, có các mô hình nho nhỏ, họ không thể đi theo kinh tế thị trường được, có chăng chỉ có thể đào tạo, giảng dạy khác đi. Bây giờ tất cả đều ỷ vào doanh nghiệp, doanh nghiệp nào nhạy cảm thì làm. Các cơ sở áp dụng công nghệ sau thu hoạch thì nhiều, nhưng cũng chưa đi đúng hướng hoàn toàn bởi doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận. Cho nên, chúng ta cần có một chiến lược phát triển nền công nghiệp chế biến thực sự, không thể để doanh nghiệp tự bơi", PGS.TS Nguyễn Văn Kết nói.

Đáng lưu ý, mỗi địa phương phải có chiến lược riêng do đặc thù của mỗi nơi và cần có hành động thúc đẩy cụ thể, các bộ, ngành đóng vai trò hỗ trợ.

"Các tỉnh, thành phải quan tâm đến chuyện này, nhất là những nơi có mặt hàng nông sản tiêu thụ lớn, hay gặp cảnh dội chợ. Áp dụng công nghệ sau thu hoạch để lưu trữ, chế biến các sản phẩm đó ra sao, ai làm, ưu đãi phù hợp ra sao... do chính sách của tỉnh quyết định", ông nói và ghi nhận nhiều địa phương cũng đã có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp song chưa đưa ra được chương trình cụ thể để doanh nghiệp làm được.

Sau 5 năm (2015-2020) thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, Sơn La đã vươn lên trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc. Địa phương này hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học và các doanh nghiệp để mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, đồng thời, liên kết tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn.

Sơn La hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục hành chính quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, các thủ tục về môi trường, xây dựng... Đối với các dự án trọng điểm chế biến nông sản, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường, điện, nước đến chân hàng rào dự án.

Nhờ tích cực mời gọi, thu hút đầu tư, đến nay Sơn La đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư làm ăn. Trong đó, có Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods; Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH; Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Theo thống kê được đưa ra tại Hội nghị đánh giá năm năm (giai đoạn 2016 – 2020) thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả của Sơn La hồi tháng 3/2021, đến nay, toàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, tăng tám nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu quy mô lớn so với năm 2015.

Nhờ đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, Sơn La đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 14 nước (Australia; Pháp; Mỹ; Nhật, Nga...).

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/nong-san-viet-danh-roi-gia-tri-nghich-ly-o-dau-3433582/