Nông sản từ Nebraska, Hoa Kỳ tìm đường vào thị trường Việt Nam

Đoàn doanh nghiệp bang Nebraska do ông Pete Ricketts – Thống đốc bang Nebraska, Hoa Kỳ dẫn đầu, đang có chuyến khảo sát tại thị trường Việt Nam để tìm đường xuất khẩu nông sản.

Ebraska là bang có thế mạnh nông nghiệp của Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Ebraska muốn gia tăng xuất khẩu nhiều loại nông sản, trong đó có thịt bò, đậu tương... sang thị trường Việt Nam.

Ebraska là bang có thế mạnh nông nghiệp của Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Ebraska muốn gia tăng xuất khẩu nhiều loại nông sản, trong đó có thịt bò, đậu tương... sang thị trường Việt Nam.

Ngày 5/9, tại trụ sở Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với Đoàn doanh nghiệp bang Nebraska do ông Pete Ricketts – Thống đốc bang Nebraska, Hoa Kỳ dẫn đầu.

Chuyến đi khảo sát thị trường của đoàn doanh nghiệp bang Nebraska nhằm tìm đường xuất khẩu nhiều loại nông sản sang Việt Nam.

Ebraska là bang có thế mạnh nông nghiệp của Hoa Kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu thịt bò 1,2 tỷ USD (số liệu 2017). Bên cạnh đó, các loại thịt đỏ nói chung cũng đứng đầu với giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD, tương đương sản lượng hơn 3,6 triệu tấn.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu nông sản Mỹ sang Việt Nam tăng 57,8% từ 2,5 tỷ USD năm 2017 lên 4 tỷ USD năm 2018. Với Nebraska, chỉ tính riêng thịt bò, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 vào Việt Nam chỉ là 5,4 triệu USD nhưng đến 2018 con số này lên đến 12,3 triệu USD, tăng 127%.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại hàng đầu và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều không ngừng tăng mạnh qua các năm, trong đó nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ của Việt Nam trong năm 2018 đã lên tới hơn 4 tỷ USD.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, những năm tới, nhập khẩu nông sản từ Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa.

Việt Nam bắt đầu có quan hệ thương mại với bang Nebraska từ khoảng hơn 5 năm trước, chủ yếu tập trung vào nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Nebraska như đậu tương, thức ăn gia súc, thịt bò, các loại ngũ cốc...

“Bộ Công thương hoan nghênh và cam kết ủng hộ hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp bang Nebraska tại Việt Nam; đồng thời giao các đơn vị của Bộ hỗ trợ thông tin, kết nối với các đối tác phù hợp của Việt Nam cho các doanh nghiệp Nebraska", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cam kết.

Thống đốc Bang Nebraska, ông Pete Ricketts nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với gần 100 triệu dân, có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản cho Nebraska. Ngoài đậu tương và thịt bò, chúng tôi có thể nhìn thấy tiềm năng về xuất khẩu ngô và thức ăn chăn nuôi vào Việt Nam trong bối cảnh ngành chăn nuôi tại Việt Nam đang ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, thịt lợn cũng là mặt hàng được xem xét để tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam, do thịt lợn là món ăn truyền thống của người Việt Nam.

Không dừng lại ở việc tìm kiếm các nhà nhập khẩu nông sản tại Việt Nam, đoàn doanh nghiệp Nebraska cũng kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam tới Nebraska để hợp tác, đầu tư, đặt bước chân đầu tiên để thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ với các loại nông sản nhiệt đới.

"Doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ. Đơn cử như về thủy hải sản có cá da trơn, tôm, về nông sản có hạt điều, cà phê. Đây đều là những sản phẩm mà thị trường Hoa Kỳ nói chung và Nebraska có nhu cầu rất lớn", ông Pete Ricketts nói.

Một lợi thế cho hàng Việt xuất khẩu cũng được ông Pete Ricketts lưu ý: "Bang Nebraska là một địa điểm lý tưởng để các doanh nghiệp Việt phát triển thị trường ở Hoa Kỳ. Với vị trí trung tâm, từ Nebraska có thể tiếp cận thị trường bằng xe tải trong 2 ngày. Ngoài ra, bang Nebraska còn có cộng đồng người Việt khá lớn, tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến thứ 3, sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam".

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nong-san-tu-nebraska-hoa-ky-tim-duong-vao-thi-truong-viet-nam-d106745.html