Nông sản Sơn La: Đồng bộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap

Để tăng giá trị cho nông sản địa phương, tỉnh Sơn La đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao.

Từ tỉnh miền núi có diện tích đất nương đồi trồng ngô lớn nhất nước, Sơn La đã nhanh chóng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước với tổng diện tích trên 70.000 ha. Tổng giá trị nông sản xuất khẩu của tỉnh năm 2019 đạt 140,16 triệu USD, chiếm 93,29% giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng được mở rộng như Trung Quốc, Campuchia, Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…

 Ứng dụng công nghệ giúp nâng giá trị cho nông sản Sơn La

Ứng dụng công nghệ giúp nâng giá trị cho nông sản Sơn La

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản của tỉnh cũng được tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước, không xảy ra ứ đọng hàng hóa, với sản lượng trái cây tiêu thụ trong nước năm 2019 đạt trên 150.000 tấn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các chợ đầu mối và trung tâm thương mại, siêu thị tại Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La… Theo đó, thu nhập bình quân trên 1 ha đạt từ 150 triệu đồng - 500 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao mức sống của người dân.

Đó là kết quả của quá trình đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị cạnh tranh trên thị trường. Mối liên kết giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học được hình thành, bước đầu tạo chuỗi sản xuất cho các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đã đồng bộ các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, hướng tới GlobalGap. Nhiều công nghệ cao đã được áp dụng như xây dựng nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới nước tiết kiệm…

Đến nay, tỉnh có hơn 9.780 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP, GloboGAP. Cùng với đó, 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu như: Cà phê Sơn La, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã, xoài tròn Yên Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, chè Olong Mộc Châu, chè Tà Xùa và mật ong Sơn La... Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện thí điểm sản xuất 11 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các huyện, thành phố và được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hưởng ứng...

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đình Phong - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La - cho hay, để các sản phẩm nông sản có thể mở rộng thị trường, ngoài việc tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, yếu tố đầu vào như vật tư giống cây trồng cho đến quản lý, chăm sóc, bao gói, truy xuất nguồn gốc… đều phải chuẩn, sau đó mới đưa đi giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường. Sơn La cũng luôn hướng tới vùng sản xuất nông sản an toàn. Do đó, tỉnh đã hướng dẫn các hợp tác xã chuyển dần sang hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sạch.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến nông sản; quản lý tốt những diện tích đã được cấp mã vùng trồng, tiếp tục xây dựng các mã vùng trồng mới; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn; tăng cường thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng các cơ sở thu gom có đủ năng lực (kho lạnh, cơ sở sơ chế, phân loại, đóng gói, bao bì, phương tiện vận chuyển chuyên dụng) bao tiêu và ký kết hợp đồng xuất khẩu…

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, sẵn sàng hướng dẫn các doanh nghiệp Sơn La tham gia những hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ địa phương lựa chọn, xây dựng phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản thế mạnh, đặc biệt sản phẩm có chỉ dẫn địa lý...

Tỉnh Sơn La xác định xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn ứng dụng công nghệ cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường là “gốc” và “cốt lõi” trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Quỳnh Nga - Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-san-son-la-dong-bo-san-xuat-theo-tieu-chuan-vietgap-138134.html