Nông sản muốn tìm đường ra chợ ta, chợ tây, cần nhất điều gì?

Đầu tuần này, có một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long gửi thư hỏi hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) về xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản và thực phẩm của tỉnh, sao cho đủ yêu cầu về tiêu chuẩn với thị trường trong nước và cả xuất khẩu. Thế Giới Tiếp Thị đã mời bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia về tiêu chuẩn thực phẩm (đang nghiên cứu ở Hà Lan) trả lời câu hỏi này.

Tự công bố cái gì?

Tháng 3.2018, Việt Nam công bố nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm (ban hành vào năm 2010). Chương II của nghị định này, liên quan đến thủ tục tự công bố sản phẩm, là chương đã làm các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực phẩm (gọi tắt là nhà sản xuất) phấn khởi nhất.

Theo đó, kể từ ngày 2.2.2018, nhà sản xuất, sau khi hoàn tất thủ tục tự công bố theo quy định, có thể đưa sản phẩm ra lưu hành trên thị trường. Thủ tục khá đơn giản.

Nông dân Mộc Châu (Sơn La) cho đàn bò sữa ăn cỏ, chăm sóc theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, một số địa phương có vẻ lúng túng về việc tự công bố này. Tự công bố theo chuẩn gì bây giờ, sau đó liệu có bán, có xuất khẩu được không? Có doanh nghiệp nói với tôi, tự công bố theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng khi muốn xuất qua thị trường khó như châu Âu, phía mua hàng không chịu, nhà phân phối hoài nghi do không thấy có tổ chức quốc tế nào thừa nhận VietGAP!

Vậy làm sao để tự công bố được thừa nhận ở cả “chợ ta lẫn chợ tây”? Theo tôi, “tự công bố” là công bố phù hợp với yêu cầu luật định của Nhà nước, của nhà bán lẻ trong nước và thông lệ mậu dịch quốc tế, tức là sản phẩm phải đạt được mức độ phù hợp “3 trong 1”!

Những tiêu chuẩn nội địa

Để bạn đọc hiểu, tôi ví dụ: sữa bò tươi ở Hà Lan muốn bán ra thị trường, Chính phủ quy định: “không được tồn dư thuốc, không có các vi khuẩn gây bệnh, người của sở Vệ sinh thú y kiểm tra vệ sinh chuồng trại và dịch bệnh một lần/năm”.

Giá sữa bò tươi nuôi chuồng, thức ăn đậm đặc khoảng 30 xu/lít. Một số trang trại bò sữa quy mô dưới 100 con/trang trại sẽ làm khác. Họ không bổ sung thức ăn đậm đặc, thả bò ra đồng, không xới đất, không cưa sừng bò sữa, bán cho nhà chế biến hơn 50 xu/lít, còn nếu thanh trùng và vô chai thủy tinh bán tại trại khoảng 1,5 euro/lít.

Tôi có thăm một trại bò sữa chỉ nuôi giống bò sữa bản địa của Hà Lan (cả nước chỉ có khoảng 600 con giống này). Sản phẩm họ làm ra không đủ bán. Mô hình này làm tôi nghĩ ngay tới trang trại gà rừng Sác (Cần Giờ, TP.HCM) của cô học viên mới quen sau này. Trại của cô nuôi giống gà nòi của Bến Tre, không sử dụng thức ăn công nghiệp.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương đang hướng dẫn các chị phụ nữ Bến Tre làm mứt dừa bằng màu tự nhiên, thay vì dùng hóa chất làm màu. Ảnh: TLKH

Tôi lấy một ví dụ khác. Hôm tết ta, có anh bạn tặng cho tôi hai đòn bánh tét, gói lá chuối, buộc dây nilông, bao bì hút chân không. Tôi ăn ngon và không bị đau bụng. Như vậy là bánh được làm hợp vệ sinh, đúng theo quy định nhà nước. Nhưng nếu cơ sở làm bánh đó thay dây nilông bằng dây lạt, hãy vận động các thím, các má trong xóm gói bánh, nấu bánh cùng nhau, thống nhất tiêu chuẩn cho mấy món truyền thống.

Nên kết hợp với các chuyên gia tổ chức những chương trình huấn luyện cộng đồng, như trường hợp bà Mayu Ino đang làm hai chương trình dạy học sinh trồng rau hữu cơ và tổ chức cho các tổ phụ nữ làm mứt, với trợ sức của chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương, để nâng cao giá trị hàng hóa của những món đặc sản địa phương. Chỉ cần các địa phương làm cùng sản phẩm ngồi lại với nhau, quy định những tiêu chuẩn chung, công bố cho người tiêu dùng biết… sẽ có những mặt hàng độc đáo, có giá trị cao, vừa tránh được tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường.

Ở hai ví dụ tôi vừa nêu, nhà sản xuất phải tìm cách tổ chức sản xuất đáp ứng những tiêu chuẩn của Nhà nước, vừa đáp ứng được mong muốn của nhà bán lẻ về an toàn thực phẩm, giá cả cạnh tranh và thu hút được người tiêu dùng. Có thể hiểu “3 trong 1” là như vậy.

Muốn bán ra thế giới, phải đạt chuẩn quốc tế

Còn ở tầm xuất khẩu, trường hợp các tiêu chuẩn áp dụng cho toàn chuỗi giá trị thực phẩm, từ sản xuất ban đầu ở trang trại đến chế biến và phân phối tới các nhà bán lẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới, thường gồm ba tiêu chuẩn: BRC của hiệp hội Bán lẻ Anh quốc, IFS của hiệp hội Thực phẩm Đức và Pháp, GlobalGAP của tổ chức Food Plus có trụ sở tại Cologne (Đức) và nhóm tiêu chuẩn GMP+ của một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi GMP+ International, trụ sở tại Den Haag (Hà Lan).

Điểm chung của tất cả các tiêu chuẩn trên là thuộc quyền sở hữu của các hiệp hội tư nhân, nhưng được các hệ thống bán lẻ châu Âu, bây giờ là toàn cầu, chấp nhận. Yêu cầu tiên quyết của tất cả các tiêu chuẩn trên là phù hợp yêu cầu luật định của các nước sở tại và được GFSI của diễn đàn Thực phẩm quốc tế thừa nhận. “3 trong 1” toàn cầu là vậy đó.

Trong hai năm qua, hội Doanh nghiệp HVNCLC (nhà quản lý và xây dựng Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập) đã thực hiện tiến trình bài bản để hỗ trợ doanh nghiệp: năm 2017 ký biên bản ghi nhớ với GMP+ International xây dựng năng lực cung cấp thức ăn chăn nuôi an toàn cho chuỗi chăn nuôi, tháng 10.2017 ký bản ghi nhớ với ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đầu năm 2018 ký kết thỏa thuận đối tác với GlobalGAP chương trình GAP áp dụng cho các trang trại Việt Nam “chân ướt chân ráo” muốn bước chân vào chợ tây.

Tôi có theo dõi các kỳ hội chợ HVNCLC năm 2018. Tôi rất mừng khi tại các kỳ hội chợ này, các nhà bán lẻ quốc tế đã tìm tới. Từ những hoạt động kết nối với các tổ chức quốc tế, cũng như có sự tham gia của các chuyên gia, hội Doanh nghiệp HVNCLC đủ năng lực tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng các bộ tiêu chuẩn, từ trong nước như VietGAP tới các tiêu chuẩn quốc tế như GMP+ hay GlobalGAP, HACCP (tiêu chuẩn cho nhà chế biến thực phẩm)...

Song song đó, những hoạt động tư vấn trợ lực của ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, sẽ giúp doanh nghiệp Việt có thêm những hiểu biết những quy định nhà nước về an toàn thực phẩm...

Đó là những bước đầu tiên để nhà sản xuất Việt muốn tìm đường ra chợ tây, chợ ta!

Arnhem, Hà Lan 7.4.2018

Nguyễn Kim Thanh, Chuyên gia về tiêu chuẩn thực phẩm hạt tiêu VN

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/nong-san-muon-tim-duong-ra-cho-ta-cho-tay-can-nhat-dieu-gi-865453.html