Nông nghiệp Việt Nam: Xuất khẩu nhiều nhưng giá trị chưa cao

Mặc dù nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam nhưng lĩnh vực này hiện nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó, chế biến và phát triển thị trường vẫn là khâu yếu.

Sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã rau Mỹ Hưng ở siêu thị Co.opmart Tam Kỳ. Ảnh: Đỗ Trưởng- TTXVN

Sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã rau Mỹ Hưng ở siêu thị Co.opmart Tam Kỳ. Ảnh: Đỗ Trưởng- TTXVN

Trước thực tế này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó gần đây nhất là thành lập riêng một cục về chế biến và phát triển thị trường.
* Xuất khẩu nhiều nhưng giá trị chưa cao
Nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định chính trị-xã hội. Bên cạnh đó, nông nghiệp còn là yếu tố cơ bản, quan trọng giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới.

Năm 2016, tổng giá trị các mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng trên 32,1 tỷ USD. Ngành nông nghiệp hiện có 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chính, trong đó có đa số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, thủy sản, điều, hồ tiêu, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ). Sản phẩm nông sản Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như: Mỹ, EU và Nhật Bản…
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu nhỏ lẻ với trên 10 triệu hộ nông dân, nên năng suất lao động thấp so với khu vực thế giới.

Cùng với đó là sản xuất không theo nhu cầu thị trường, nông dân thấy sản phẩm nào có giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng dẫn đến chuyện “được mùa mất giá”, sản phẩm ứ đọng không tiêu thụ được liên tục diễn ra hết năm này đến năm khác, hết cây, con này đến cây, con khác. Kết cục là người nông dân luôn là những người thua thiệt.

Điển hình như, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, ngành nông nghiệp liên tiếp trong tình trạng "giải cứu" chuối, "giải cứu" dưa hấu… Đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng, dư thừa lợn đã đẩy nông dân, người chăn nuôi vào bờ vực phá sản.
Về xuất khẩu, mặc dù có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, tuy nhiên cho đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, chủ yếu theo đường tiểu ngạch nên giá trị thấp, thị trường tiêu thụ rất bấp bênh. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện có đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Trong lĩnh vực chế biến, thực tế cho thấy, công nghệ chế biến nông sản ở Việt Nam còn lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn, thiếu kho tồn trữ bảo quản, thiếu những công ty lớn chuyên phân phối sản phẩm, công tác xúc tiến thương mại cũng chưa thực sự chuyên nghiệp...
Tất cả những hạn chế trên đã làm cho khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam chưa cao so với các đối thủ khác trên thị trường. Do đó, vấn đề đặt ra là phải có một hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, từ việc thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp, từ khâu dự báo thị trường, từ quy hoạch đến sản xuất…
* Nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt
Để nâng có sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp
-Tái cơ cấu ngành theo hướng tập trung, bền vững
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để từng bước khắc phục những hạn chế, cần tái cơ cấu ngành theo hướng tập trung, bền vững, theo chuỗi giá trị sâu, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, cần tổ chức chế biến nông sản, tổ chức thị trường, tổ chức thương mại.
Trước hết, tổ chức lại sản xuất thông qua thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến và thực hiện đa dạng hóa sản phẩm; phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã cổ phần nông nghiệp, qua đó hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp, để tạo sức mạnh cung cấp cho thị trường những lô hàng nông sản lớn.
Đi liền với đó là tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học-công nghệ, đẩy mạnh việc nghiên cứu, chọn, tạo các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng phát triển của từng địa phương. Đồng thời, có chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam; hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin thị trường từ trung ương đến các địa phương…
- Thành lập cục riêng về chế biến và phát triển thị trường
Ngày 21-6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra mắt Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản và muối; đồng thời đơn vị này sẽ thực hiện điều phối các hoạt động phát triển thị trường; đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

Bên cạnh đó, đơn vị này chính là đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thương mại, trao đổi hàng hóa qua biên giới, khu kinh tế cửa khẩu đối với hàng hóa nông sản.
Đối với nhiệm vụ phát triển thị trường nông sản quốc tế, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ thực hiện công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo và tổng hợp báo cáo về tình hình thị trường nông sản quốc tế theo ngành hàng và theo khu vực thị trường. Đồng thời, đơn vị này sẽ cập nhật, cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, người sản xuất về chính sách thị trường nông sản, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật về xuất, nhập khẩu nông sản. Cục cũng thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu môi trường và cơ hội kinh doanh nông sản tại Việt Nam…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thị trường thế giới hiện biến động khôn lường, nhất là thị trường hàng nông sản. Vì thế, việc thành lập Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… để tổ chức tốt hơn nữa khâu sản xuất và thị trường, với mục tiêu khai thác triệt để thị trường xuất khẩu với 7 tỷ dân và thị trường nội địa với 92 triệu người./.

Minh Duyên/TTXVN (tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nong-nghiep-viet-nam-xuat-khau-nhieu-nhung-gia-tri-chua-cao/52925.html