Nông nghiệp Việt Nam: Một năm vượt 'bão giông'

12 tháng đã qua đi, năm 2019 vừa khép lại. Xuyên suốt 365 ngày đó, nông nghiệp Việt Nam đã trải qua không ít thăng trầm, thậm chí có cả những 'nốt lặng'. Tuy nhiên, từng chút, từng chút nỗ lực vượt qua khó khăn, toàn ngành vẫn cơ bản đảm bảo sự phát triển ổn định, thu về tổng kim ngạch XK hơn 41 tỷ USD.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có một năm vượt nhiều sóng gió. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có một năm vượt nhiều sóng gió. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Góp "cánh én" thành "mùa Xuân"

Còn nhớ những ngày cuối năm 2018, khi XK nông, lâm, thủy sản thu về con số kỷ lục hơn 40 tỷ USD, nông nghiệp Việt đặt chân tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, toàn ngành đều lan tỏa không khí vui mừng, phấn khởi. Đó chính là động lực, là nền tảng để nông nghiệp Việt mạnh dạn đặt ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3%; kim ngạch XK đạt khoảng 43 tỷ USD trong năm 2019. Và quả thực, 2019 dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã có một năm vượt khó ngoạn mục!

Tham dự đại hội của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhiệm kỳ IV (2019 – 2024) một ngày cuối năm 2019, gặp gỡ bao gương mặt thân quen đều là lãnh đạo những DN chế biến, XK gỗ lớn nhất toàn quốc, cảm giác chung toát lên là sự phấn khởi sau một năm "bội thu". Có vị lãnh đạo DN còn vui vẻ chia sẻ: "Năm nay đơn hàng thuận lợi, thậm chí muốn đơn hàng XK nhiều gấp đôi, gấp ba năm trước cũng có. Tuy nhiên, DN lượng sức không dám nhận quá nhiều bởi năng lực sản xuất ở mức nhất định, bất chấp nhận đơn hàng mà không đáp ứng đúng tiến độ rất dễ bị phạt".

Nụ cười thường trực trên môi, vô số lần khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến, XK gỗ, vị chuyên gia dành khá nhiều tâm tư cho ngành gỗ Nguyễn Tôn Quyền đều tự tin khẳng định, tốc độ tăng trưởng XK khoảng 12-15% những năm gần đây chắc chắn sẽ được duy trì thậm chí còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Quả thực, tính riêng trong năm 2019, ngành gỗ đã có màn "ngược dòng" đầy ngoạn mục. Bất chấp sự sụt giảm của nông, thủy sản hay chăn nuôi, XK lâm sản liên tục giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong suốt các tháng của năm. Năm 2019 “khép lại”, tổng giá trị XK lâm sản vững vàng thu về 11 tỷ USD.

Ở các lĩnh vực khác, dù không "bội thu" như lâm sản, song bền bỉ, nỗ lực vượt khó cũng giúp thu về kết quả nhất định. Điển hình như, với thủy sản, sau chuỗi ngày dài giá cả liên tiếp sụt giảm, những tháng cuối năm 2019, giá các mặt hàng thủy sản XK chủ lực như tôm, cá tra đã dần khởi sắc. XK thủy sản cả năm 2019 cũng đem về khoảng 9,4-9,6 tỷ USD.

Với chăn nuôi, từ khi Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2019, tính đến ngày 25/11/2019, dịch đã xuất hiện ở 8.533 xã, 166 huyện/63 tỉnh. Số lượng lợn chết và tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực từ Trung ương đến địa phương, có khoảng 4.823 xã đã qua 30 ngày hết dịch mà không tái dịch.

“Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa Xuân”, nhưng nhiều “cánh én” góp lại có thể khiến cho mùa Xuân thêm rực rỡ. Sự ví von này khá tương đồng với “bức tranh” tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam năm 2019. Bên cạnh mảng màu tươi sáng của lĩnh vực lâm nghiệp, hàng loạt nỗ lực, cố gắng ở các lĩnh vực khác cũng từng chút, từng chút giúp nông nghiệp Việt vượt “bão giông”, thu về tổng kim ngạch XK hơn 41 tỷ USD, thặng dư thương mại 10 tỷ USD.

Trước “sóng cả” không “ngã tay chèo”

Trên thực tế trong mọi lĩnh vực, "trái ngọt" thu về không bao giờ nhãn nhã, dễ dàng. Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức. Với ngành nông nghiệp, lĩnh vực vốn dễ bị tác động bởi những yếu tố thời tiết, thị trường, mong manh trước những rủi ro, điều này càng đúng đắn, thấm thía.

Còn nhớ những ngày đầu năm 2019, nông nghiệp Việt cũng "co ro", ảm đạm như thời tiết cuối Đông. Khó khăn bủa vây, ngay 2 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị XK nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 5,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính đạt 2,71 tỷ USD, giảm tới 10,1%. Đáng chú ý là, đà sụt giảm XK nhóm hàng nông sản chủ lực không dừng lại mà còn đeo đẳng gần như suốt cả năm. Đơn cử như thời điểm 6 tháng đầu năm, XK nhóm hàng nông sản chính chỉ đạt 9,33 tỷ USD, giảm tới 8,8%. Đến hết quý III, tình hình cũng không mấy khả quan khi XK nhóm nông sản chính chỉ đạt 13,9 tỷ USD, giảm 7,2%.

Ngoài câu chuyện khó khăn XK nông sản, năm 2019 nông nghiệp Việt còn đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm chưa từng có trong lĩnh vực chăn nuôi. Dịch tả lợn châu Phi chính thức phát hiện tại Việt Nam và nhanh chóng lan khắp toàn quốc. Loại dịch bệnh nguy hiểm không có vắc xin cũng không có thuốc chữa đó đã dần dần "ăn" hết đàn lợn từ địa phương này sang địa phương khác.

Khó khăn chưa dừng lại ở lĩnh vực nông sản, chăn nuôi, 2019 cũng là năm không mấy suôn sẻ với ngành thủy sản. Bên cạnh vấn đề ùn ứ XK thủy sản sang Trung Quốc, giá cả “tuột dốc”, nỗi "nhức nhối" điển hình nhất của ngành hàng tỷ USD này là gỡ "thẻ vàng" với hải sản XK vào EU. Thực tế cho thấy, sau hơn 2 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" (10/2017), tình hình XK hải sản vào thị trường EU đã bị giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ...

Chưa xong việc này đã đến việc khác, nỗi lo này chưa nguôi nỗi lo khác đã kịp dập dồn, thậm chí lo lắng đến mất ngủ... Đó là tâm trạng mà không ít vị lãnh đạo cả ở cấp vụ, cục lẫn cấp bộ trong ngành nông nghiệp từng bộc bạch, sẻ chia không ít lần.

Vào thời điểm giữa năm 2019, khi nhìn lại kết quả tăng trưởng không mấy khả quan của toàn ngành, vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn nhận định: Tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp không cao như năm 2018 là điều tất yếu. “Diễn biến bất lợi của thời tiết ảnh hưởng mạnh đến khu vực sản xuất nông nghiệp. Điểm đặc biệt nữa là Dịch tả lợn châu Phi diễn ra thiệt hại nặng nề. Lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với dịch bệnh lớn, nguy hiểm và gây thiệt hại nhiều như vậy. Kết quả đạt được là cố gắng cao nhất trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Nhận định rõ ràng vấn đề, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng ngay lập tức chỉ đạo xuyên suốt nửa cuối năm cần sự cố gắng chung của toàn ngành, đặc biệt tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng đang có dư địa gồm lĩnh vực lâm nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng xác định, tập trung mọi giải pháp để chặn đứng Dịch tả lợn châu Phi, đi đôi với đẩy nhanh chăn nuôi gia cầm và đại gia súc, chú ý yếu tố bền vững…

Với lĩnh vực nông sản, thực tế cho thấy, 6 tháng cuối năm 2019, ngành NN&PTNT cũng liên tục phối hợp chặt với các bộ, ngành như Bộ Công Thương và các địa phương vùng biên giới giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy XK nông, thủy sản sang Trung Quốc. Câu chuyện về gỡ bỏ “thẻ vàng” hải sản cũng không hề bị lơ là một giây phút, đốc thúc chuẩn bị sẵn sàng tiếp đón đoàn kiểm tra EC từ cấp Trung ương đến địa phương.

Khép lại năm 2019, mục tiêu XK 43 tỷ USD đặt ra từ đầu năm chưa thể “chạm tay”. Song phải khẳng định, tất cả những gì đạt được thực sự là kết quả đáng khích lệ, tạo động lực để nông nghiệp Việt bước sang một năm 2020 với nhiều hứng khởi, hứa hẹn thêm nhiều “hoa thơm trái ngọt".

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nong-nghiep-viet-nam-mot-nam-vuot-bao-giong-118762-118762.html