Nông nghiệp thông minh

Trong khi sản xuất nông nghiệp trong nước gặp khó khăn về tiêu thụ và sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài thì doanh nhân Việt kiều Canada Nguyễn Thanh Mỹ nhìn đâu cũng thấy cơ hội khi đưa khoa học công nghiệp cao vào nông nghiệp.

Ông Mỹ đi tìm hiểu thực tế đồng ruộng ở Đồng Tháp - Ảnh: Cẩm Tú

Năm 2016, ông Mỹ “khởi nghiệp” trong lĩnh vực nông nghiệp ở tuổi 60 tại cù lao Long Trị (Trà Vinh) - nơi vừa là nhà, vừa là “đại bản doanh” của công ty. Ông kể, sau khi giao Tập đoàn Mỹ Lan cho vợ và quyết định “nghỉ hưu”, ông cảm thấy mình như người thừa.

Trong khi đó, nhiều năm sống ở Việt Nam, vấn đề ông quan tâm nhất chính là nông sản liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Suy nghĩ mãi, ông quyết định áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và lập 3 công ty: Rynan Smart fertilizers (sản xuất phân bón thông minh); Rynan Technologies (sản xuất thiết bị IoT - Internet of Things); Rynan Agrifoods (nông sản) với mong muốn thiết lập một chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh và an toàn từ đầu vào đến đầu ra.

Ý tưởng từ thực tiễn

Một nhà máy sản xuất phân bón thông minh với công suất trung bình khoảng 20.000 tấn/năm (tối đa đạt 50.000 tấn/năm) được ông Mỹ đầu tư gần 10 triệu USD, xây dựng tại khu công nghiệp Long Đức (Trà Vinh). Dự kiến các loại phân bón do Rynan sản xuất sẽ ra thị trường vào đầu năm 2018. Ông Mỹ lý giải, phân đạm thông thường khi sử dụng trong canh tác lúa sẽ bị thất thoát khoảng 60% sau 12 ngày, kể từ khi bón, do bị bốc hơi và rửa trôi. Phân bón thông minh mà công ty ông sản xuất có thể khắc phục các vấn đề này nhờ khả năng tan chậm theo kiểm soát, hạt phân có chứa dưỡng chất N, P, K, vi lượng... được bao bọc trong các lớp vỏ polymers ở dạng nano, có khả năng điều chỉnh độ phóng thích dưỡng chất vào đất theo nhu cầu hấp thụ dưỡng chất của cây ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

“Sử dụng phân bón thông minh giúp nông dân giảm được hơn 50% lượng phân bón sử dụng, 50% lượng phát thải khí nhà kính, 30% lượng nước canh tác, 50% ô nhiễm nguồn nước... và tăng năng suất 10 - 30% tùy theo cách bón phân và loại cây trồng”, vị doanh nhân Việt kiều tâm đắc.

Xuất thân từ lĩnh vực nông nghiệp, ông Mỹ hiểu tưới tiêu là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trong sản xuất lúa. Nhưng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có những năm hạn hán kéo dài, nông dân không có nước tưới, dẫn tới mùa màng bị thiệt hại nặng nề.

Từ đó, ông lên ý tưởng và cùng đội ngũ nhân viên của mình thiết kế, chế tạo phao quan trắc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, có khả năng cập nhật liên tục mực thủy triều, độ mặn, nhiệt độ, độ pH… của nguồn nước. Người sử dụng có thể nhận biết các thông tin trên và điều khiển việc bơm, rút nước thông qua phần mềm do công ty thiết kế, được cài đặt trên điện thoại thông minh. Các phao quan trắc này được ông Mỹ bố trí tại các con sông ở Trà Vinh để kiểm soát 24/24 giờ…

Người Việt tự tin

Trước thực trạng khoảng 40% thực phẩm, nông sản trong nước hư hỏng do chưa làm tốt các khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, ông Mỹ quyết định đầu tư 15 triệu USD sản xuất bao bì đóng gói thực phẩm theo công nghệ cải tiến. Ông bảo chỉ cần thay đổi nồng độ khí ô xy, ni tơ, carbonite trong bao bì là có thể gia tăng thời gian bảo quản thịt, cá, tôm và những nông sản khác từ 3 - 5 lần. Đơn cử như việc sản xuất bao bì nhiều lớp có thể bảo quản rau tới 40 ngày vẫn tươi xanh. Và sản phẩm bao bì thông minh không chỉ cung cấp cho các đơn vị phân phối thực phẩm tại Việt Nam mà còn xuất sang 50 nước, được nhiều thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài đặt hàng.

“Triết lý” của ông Mỹ về nông nghiệp thông minh nghe rất đơn giản nhưng thiết thực, đó là nông nghiệp phát triển bền vững, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và điều quan trọng nhất là tăng thu nhập cho nông dân. Ông bảo trước nay, khi nhắc đến trí tuệ, người Việt thường có tâm lý tự ti, do chưa tin tưởng vào bản thân mình. Thực tế, trong lĩnh vực nông nghiệp, người Việt hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ. Ông cho hay những sản phẩm liên quan đến nông nghiệp kể trên đều “made in Trà Vinh” bởi chúng được sáng chế, sản xuất bởi những kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết của công ty đóng ở Trà Vinh.

“Ai không tin cứ xuống Trà Vinh, tôi chỉ nghề cho. Nếu làm tốt, tôi tin cơ hội trong nông nghiệp nằm đầy ngoài đồng”, ông Mỹ tự tin.

Hơn 200 bằng phát minh được công nhận

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ quê ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành (Trà Vinh). Năm 1979 ông sang Canada định cư; năm 1997 thành lập Công ty ADS (American Dye Source) tại Canada. Năm 2006 - 2009, ông về Việt Nam thành lập các công ty hóa chất Mỹ Lan, sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan và quang điện tử Mỹ Lan tại Trà Vinh. Đến tháng 2.2010, ông ra mắt Tập đoàn Mỹ Lan. Đến nay, ông có hơn 200 bằng phát minh được công nhận tại Mỹ, Canada, châu Âu và nhiều nước trên thế giới.

Trung Hiếu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/nong-nghiep-thong-minh-930091.html