Nông nghiệp thời hội nhập: Cần cơ giới hóa quy mô lớn

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, sản xuất nông nghiệp không chỉ dừng lại ở câu chuyện đưa máy móc ra đồng. Hiện việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất cần sự đồng bộ với công nghệ cao, máy móc hiện đại từ khâu sản xuất, thu hoạch đến chế biến để tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp Việt khi bước ra sân chơi thế giới.

Máy gặt đập liên hợp góp phần giảm chi phí lao động cho người trồng lúa. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Máy gặt đập liên hợp góp phần giảm chi phí lao động cho người trồng lúa. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, thực tế cơ giới hóa trong nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Ở đây cần vai trò Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để đưa cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp lên một tầm cao mới.

* Đầu tư máy móc thay sức con người

Vụ đông xuân năm nay, nhiều nông dân trồng lúa ở xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) đã sử dụng máy cấy lúa thay sức con người. Theo ThS Trần Thị Phương Chi, người đi tiên phong xây dựng cánh đồng lúa sạch với thương hiệu gạo sạch Tân Bình Lục của H.Vĩnh Cửu cho biết, sử dụng máy cấy lúa thay phương pháp cấy lúa thủ công có rất nhiều lợi ích vì tiết kiệm được giống lúa, tiết kiệm được lượng nước sử dụng cho ruộng lúa, hạn chế được chuột phá hoại cũng như sâu bệnh.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp” diễn ra vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra, nông nghiệp Việt Nam còn rất giàu tiềm năng phát triển nếu khắc phục được những hạn chế như: thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao do yếu trong khâu thu hoạch, bảo quản; cơ giới hóa còn thấp; nông sản xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô hoặc chỉ qua khâu sơ chế vì chế biến sâu chưa phát triển…

Gieo lúa bằng máy cũng đều hơn, thông thoáng hơn giúp cây lúa tăng trưởng tốt, cho năng suất cao và hạn chế cỏ dại mọc xen trong ruộng lúa. Điều quan trọng nhất, nhờ có máy móc thay sức con người nên nông dân trồng lúa không còn lo thiếu công lao động mỗi khi vào vụ sản xuất.

Cùng quan điểm, ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) so sánh, trước đây thu hoạch thủ công, 1ha bắp cần cả đội lao động đông đảo rồi tốn rất nhiều nhân công phơi, tách hạt bắp. Với việc đầu tư máy thu hoạch, bắp được tách hạt, đóng bao ngay trên cánh đồng, góp phần giảm cả triệu đồng chi phí nhân công cho mỗi 1ha cây trồng so với cách làm thủ công. Ngoài ra, chất lượng hạt bắp cũng đạt hơn nên HTX ký được hợp đồng cung cấp cho doanh nghiệp với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. “Hiện nay, các khâu làm đất, gieo hạt, phun thuốc, thu hoạch… HTX đều đưa máy móc thay thế cho sức người nhằm giảm chi phí sản xuất” - ông Quang nói.

Nông dân thử nghiệm sử dụng máy bay tự động phun thuốc trừ sâu tại xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc)

Theo Sở NN-PTNT, Đồng Nai hiện có khoảng 257 ngàn máy móc, thiết bị phục vụ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản như: máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc, hệ thống cho ăn tự động… Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 92%. Riêng với cây lúa, các loại máy xay xát và thu hoạch đáp ứng trên 65% nhu cầu sản xuất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện 21% trang trại trên địa bàn tỉnh đã sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín. Việc áp dụng cơ giới hóa phần lớn được thực hiện tại các doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn và vừa với nhiều loại máy móc, thiết bị được đưa vào sử dụng như: máy móc trong vệ sinh, sát trùng chuồng trại; hệ thống cho ăn, uống nước tự động; hệ thống làm mát chuồng…Khâu chế biến thức ăn gia súc có trên 2,2 ngàn máy nghiền, trộn, băm…

* Vẫn yếu khâu thu hoạch, sơ chế

Bài toán thiếu lao động nông thôn hiện đang là khó khăn không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại nông sản hiện chủ yếu vẫn thu hoạch hoàn toàn bằng thủ công nên kém sức cạnh tranh trên thị trường thế giới vì chi phí sản xuất cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nông dân quyết định chặt bỏ những cây trồng cần nhiều nhân công trong chăm sóc, thu hoạch.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều chính sách được ban hành, nhưng chưa tập trung. Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm chủ trì cùng với các bộ, ngành nghiên cứu, kiến nghị về các chính sách phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp đến năm 2030… Trong đó, cần tạo được sự đồng bộ trong chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học - công nghệ, thị trường…

Cũng vì nỗi lo thiếu công lao động mỗi khi vào vụ thu hoạch mà gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Vân, nông dân tại xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) quyết định chặt vườn tiêu, cà phê vài ha đang cho thu hoạch. Theo bà Vân: “Vườn tiêu, cà phê của gia đình tôi đang cho năng suất rất cao nhưng tôi vẫn quyết định chặt bỏ vì quá “ngán” cảnh vào vụ thu hoạch là phải ngược xuôi tìm công lao động. Tại địa phương không có nhân công, gia đình tôi thường phải thuê nhóm công lao động từ miền Tây Nam bộ lên, phải lo ăn, lo ở, công lao động thì mỗi năm mỗi tăng trong khi giá tiêu, cà phê quá thấp, thu không đủ bù chi nên đành chặt bỏ”.

Ông Ngô Phước Hải, nông dân tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) chia sẻ, vụ thu hoạch tiêu vừa qua, nhiều nhà vườn để tiêu chín rụng vì trả giá cao vẫn khó thuê được công hái trong khi giá tiêu quá thấp. Cụ thể, một ngày công hái tiêu hiện nay ở mức khoảng 250 ngàn đồng/người, có thời điểm giá tiêu dưới 40 ngàn đồng/kg, nhiều khi bán tiêu không đủ trả tiền công hái. “Giá công lao động ở nông thôn mỗi năm mỗi tăng mà vẫn khó tìm, nhất là mỗi khi vào vụ thu hoạch vì thanh niên nông thôn đều đi làm công nhân. Hiện làm nông chủ yếu là lao động lớn tuổi. Đặc thù của lao động nông nghiệp thường chỉ cần lao động mùa vụ chứ không có việc làm ổn định quanh năm nên dù trả công cao, người trẻ cũng không chọn ở lại quê làm nông” - ông Hải nói.

Thu hoạch thủ công, khâu bảo quản, sơ chế còn quá lạc hậu đang là rào cản cho nông sản Việt bước ra sân chơi thế giới. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) cho biết, khó khăn lớn hiện nay trong xuất khẩu trái xoài là khâu bảo quản còn lạc hậu. Vì với trái xoài tươi bán trong nước, cần bảo quản dưới 1 tuần, nhưng với xoài xuất khẩu, ít nhất phải bảo quản được trên 30 ngày, đòi hỏi đầu tư cả hệ thống máy móc hiện đại, công nghệ cao. “HTX rất quan tâm đầu tư vào khâu bảo quản nhưng chỉ dựa vào sức nông dân thì rất khó thực hiện vì cần nguồn vốn lớn. HTX đang nỗ lực hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện công đoạn này nên rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thiết thực để thu hút doanh nghiệp quan tâm đầu tư” - ông Bảo bày tỏ mong muốn.

* Phải thoát quy mô hộ gia đình

Chỉ ra yêu cầu cấp thiết cần đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, NGND-TS Phan Hiếu Hiền, nguyên giảng viên Khoa Cơ khí - công nghệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp, Trường đại học Nông lâm TP.HCM nhận xét, hiện đất đai bị xói mòn và ngày càng thoái hóa, nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Giải quyết căn cơ vấn đề này, lao động thủ công không còn phù hợp mà phải đưa máy móc vào sản xuất; đồng thời phải ứng dụng thêm các công nghệ cao trong sản xuất để bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước và tăng năng suất cây trồng.

Theo NGND-TS Phan Hiếu Hiền, khó khăn lớn nhất của cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay là không được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản và có hệ thống nên nhiều nông dân phải tự sáng chế ra các loại máy móc, thiết bị. Đã đến lúc những nghiên cứu cơ bản để phát triển cơ giới hóa một cách đồng bộ, không thua về công nghệ so với các nước trên thế giới phải do Nhà nước đứng ra cùng doanh nghiệp thực hiện và phải đầu tư dài hạn chứ không phải những đề tài khoa học chủ yếu nằm trên giấy. Một khó khăn không nhỏ là đồng ruộng, vườn tược ở Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ nên cơ giới hóa chưa thoát khỏi quy mô hộ gia đình. Nhà nước cũng phải thực hiện rốt ráo hơn việc dồn điền, đổi thửa để có những cánh đồng thực sự lớn ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại với chất lượng đồng đều, giá thành hạ, cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.

Cùng quan điểm, TS Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chỉ ra, nông nghiệp Việt Nam lâu nay chủ yếu phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, chi phí vật tư cao, lao động chân tay kém hiệu quả nên giá thành sản xuất nhiều loại nông sản thường cao hơn so với các nước trên thế giới. Đã đến lúc nông dân Việt Nam phải tìm cách vượt qua sự cần cù, chịu khó, đưa máy móc, công nghệ cao vào sản xuất để không mãi ở thế yếu trong cạnh tranh. Sản xuất tiểu nông, nhỏ lẻ hiện đang là rào cản để nông dân đưa máy móc ra đồng.

TS Kha gợi ý: “Kết nối dịch vụ cơ giới hóa là một giải pháp khả thi để đưa máy móc thay thế con người cho những hộ sản xuất nhỏ lẻ. Ở đây, Nhà nước phải đầu tư mua những máy móc giá trị lớn mà nông dân không thể tự mua được. Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tư nhân đầu tư làm dịch vụ nông nghiệp để nông dân liên hệ thuê về sử dụng”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202005/nong-nghiep-thoi-hoi-nhap-can-co-gioi-hoa-quy-mo-lon-3005698/