Nông nghiệp Tây Bắc: Cần một động lực mạnh mẽ để phát triển

Tuy có điều kiện thuận lợi để phát triển nông lâm nghiệp, dịch vụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhưng Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá trong phát triển nông nghiệp do gặp một số khó khăn về hạ tầng, địa hình núi cao hiểm trở, dân cư thưa thớt…

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/ Đỗ Hương

Ngày 23/11, Đại sứ quán Australia đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc” nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển nông nghiệp từ các dự án của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) ở khu vực Tây Bắc trong hơn 10 năm qua.

Tây Bắc với diện tích 5,64 triệu ha là vùng có xuất phát điểm thấp của Việt Nam. Các tỉnh thuộc vùng này gồm Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Hòa Bình. Phần lớn các tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiến tỷ lệ cao. Tại đây, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các vùng khác trong cả nước (31,2%). Theo thống kê, tại Tây Bắc có đến 80% người dân sống dựa vào nông nghiệp, nông thôn, do đó, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần có cơ chế chính sách để hỗ trợ người nông dân, tạo động lực sản xuất hàng hóa, để người dân có cơ hội tiếp cận thị trường, có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất, đặc biệt là sản xuất theo chuỗi, giúp nâng cao sinh kế cho người dân nơi đây một cách bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận: Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, thổ nhưỡng phong phú và khí hậu tương đối mát mẻ, có điều kiện thuận lợi để phát triển nông lâm nghiệp, dịch vụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng cây ăn quả, vùng chè, vùng cà phê… Tuy nhiên, Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá trong phát triển nông nghiệp do gặp một số khó khăn về hạ tầng, địa hình núi cao hiểm trở, dân cư thưa thớt… Chính vì vậy, việc phát triển toàn bộ nền kinh tế của vùng Tây Bắc bao gồm cả các vấn đề an ninh lương thực, nguồn nước, nguồn đất… cần phải được nghiên cứu với những cách tiếp cận mới để có cơ chế, chính sách liên vùng phù hợp, đem lại hiệu quả cao nhất.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong thời gian qua, Chính phủ Australia thông qua ACIAR đã hợp tác với Bộ NN&PTNT để tăng cường năng lực nghiên cứu, mang lại các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo và cải thiện thu nhập của nông dân đặc biệt là vùng Tây Bắc. Các dự án này hướng tới giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên bền vững, liên kết với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Sau hơn 10 năm thực hiện, nhiều mô hình canh tác nông nghiệp thân thiện, nhiều ứng dụng nghiên cứu, các chuỗi sản xuất, cung ứng… nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu như canh tác trên đất dốc bảo tồn độ phì nhiêu của đất, cải tạo đất… đã được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Một số chuỗi giá trị nông sản được hình thành và đang tiếp tục được mở rộng như chuỗi rau an toàn Mộc Châu, chuỗi giá trị mận Mộc Châu, Bắc Hà, thịt bò Điện Biên.

Ông Andrew Cambell, Giám đốc Điều hành ACIAR chia sẻ: “Ở khu vực vùng núi Tây Bắc, chúng tôi đã kết hợp với rất nhiều người H’mông nhằm nâng cao chất lượng sản xuất rau bản địa, nâng cao giá trị để người nông dân có thể bán được ở các thị trường cao cấp hơn như thị trường Hà Nội hay những thị trường lớn khác. Bên cạnh đó, trong hơn 10 năm qua, ACIAR đã có nhiều dự án lâm nghiệp với diện tích lớn khoảng 1 triệu ha rừng, những cây được trồng trong khu rừng mới này rất hiệu quả tại Việt Nam và mang lại hiệu quả cao gấp 10 lần so với việc người dân khai thác gỗ tràn lan cũng như không kiểm soát được trước đây. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là phát triển được các hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững ở khu vực này, từ đó, các hộ nông dân có thể tăng thu nhập và giúp cải thiện giáo dục cho con cái họ. Từ đó, có thể mang lại sự thịnh vượng và tốt hơn cho cộng đồng”.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/nong-nghiep-tay-bac-can-mot-dong-luc-manh-me-de-phat-trien/322896.vgp