Nông nghiệp là 'kho vàng tiềm năng' của Tiền Giang

Chiều nay, 9/8, ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư của Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh. Thủ tướng cho rằng tỉnh nên phát triển trên 5 trụ cột.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, tăng trưởng GRDP năm 2016-2017 trong tốp 3 tỉnh (cùng Long An, Trà Vinh) tăng trưởng cao nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (bình quân 8,0%/năm; 6 tháng đầu 2018 tăng 7,23%). Thu nhập/người (GRDP/người) ngày càng tăng (tương đương 1.912 USD, bằng 82,7% của cả nước).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng phi nông nghiệp (61,5% năm 2017) và giảm tỷ trọng nông nghiệp (giảm còn 38,5%).

Tại cuộc làm việc, tỉnh nêu một số đề xuất, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, xử lý đối với các dự án về sạt lở bờ biển, sông rạch và phát triển công nghiệp phía đông của tỉnh gắn với kinh tế biển.

Đánh giá cao kết quả mà Tiền Giang đạt được, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nếu 6 tháng đầu năm 2018, Tiền Giang đứng thứ 2/13 tỉnh ĐBSCL, chỉ sau Long An thì quy mô nền kinh tế Tiền Giang đã chiếm 9,2% GRDP của toàn vùng và 1,5% GDP cả nước. Như vậy, Tiền Giang gần đây không chỉ là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng ĐBSCL mà còn là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước.

“Tôi nghĩ rằng ĐBSCL những thập niên tới phụ thuộc vào một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh Tiền Giang”, Thủ tướng nói và mong muốn tỉnh phát huy cho được lợi thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” mà không phải tỉnh nào cũng có.

Trước mức tăng thu ngân sách của tỉnh 6 tháng qua, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, Thủ tướng đánh giá cao mục tiêu của Tiền Giang là đến cuối năm 2020, tổng thu ngân sách của tỉnh tăng gấp đôi so với năm 2016, đặt nền tảng quan trọng để có thể tự cân đối ngân sách vào năm 2020. Đây cũng là bài toán mà Thủ tướng đặt ra cho Tiền Giang là tự cân đối ngân sách vào năm 2020.

Từ sự phân tích các tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thủ tướng đề nghị nền kinh tế Tiền Giang cần phát triển trên 5 trụ cột chính: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ; trái cây sạch được định vị ở phân khúc cấp cao; công nghiệp chế biến nông sản; du lịch sinh thái; nghiên cứu cảng nước sâu Soài Rạp để làm khu công nghiệp cảng, logistics.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng. Đây là dư địa mà tỉnh cần tìm cách khai thác để phát triển. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, bền vững và đồng đều. Công nghiệp tăng trưởng đến trên 15,4% thì nông nghiệp, được coi là “kho vàng tiềm năng” của vùng, chỉ tăng trưởng 3,9%, dịch vụ tăng 6,7%. Công nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng thấp, đặc biệt là xuất hiện một số điểm nghẽn, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, nhất là quy hoạch và giải phóng mặt bằng.

Tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Tình hình khiếu kiện đông người ở Tiền Giang còn diễn ra, cho thấy việc giải quyết kiến nghị của người dân chưa thỏa đáng, chưa đến nơi đến chốn. Do đó, tình cần rà lại những đối tượng khiếu kiện để “kết luận cho được trường hợp nào chúng ta còn sơ suất, trường hợp nào chưa giải quyết thỏa đáng chính sách, cần phải quan tâm”.

Thủ tướng cho rằng, tình hình an ninh trật tự của Tiền Giang còn có một số vấn đề, đặc biệt gần đây nổi lên tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần làm gia tăng sự mất ổn định xã hội, tiếp tục làm khánh kiệt kinh tế của nhiều hộ gia đình vốn đã khó khăn. Do đó, cần điều tra, xử lý nghiêm tình trạng tín dụng đen.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến về các kiến nghị của Tiền Giang trên tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Bảy - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, tặng quà một số gia đình người có công với cách mạng ở tỉnh Tiền Giang.

baochinhphu.vn

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/nong-nghiep-la-kho-vang-tiem-nang-cua-tien-giang-post21333.html