Nông nghiệp 'giải cứu'

Mới đây, trên đường phố Hà Nội xuất hiện một vài nhóm thanh niên loay hoay với những túi nilon đựng khoai lang, bán cho khách hàng. 'Món quà' bất đắc dĩ mang tên 'khoai lang Nhật' này được chuyển từ tỉnh Gia Lai ra Thủ đô vài hôm trước đó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhóm thanh niên tình nguyện nói trên đang thực hiện phi vụ “giải cứu khoai lang” như họ đã từng “giải cứu” các loại nông sản thực phẩm khác trong những năm gần đây: Dưa hấu Quảng Ngãi, nhãn lồng Hưng Yên, thanh long Bình Thuận và … thịt lợn ế ẩm.

Thông tin từ huyện Phú Thiện tỉnh Gia Lai cho biết, địa phương này hiện có khoảng 14.000 tấn khoai lang Nhật nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn, số còn lại có nguy cơ đổ bỏ. Sở dĩ có tình trạng “bội thực khoai” trên đây là vì, vụ khoai năm ngoái, giá mỗi ký lên đến 13.000 đồng nhưng cung không đủ cầu.

Thế là vụ này, nhà nhà lao vào trồng khoai lang Nhật, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Vụ khoai năm nay, giá chỉ còn 3.000 đồng/kg nhưng bán chả ai mua. Nhiều gia đình nông dân ở Phú Thiện đang đứng trước cảnh trắng tay do phải vay mượn để đầu tư vào trồng khoai lang Nhật vụ này.

Cách đây mấy năm, dưa hấu ở Quảng Ngãi cũng lâm vào cảnh tương tự. Giá mỗi ký dưa chỉ còn 1.000 đồng - 2.000 đồng nhưng chẳng có người mua, chả bù với năm trước đó, giá dưa đã lên đến 8.000 đồng/kg. Nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ vào dưa hấu nên tất cả nhắm mắt lao vào trồng dưa.

Cửa khẩu Tân Thanh ở Lạng Sơn có ngày lên đến cả nghìn chiếc xe tải đầy ắp dưa chờ xuất. Bên kia biên giới mà không “ấm mình”, coi như người trồng dưa thở phào nhẹ nhõm, còn hễ họ “hắt hơi” từ chối thì cũng đồng nghĩa với cảnh nợ nần sắp phả vào gáy người trồng dưa.

Các loại nông sản, nhất là ở dạng ngắn ngày và không lưu kho được như khoai lang, dưa hoặc thanh long… luôn luôn bấp bênh, trông chờ vào “hên- xui” là chính, ngoài ra không có một giải pháp nào mang tính căn cơ từ các nhà quản lý. Họ chỉ đưa ra khuyến cáo, còn nghe hay không là quyền của người làm ra các loại sản phẩm ấy. Vì có năm nghe theo khuyến cáo thì thực tế thị trường lại không diễn ra như vậy.

Người nông dân không còn mấy tin vào những cảnh báo nhiều khi khá cảm tính từ cơ quan chuyên môn. Do đó, những cuộc khủng hoảng thừa nông sản luôn song hành với nông dân là vậy. Điều này khác xa với các nước có nền nông nghiệp hiện đại. Ở những nước ấy, người nông dân chỉ làm mỗi việc là sản xuất làm sao để bảo đảm các yêu cầu của nhà tiêu thụ chứ không phải vừa trồng cây vừa nghe ngóng giá như ở Việt Nam.

Có lẽ nhìn thấy những lỗ hổng trong tiêu thụ nông sản này nên hàng loạt các dự án đang triển khai ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phú Yên và Quảng Ngãi, các doanh nghiệp đã liên kết với nông dân bằng những cam kết thực chất trong việc lo đầu ra cho nông sản. Hơn 200 tỉ đồng mà một doanh nghiệp đang đầu tư vào vùng quê Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi để nông dân trồng khoai lang Nhật là theo hướng đó. Điều ấy sẽ tạo nên sự yên tâm cần thiết cho nông dân trong lúc này.

Một nền nông nghiệp chỉ trông chờ vào việc “rủ lòng thương” từ thị trường bằng các biện pháp giải cứu thì chỉ mang tính phủi nóng mà thôi

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/nong-nghiep-giai-cuu-3991089-b.html