Nông nghiệp dinh dưỡng với đồng bào Khmer

Mô hình nông nghiệp dinh dưỡng được triển khai tại 36 hộ dân, đồng bào dân tộc Khmer khó khăn của xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Cán bộ nông nghiệp xã Long Hiệp đến từng hộ gia đình theo dõi đàn gà.

Bước đầu, các hộ dân rất tích cực làm chuồng trại, học tập kỹ thuật chăn nuôi. Mô hình đã mang lại nhiều ích thiết thực, tạo nền tảng để người dân duy trì, mở rộng và phát triển sản xuất.

Tận dụng đất đai

Long Hiệp là xã vùng sâu thuộc địa bàn huyện Trà Cú, có diện tích đất tự nhiên 1.597,51ha, trong đó đất nông nghiệp 1.436,6ha. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông chiếm trên 80%. Toàn xã có 8 ấp, 2.103 hộ, với dân số 8.309 người, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer là 1.701 hộ chiếm 80,88%. Đến nay, số hộ nghèo của xã còn 192 hộ (chiếm 9,13%), hộ cận nghèo là 436 hộ (chiếm 20,73%).

Ông Hà Phước Hưởng, Chủ tịch UBND xã Long Hiệp cho biết: Đời sống kinh tế của đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tương đối phổ biến. Đứng trước tình hình đó, được sự quan tâm của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT), Chi cục PTNT tỉnh Trà Vinh cùng với sự lãnh đạo sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền địa phương, các ban, ngành chuyên môn có liên quan, UBND xã Long Hiệp đã tổ chức thực hiện mô hình nông nghiệp dinh dưỡng thí điểm tại 3 ấp, là ấp Chợ, Trà Sất A, Trà Sất B, với quy mô 36 hộ tham gia.

Đánh giá hiệu quả bước đầu, ông Hà Phước Hưởng cho biết: “Quá trình thực hiện Dự án nông nghiệp dinh dưỡng cho thấy mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp gắn liền với cải thiện chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.

Bước đầu các hộ dân tham gia mô hình đã tận dụng đất vườn xung quanh nhà để bố trí trồng rau xanh bổ sung thức ăn cho bữa ăn hàng ngày. Các hộ dân tham gia sản xuất theo hướng kinh tế tập thể, không còn hộ gia đình thiếu nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm xuống dưới 3%.

Mô hình nhằm mục tiêu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cải thiện dinh dưỡng cho người dân phù hợp với các mục tiêu của Chương trình Không còn nạn đói và Chương trình Giảm nghèo Quốc gia. Qua đó, làm cơ sở để nhân rộng mô hình đối với các địa bàn lân cận, góp phần cải thiện dinh dưỡng cho người dân và trẻ em trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Theo ông Lê Văn Chắc, cán bộ nông nghiệp xã Long Hiệp: “Bên cạnh những khó khăn bước đầu, như hộ dân có rất ít đất, chưa từng nuôi gà dẫn đến kỹ thuật còn hạn chế… thì cũng có nhiều thuận lợi trong việc triển khai thực hiện mô hình tại xã Long Hiệp. Các hộ dân rất đồng tình, tích cực tham gia thực hiện xây dựng chuồng nuôi, chăm sóc quản lý đàn gà, tận dụng đất trống trồng rau xanh”.

Gia đình chị Thạch Thị Ngọc Minh, ở ấp Trà Sất A, có 4 người con. Cháu lớn mới học lớp 1, hai cháu kế đã đi mẫu giáo và cháu nhỏ nhất thì chưa đầy một tuổi. Gia đình không có đất đai sản xuất, thuộc diện hộ nghèo. Kinh tế phụ thuộc vào công việc làm thuê của chồng chị. Thu nhập bấp bênh dẫn đến cuộc sống khó khăn. Vừa qua, hộ của chị được UBND xã chọn tham gia thí điểm mô hình. Nhận được hỗ trợ của chương trình, chị Minh chăm sóc gà rất cẩn thận, đến nay đàn gà phát triển khỏe mạnh.

Chị Thạch Thị Ngọc Minh cho gà ăn.

Chị Minh cho biết: “Trước nay em cũng chưa nuôi gà nhưng nhờ được hướng dẫn tập huấn của cán bộ nông nghiệp xã nên gà của chương trình rất khỏe mạnh.

Gà nay lớn rồi, ở xung quanh ai hỏi mua, em bán để có thêm tiền. Hôm nào thiếu tiền đi chợ, nhà em cũng bắt gà làm thịt, hái rau luộc thêm. Nhờ có gà, bữa ăn của gia đình cũng được cải thiện hơn trước”.

Cũng cùng ngụ ấp Trà Sất A, gia đình chị Kim Thị Tươi, cũng thuộc diện cận nghèo tại xã Long Hiệp. Trước đây, chồng chị làm thuê, làm ruộng tại địa phương. Còn chị Tươi thì làm công nhân tại Công ty giày Mỹ Phong. Thời gian qua, doanh nghiệp gặp khó khăn nên đã cho một số lượng lớn công nhân nghỉ việc. Chị Tươi cũng là một trong các trường hợp công ty cho nghỉ. Vì vậy, cuộc sống của gia đình đã khó càng thêm khó.

Vừa qua, chị Tươi cũng nhận được hỗ trợ của chương trình. Chị vui mừng cho biết: “Nhờ được hỗ trợ mà mấy tháng nay, gia đình có thêm thu nhập. Tại tôi nghỉ làm công ty, chồng thì đang bệnh không đi làm được nên chỉ quanh quẩn làm ruộng. Mà ruộng thì nhà cũng có ít, không dư dả gì hết.

Vừa qua, tôi cũng được cán bộ động viên cố gắng đi học các lớp tập huấn nuôi gà, chứ đó giờ nuôi chỉ vài con thôi, còn giờ nuôi cả trăm con, phải chích thuốc, phải biết bệnh mới nuôi được”.

Mô hình mang nhiều ý nghĩa thiết thực

Mô hình thực hiện mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, tích cực. Ông Phạm Thanh Tiếng, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Dự án nông nghiệp dinh dưỡng về mô hình nuôi gà thịt và trồng rau xanh nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cải thiện chế độ dinh dưỡng cho người dân và trẻ em vùng đồng bào khó khăn tại địa phương.

Bên cạnh đó, về phương diện kỹ thuật, chúng tôi nhận thấy mô hình đã bước đầu giúp cho hộ dân tiếp cận được với những thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp. Như trước đây, tại xã Long Hiệp bà con chỉ nuôi bò nhưng nay, bà con đã biết thêm nghề nuôi gà.

Trước đây, nhiều hộ không biết nuôi gà, hoặc chỉ nuôi vài con chưa từng nuôi số lượng lớn. Nay qua mô hình nuôi gà, các hộ đã biết chăn nuôi theo kỹ thuật, tiêm chủng vắc xin, thuốc điều trị bệnh,… cũng như tính toán được lợi nhuận trong chăn nuôi. Tuy bước đầu, chăn nuôi có những hao hụt nhất định nhưng nhìn chung các hộ dân đã thành thạo chăn nuôi gà. Đây có thể xem là một nghề chăn nuôi mới cho bà con nghèo tại xã Long Hiệp lựa chọn để phát triển sản xuất.

Về kinh tế, mô hình mang lại những lợi ích kinh tế rất thiết thực cho những hộ nghèo nơi đây, như thu nhập từ việc bán gà thịt, tiết kiệm tiền mua rau xanh… Do áp dụng khoa học kỹ thuật mới và các biện pháp canh tác hợp lý, nhằm phát huy các lợi ích kinh tế tiềm năng sẵn có, làm giảm chi phí trong sản xuất, tăng thêm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, khi gà lớn người dân có thể bán đi một phần để có nguồn thu nhập trang trải cho các hoạt động khác của gia đình, và để lại một phần dùng làm thực phẩm trong gia đình. Sau đó, gà đẻ người dân có thêm trứng để bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày. Tương tự trên rau xanh, sẽ bổ sung nguồn thực phẩm cho bữa ăn. Khi người dân trồng nhiều có thể bán có thêm thu nhập.

Trên phương diện xã hội, mô hình cũng giúp nâng cao nhận thức và năng lực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp gắn với cải thiện chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Thông qua đó, giúp địa phương thực hiện một phần an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ khó từng bước phát triển kinh tế gia đình.

Ở phương diện môi trường, mô hình cũng giúp nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV, tuân thủ theo nguyên tắc, bón phân hợp lý. Nhờ đó, mô hình đã tạo nên sự đa dạng hóa trong sản xuất, góp phần cải tạo độ phì nhiêu cho đất, giảm chất độc tố gây hại cho môi trường.

Đến nay, qua khảo sát đánh giá bước đầu các hộ dân đã chăn nuôi đạt yêu cầu đề ra bước đầu. Mặc dù, quá trình thực tại một số hộ vẫn còn khó khăn nhưng nay đàn gà của bà con tham gia mô hình đã được trên 2,5 tháng tuổi. Một số hộ dân đã có thu hoạch, bán tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Vườn rau xanh đã bắt đầu cho thu hái dùng trong các bữa ăn hang ngày.

Mô hình từng bước tạo thói quen ăn rau xanh, nhận biết nhu cầu dinh dưỡng chống còi xương cho trẻ em đồng bào Khmer khó khăn tại Trà Vinh. Từ đó, tạo nền tảng để người dân tự duy trì thói quen và mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt.

MINH ĐẢM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nong-nghiep-dinh-duong-voi-dong-bao-khmer-post253357.html