Nông nghiệp ĐBSCL tăng trưởng mạnh, nhưng công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng âm

Kết quả nghiên cứu trong Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022, cho thấy năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao so với mặt bằng chung của cả nước.

Sáng 1-8, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết báo cáo được thực hiện trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… đến lựa chọn mô hình tăng trưởng khi kinh tế vùng đã phát triển đến ngưỡng.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Lễ công bố. Ảnh: GIA TUỆ

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Lễ công bố. Ảnh: GIA TUỆ

“Từ Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam muốn gửi đến chính quyền các địa phương, các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông điệp: “ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững!” - Chủ tịch VCCI cho biết thêm.

Báo cáo năm nay có chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp”, tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 theo Quyết định 287 của Thủ tướng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm sáng lớn nhất của kinh tế vùng ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Năm 2021, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao so với mặt bằng chung của cả nước.

Cạnh đó, xuất khẩu nông thủy sản của vùng cũng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Ngược lại, khu vực công nghiệp và dịch vụ (chiếm hơn 70% GRDP của vùng) đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là –0,8% và –1,8%.

Quang cảnh Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022. Ảnh: GIA TUỆ

Báo cáo cũng chỉ ra ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy, đó là:“Vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên.

Thông điệp chủ chốt trong Báo cáo Kinh tế thường niên 2022 là chỉ bằng cách phá vỡ một số mắc xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nong-nghiep-dbscl-tang-truong-manh-nhung-cong-nghiep-va-dich-vu-tang-truong-am-post691756.html