Nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Hoằng Hóa – chuyện những người tiên phong

Luôn dành cho quê hương một tình yêu lớn lao, những người con của quê hương Hoằng Hóa, dù đi xa, ở gần vẫn luôn mang theo hành trang đam mê và nhiệt huyết để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nuôi khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chị Lê Thị Quyên chăm sóc vườn dưa Kim Hoàng hậu tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao xã Hoằng Đạo.

Chúng tôi tìm về khu nông nghiệp công nghệ cao ở thôn Nhân Đạo, xã Hoằng Đạo. Khu vực này trước kia vốn là vùng đất cát pha bạc màu, tưới tiêu khó khăn nên thường xuyên bị bỏ hoang nay đã trở thành khu nông nghiệp khá hiện đại với nhà màng, nhà lưới rộng rãi, khang trang. Đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt, nụ cười hiền hậu, chị Lê Thị Quyên (sinh năm 1981) vốn là người con của quê hương Hoằng Đạo cũng là “bà chủ” của khu nông nghiệp công nghệ cao mời khách đi tham quan.

Vừa đi, chị Quyên vừa kể: Vốn là người đam mê với nông nghiệp, từ khi còn học cấp 3, chị Quyên đã thích tham gia các lớp học về trồng trọt. Đến khi trưởng thành, cái duyên với nông nghiệp đã đưa chị đến với các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón ở các tỉnh phía Nam. Hiện, chị đang là Giám đốc Công ty TNHH CT- Tây Nguyên - Chi nhánh Bắc miền Trung. Sau nhiều năm bươn chải, gia đình chị đã có kinh tế ổn định. Mỗi lần về quê chị lại thấy buồn vì đồng đất nhiều, nhưng nhiều người bỏ hoang lãng phí để đi làm ở công ty. Người quá tuổi thì không có việc làm, canh tác vài sào ruộng manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao... Những trăn trở đó lúc nào cũng thôi thúc chị làm một điều gì đó trên chính mảnh đất mà chị được sinh ra, lớn lên và gắn bó này.

Trong quá trình làm việc tại Công ty TNHH CT- Tây Nguyên, chị Quyên đã được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và tham quan nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao và học hỏi, đúc kết được nhiều kinh nghiệm hay về sản xuất nông nghiệp. Đó chính là động lực để chị lên ý tưởng và quyết tâm trở về quê hương để thành lập HTX sản xuất nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, xây dựng dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với mong muốn xây dựng những cánh đồng lớn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tháng 7-2019, chị thuê của xã Hoằng Đạo 2 ha đất đang bị bỏ hoang với thời hạn 5 năm để đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Vào thời điểm đó, khi thuê đất ở khu vực này, vợ chồng chị cũng vấp phải sự hoài nghi của nhiều người, bởi vùng đất bạc màu, cồn đống như thế làm sao mà cải tạo cho được...

Thế nhưng, bỏ ngoài tai những ý kiến trái chiều, chị Quyên và chồng đã quyết tâm đầu tư tiền bạc, công sức để biến khu đất bỏ hoang thành trang trại quy mô như bây giờ. Sau khi thuê đất, vợ chồng chị Quyên phải mất nhiều thời gian để san lấp mặt bằng, đào ao, bón phân cải tạo lại ruộng đất và xây dựng, lắp đặt hệ thống 6.500m2 nhà lưới và 5.000m2 nhà màng với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng để trồng dưa Kim Hoàng hậu, một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và dễ tiêu thụ. “Say sưa lắm em ạ, chưa xong việc là chưa về được, mặc dù đã thuê người làm rồi nhưng nhiều hôm vợ chồng chị còn ngủ lại qua đêm ở nơi đồng hoang, gió lạnh này để sáng mai tranh thủ làm sớm bởi đó là đam mê, là niềm vui”, chị Quyên kể.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn dưa Kim Hoàng hậu, chị Quyên vừa say sưa kể về cách trồng dưa như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ. “Trồng trong nhà màng, nhà lưới thế này, không phải chịu những tác động bất lợi của thời tiết, các loại côn trùng không xâm nhập, hạn chế phát sinh bệnh, sản xuất an toàn, hướng đến các sản phẩm chất lượng, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sống. Hơn nữa, mô hình này sẽ trồng được các loại rau màu trái vụ nên còn tăng được giá trị kinh tế...” - chị Quyên tâm đắc.

Với tiềm lực về nguồn vốn, lợi thế kinh nghiệm, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hoằng Hóa của HTX sản xuất nông nghiệp sạch Hoằng Đạo vừa là tâm huyết, vừa là minh chứng để đất và cây sẽ nói hộ tấm lòng của chị Quyên đối với nông nghiệp quê hương. Mong muốn của chị Quyên hiện nay đó là được tạo điều kiện để có thể thuê đất lâu dài và mở rộng thêm diện tích, yên tâm bỏ vốn đầu tư đồng bộ vào sản xuất, mở rộng liên kết sản xuất chuỗi thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường.

Không chỉ ở Hoằng Đạo, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở xã Hoằng Đạt cũng là một trong những mô hình đáng để học hỏi ở cách áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và sự nỗ lực, vượt khó của những người tâm huyết. Anh Lê Ngọc Nam (sinh năm 1980), ở thôn Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt được biết đến với vai trò là một bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, phó chủ tịch hội nông dân xã mà còn là vị giám đốc “chân lấm, tay bùn” của HTX dịch vụ nông nghệp công nghệ cao Hoằng Đạt. Với sự mạnh dạn, táo bạo, anh được xem là một trong những người tiên phong đưa nông nghiệp công nghệ cao về xã Hoằng Đạt. Từ hai bàn tay trắng, câu chuyện khởi nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp của anh Nam và gia đình đánh dấu bằng sự kiện anh giấu vợ đi mua 2 máy cấy về để làm mô hình mạ khay, máy cấy cho người dân trong xã...

Chị Trần Thị Thu, vợ anh Nam với nụ cười rạng rỡ, vừa đùa vừa kể: “Thời điểm đó, anh ấy bị tôi giận cả tuần đấy, nhưng rồi thấy chồng cả ngày bận bịu ngoài đồng, nhiều hôm chạy máy cấy đến 12h trưa chưa về, thương chồng, tôi quyết định ghé vai gánh vác cùng anh để có được những bước đầu ổn định như hôm nay...”.

Từ mô hình mạ khay, máy cấy đến việc tự tìm tòi cách sản xuất rau mầm sạch... anh Nam đã tiếp tục học hỏi và quyết định đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp cao của riêng mình. Qua thực tế và khảo sát đất sản xuất khu vực đồng Sàng Màu và bờ Rè Thượng của xã Hoằng Đạt phù hợp trồng các cây màu trong khi nông dân chỉ trồng lúa, ngô lại kém hiệu quả nên gia đình anh Nam đã đề nghị và được xã, huyện tạo điều kiện, chấp thuận thuê lại 1,46 ha đất nông nghiệp của các hộ dân để thực hiện ý tưởng trồng rau thủy canh, dưa lưới các loại. Bước đầu gian nan, trong tay vợ chồng anh không có nhiều tiềm lực về vốn, anh Nam đã phải kêu gọi thêm anh em trong gia đình đầu tư, tôn tạo thân đất ruộng trũng thấp để có mặt bằng vừa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vừa làm nơi thực hiện mô hình mạ khay, máy cấy. Thế là họ bắt tay vào xây dựng khu nhà màng với diện tích 3.500m2, đào ao để có nước phục vụ sản xuất, xây nhà điều hành... và bắt đầu lựa chọn cây trồng phù hợp.

Anh Nam tâm sự: “Anh đã chọn cây dưa Kim Hoàng hậu có giá trị trên thị trường làm cây sản xuất đầu tiên cho mô hình mới của mình. Hơn 2 tháng kỳ công chăm sóc từng luống dưa, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người, vườn dưa trong nhà màng sinh trưởng ra hoa rồi kết trái theo đúng ý nguyện của anh. Tháng 9- 2019, lứa dưa đầu tiên với 5.000 gốc đã cho thu hoạch. Vui nhất là quả nào quả nấy tròn trịa, vàng óng, vị ngon, giòn, ngọt. Dưa thu hoạch đến đâu, khách đặt hàng hết đến đó, có lúc không đủ dưa để đáp ứng đơn hàng. Với giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, vụ dưa đầu tiên anh thu được 4,5 tấn trừ mọi chi phí sản xuất, đã bắt đầu có lãi. Hiện nay, khu công nghệ cao của anh đang tập trung chăm sóc vụ dưa tiếp theo để chuẩn bị phục vụ cho thị trường tết”.

Thành công bước đầu từ ứng dụng công nghệ cao với hình thức sản xuất không chỉ giúp anh Nam và những người trong gia đình thực hiện được ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 7 lao động địa phương, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của bà con trong sản xuất nông nghiệp. Từ những nỗ lực cố gắng dám nghĩ, dám làm ngày 10-10-2019, anh Nam còn là một trong những cá nhân được Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh năm 2019.

Lĩnh vực nông nghiệp của huyện Hoằng Hóa đang có nhiều khởi sắc khi có những người đam mê, đầu tư và gắn bó, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông sản chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Toàn huyện hiện có 176 mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất với quy mô từ 1 ha trở lên, trong đó có 3 vùng tập trung với diện tích 53 ha cho doanh nghiệp thuê để trồng cà rốt xuất khẩu. Đã có 62 ha rau an toàn tập trung được cấp giấy chứng nhận VietGAP và dán nhãn trong tiêu thụ. Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất khoai tây Đức, khoai tây chế biến, khoai lang Nhật, dưa, ớt, ngô ngọt, ngô giống, đậu tương rau, sản xuất lúa giống, lúa gạo thương phẩm, trên diện tích 1.380 ha/năm với 31 HTX tham gia liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân... Với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như của anh Nam, chị Quyên chính là minh chứng sinh động nhất góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trên quê hương Hoằng Hóa.

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/nong-nghiep-cong-nghe-cao-o-huyen-hoang-hoa--chuyen-nhung-nguoi-tien-phong/110543.htm