Nông nghiệp công nghệ cao 'khát' vốn

Chính quyền, doanh nghiệp (DN) cho biết việc đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đang gặp nhiều khó khăn vì các vướng mắc trong vay vốn, thuê đất…

Mô hình trồng phong lan Mokara tại H.Hòa Vang (Đà Nẵng) của ông Nguyễn Xuân Hùng cho thu nhập trên 350 triệu đồng/năm - Ảnh: S.X

Không được vay vì ngân hàng… không tin

Tại hội thảo Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp CNC và sản phẩm an toàn khu vực miền Trung - Tây nguyên mới đây, chia sẻ về những khó khăn trong lĩnh vực này, ông Trần Đức Quang, Giám đốc HTX Xuân Hương Đà Lạt (Lâm Đồng) cho hay nông nghiệp CNC có chi phí đầu tư ban đầu lớn nên hầu hết các DN đều thiếu vốn sản xuất, trang bị thiết bị. Mặc dù làm ăn hiệu quả, nhưng trong hơn 10 năm, HTX của ông chưa được vay vốn của ngân hàng vì không có tài sản thế chấp.

“Tôi phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất trị giá 1,5 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng chứ không vay được vốn”, ông Quang nói và kiến nghị, ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thông qua các dự án dài hạn, lãi suất thấp. “Ngân hàng nói kích cầu nhưng vay thì lại khó. DN vay thì tiền tỉ nhưng nông dân vay thì nghi ngại vì không biết trả được hay không”, ông Quang nói.

Theo ông Ngô Đình Thiện, Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên, nếu xác định tài sản trên đất thuê thì DN không bao giờ vay được vốn. Trong khi đó, DN đầu tư đều xác định lâu dài nên nhập thiết bị từ các nước Đức, Ý, Israel… với chi phí cao. Hiện nay ngân hàng vẫn chưa có hội đồng đánh giá, xác định được tài sản đó có giá trị bao nhiêu. Khi ngân hàng đánh giá cũng sợ sau khi cho vay xong nếu DN phá sản thì không biết tài sản này thanh lý bằng cách nào.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng Văn phòng đại diện ngân hàng Agribank khu vực miền Trung, cho biết ngân hàng cho vay luôn quan tâm đến hiệu quả dự án và bảo đảm được khả năng trả nợ. Theo ông Dũng, quy định hiện hành có thể cho hộ dân vay không bảo đảm về tài sản, nhưng hộ vay có “sổ đỏ” thì ngân hàng “giữ hộ để không được hưởng ở mảng tín dụng khác”. Vì vậy, ông kiến nghị UBND cấp tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC theo quy định.

Tránh loay hoay “giải cứu” nông sản

Theo ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, nông nghiệp CNC chắc chắn phải là DN phát triển. Lĩnh vực này đòi hỏi DN đi đầu, sau đó đưa ra chuẩn để người dân xung quanh làm theo mô hình vệ tinh. Quảng Nam tính toán quy hoạch khoảng 1.500 ha để ứng dụng CNC, thu hút DN vào nhằm giải quyết sinh kế cho dân thông qua việc giải quyết đầu ra sản phẩm. “Chúng tôi mong muốn có những đơn vị làm nông nghiệp CNC sẽ bao tiêu sản phẩm cho người nông dân chứ không phải quay đi quay lại chuyện giải cứu”, ông Muộn đề xuất. Cũng theo ông, Bộ NN-PTNT cần sớm thúc đẩy để có đơn vị trong nước cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp CNC theo tiêu chuẩn hiện hành.

Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cũng cho rằng việc tạo sản phẩm không khó, nhưng quan trọng nằm ở kênh phân phối. Hiện chỉ có những chuỗi giá trị ở Đà Lạt thực hiện tốt còn lại kênh phân phối của mỗi DN và dựa vào sức mạnh của chính mình. Do đó, với vai trò “bà đỡ” của nhà nước, các ngành phải hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị vì DN, người dân “tự bơi” thì không thể thực hiện được. “Đặc biệt, hệ thống phân phối đang được các DN nước ngoài thâu tóm thì việc các DN đưa sản phẩm CNC lên kệ, siêu thị sẽ vướng. Nếu không hỗ trợ phân phối thì làm tài sản của dân lại giao ngân hàng hết, nghèo lại hoàn nghèo”, ông Thế nhấn mạnh nhà nước cần tham gia định giá sản phẩm hợp chuẩn để tránh sự tranh chấp giữa các đơn vị trong tương lai.

Nhiều địa phương cũng lo ngại những vùng chuyên canh nông nghiệp CNC luôn bị vướng thu hồi đất khi quy hoạch; nếu giải phóng đất sạch giao cho DN thì buộc phải đấu thầu để giao đất. Ông Phan Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết người dân khi giao đất không muốn giao lâu dài, và khi DN làm ăn có lãi cao thì người dân… không muốn cho thuê đất nữa. Giải pháp tốt nhất là tích tụ đất, tuy nhiên hiện nay nhà nước đã giao đất cho dân nên rất khó xử lý.

Trà trộn sản phẩm kém chất lượng vào sản phẩm CNC

Ông Phan Minh Dũng cho biết, tại địa phương có trường hợp theo mô hình sản xuất hữu cơ nhưng giấu ngành chức năng để bón phân vô cơ nhằm nâng sản lượng. Nông dân đã “tố” nhau nên vụ việc vỡ lở. Ông Trần Đức Quang cũng cho biết, sản phẩm nông sản Trung Quốc đang trà trộn vào thị trường Việt Nam khiến sản phẩm rau nội địa lao đao. Nhà nước cần có tiêu chuẩn “ISO hóa” về rau sạch, từ đó bảo hộ nông sản tránh lẫn lộn nông sản CNC với chất lượng kém cũng như sản phẩm Trung Quốc.

Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nong-nghiep-cong-nghe-cao-khat-von-997407.html