Nông nghiệp công nghệ cao hút vốn FDI

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: 'Phát triển rau hoa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao' do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Lâm Đồng mới đây, đại diện nhiều địa phương cho biết, trồng rau, hoa công nghệ cao là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất.

Nhiều mô hình trồng hoa công nghệ cao ở Đà Lạt thu hàng tỷ đồng/năm. Ảnh: Võ Văn Việt

Loading

Giá trị thu nhập tăng 25-30%

Lâm Đồng là một trong những địa phương có phong trào trồng rau, hoa công nghệ cao (CNC) phát triển khá mạnh. Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Lâm Đồng hiện có 43.084ha sản xuất theo hướng ứng dụng CNC, chiếm 16,4% diện tích đất canh tác, trong đó, diện tích rau, hoa và cây đặc sản đạt 15.184,2ha. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp CNC đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng CNC tăng 25-30%, giúp tăng lợi nhuận trên 30% so với doanh thu; tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác của tỉnh năm 2014 là 130 triệu đồng/ha; diện tích sản xuất nông nghiệp CNC doanh thu gấp hơn 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh, sản xuất rau cao cấp đạt 450-500 triệu đồng/ha, sản xuất hoa cao cấp 800- 1.200 triệu đồng/ha. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 5 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC.

Tính đến hết năm 2015, Lâm Đồng có 33 cơ sở sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng diện tích 201,89ha; sản lượng 7.162 tấn/năm; 82 cơ sở sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích 678,624ha; sản lượng 630.732,2 tấn/năm...

Bình Dương cũng đang có nhiều chính sách khuyến khích ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, từ năm 2010, trên địa bàn tỉnh đã hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao xã An Thái (Phú Giáo) do Công ty CP Nông nghiệp U&I đầu tư với quy mô 411,75 ha. Đến nay, công ty đã sản xuất nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cây dược liệu 10 ha; rau an toàn 10ha (dưa lưới, cà tím); chuối 180ha; cây ăn quả có múi 140ha; nhãn, mít, bơ 10ha; hoa, cây cảnh 10ha.

Tại Khánh Hòa, nhiều mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất rau, hoa cũng được nông dân áp dụng. Theo KS.Đỗ Việt Hoa, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất hoa lan nhiệt đới cắt cành Mokara do Trung tâm Nông nghiệp CNC Khánh Hòa triển khai thu được kết quả khả quan. Hiện, trung tâm đang ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô và giâm cành để sản xuất hàng chục ngàn cây giống lan Mokara hàng năm để cung ứng giống hoa lan tốt cho thị trường. Ước tính, 1ha lan Mokara có thể cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm.

Cà chua công nghệ cao cho năng suất vượt trội. Ảnh: Võ Văn Việt

Những mô hình ứng dụng CNC như thế xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương. Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), bước đầu đã hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại một số địa phương có lợi thế, trước mắt là các vùng sản xuất lúa thâm canh, lúa chất lượng (Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng); vùng sản xuất rau an toàn, hoa (Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ); vùng trồng cây ăn quả: cam quýt, nhãn, vải, bưởi, thanh long (Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Trung du - miền núi phía Bắc); vùng trồng cây công nghiệp: chè, cà phê, tiêu, điều (Trung du - miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ); vùng nuôi trồng thủy, hải sản (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long)…

Hút vốn FDI

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, nông nghiệp ứng dụng CNC là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh và được đặc biệt quan tâm. Đến nay, tỉnh đã có 16 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu; 7 nhãn hiệu được cấp chứng nhận và 9 nhãn hiệu tập thể. Lâm Đồng cũng đã xây dựng được những thương hiệu mạnh như: rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh, cà phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt... Có 150 tổ chức và hộ nông dân được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic; 6 cơ sở ký kết tiêu thụ sản phẩm với SAIGON CO.OP; 30 cơ sở tham gia tiêu thụ rau với các siêu thị Lotte, BigC, Metro, Maximax, AEON; khoảng 250 cơ sở tham gia tiêu thụ rau tại các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức..., các cơ sở sản xuất đều đã được cấp chứng nhận VietGAP.

Điều đặc biệt là, nông nghiệp ứng dụng CNC lại là một trong những lĩnh vực thu hút vốn FDI mạnh nhất của Lâm Đồng. Đến nay, đã có 70 doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp CNC với tổng nguồn vốn 500 triệu USD. “Thực tế cho thấy, nông nghiệp Lâm Đồng có được bước phát triển vượt bậc như hiện nay có công rất lớn của các doanh nghiệp nước ngoài. Khi vào Lâm Đồng đầu tư sản xuất, họ đã đem theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao… Nông dân Lâm Đồng học tập được ở họ rất nhiều”, ông Phạm S nhấn mạnh.

Rau xanh VietGAP. Ảnh: Võ Văn Việt

Trong định hướng phát triển của tỉnh, nông nghiệp CNC vẫn được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, sẽ đầu tư có trọng tâm để nhiều nông sản của Lâm Đồng có vị thế về năng suất, sản lượng, có tầm ảnh hưởng quốc gia và Đông Nam Á. Xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng CNC có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững ở Đông Nam Á.

Tuy vậy, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở Lâm Đồng cũng gặp nhiều khó khăn do diện tích đất canh tác của các nông hộ nhỏ, phân tán, địa hình không bằng phẳng, khả năng cơ giới thấp, nhiều khu vực chưa đủ nước tưới, vận chuyển sản phẩm khó khăn làm ảnh hưởng đến việc đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp CNC.

Nguồn vốn để giúp nông dân đầu tư cho phát triển hoa theo hình thức nông nghiệp CNC còn nhiều hạn chế. Hầu hết bà con vẫn thiếu vốn để đầu tư mô hình bài bản như nhà có mái che, hệ thống tưới tự động, hệ thống bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm trước khi ra thị trường. Diện tích áp dụng công nghệ mới còn chiếm tỷ lệ thấp, thiếu tập trung, không đồng bộ, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý và giảm sức thu hút đối với doanh nghiệp, chưa tạo được động lực phát triển công nghiệp chế biến.

Công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch cho các sản phẩm rau, hoa chỉ mới áp dụng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn nông dân chưa chú trọng thực hiện các khâu này. Đa số các cơ sở sản xuất chưa xây dựng thương hiệu hàng hóa, vì vậy sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.

Suất đầu tư cho nông nghiệp CNC cao hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống nên một bộ phận nông dân không đủ điều kiện để đầu tư. Trong khi đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghệp CNC còn hạn chế.

Thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, thiếu ổn định, chưa tiếp cận nhu cầu thị trường, đặc biệt ở các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ. Mối liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp còn hạn chế, sản xuất thiếu kế hoạch dẫn đến trong cùng một thời điểm có những loại sản phẩm dư thừa, còn một số loại khác thì rất khan hiếm. Kênh cung cấp thông tin về giá cả, nhu cầu thị trường cho người sản xuất chưa được thiết lập chuyên sâu.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương khi phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương cần tiếp tục thành lập và đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại các vùng sinh thái nông nghiệp theo quy hoạch tổng thể được duyệt; đẩy mạnh triển khai các dự án hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, trình diễn, đào tạo, sản xuất sản phẩm nông nghiệp tại các khu nông nghiệp ứng dụng CNC; triển khai các dự án hỗ trợ thúc đẩy thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào khu nông nghiệp ứng dụng CNC; triển khai các nhiệm vụ trình diễn, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC tại các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được công nhận hoặc trong quy hoạch được phê duyệt; Phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh; từng bước mở rộng quy mô và hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC tại các vùng và khu nông nghiệp ứng dụng CNC.

TS.Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, khẳng định, nông nghiệp ứng dụng CNC là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam. “Chúng ta mới chỉ bắt đầu làm quen với nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng đã đạt được những kết quả rất to lớn. Chắc chắn rằng, nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp nước nhà”, TS.Thông chia sẻ.

Khánh Nguyên

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nong-nghiep-cong-nghe-cao-hut-von-fdi-post1560.html