Nông nghiệp công nghệ cao đã... lạc hậu?

Không chỉ diện tích cà phê tái canh vượt gấp đôi kế hoạch, năng suất cà phê vươn lên dẫn đầu cả nước, mà khái niệm nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng cũng không còn phù hợp nên sẽ được thay thế bằng nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại.

Năng suất cà phê cao nhất cả nước

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết toàn tỉnh hiện có 158.000 ha cà phê, trong đó có tới 50.000 ha già cỗi, năng suất thấp dưới 2 tấn/ha. Từ năm 2015, UBND tỉnh đã ký kết với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) chương trình hợp tác, hỗ trợ vốn tái canh cây cà phê.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2017 diện tích cà phê tái canh của tỉnh sẽ đạt 22.000 ha, nhưng trên thực tế toàn tỉnh đã tái canh được 47.000 ha, tăng hơn 2 lần so với dự kiến ban đầu. Không chỉ tái canh thành công, ông Yên còn cho biết, theo số liệu của Hiệp hội cà phê - Ca cao Việt Nam thì năng suất cà phê của Lâm Đồng đã vươn lên dẫn đầu cả nước, vượt qua tỉnh Đắk Lắk.

Cụ thể, năm 2017 cà phê Lâm Đồng đã đạt năng suất 3,06 tấn/ha, sản lượng 454.000 tấn. Theo ông Yên, có được kết quả này là nhờ Agribank Lâm Đồng đã mạnh mẽ hỗ trợ vốn kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.

Lâm Đồng đã vươn lên dẫn đầu cả nước về năng suất cà phê. Ảnh: Văn Long

Không chỉ cho vay tái canh cà phê, Agirbank Lâm Đồng còn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như đầu tư vốn phát triển nông thôn mới (NTM), chương trình hỗ trợ huyện nghèo, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Ngân hàng đã cho vay trên 2.000 tỷ đồng trong lĩnh vực sản xuất rau, hoa, chăn nuôi bò sữa và tái canh cà phê.

Trong xây dựng NTM, ngân hàng đã đầu tư 6.800 tỷ đồng cho 42 xã trên địa bàn, với 19.000 nghìn hộ dân được vay. Năm 2017, Agribank Lâm Đồng đạt dư nợ 9.000 tỷ đồng (trong đó 84% là dư nợ nông nghiệp và nông thôn), đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ còn 0,12%.

Nông nghiệp công nghệ cao đã... lạc hậu

Ông Trần Huy Đường – Giám đốc Công ty TNHH trang trại Langbiang Farm - là một trong những người thành công với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích trang trại hơn 27ha. Đây cũng là một trong những khách hàng uy tín của Agribank Lâm Đồng.

Ông Đường cho biết: "Nhờ những ưu đãi và sự nhiệt tình trong chăm sóc khách hàng, Agribank Lâm Đồng đã có nhiều doanh nghiệp và cá nhân luôn trung thành. Cũng có nhiều ngân hàng đến gợi ý cho vay vốn với lãi suất khá cạnh tranh, nhưng tôi vẫn chọn Agribank vì ngân hàng này luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp ngay cả những lúc khó khăn. Thủ tục vay vốn của Agribank lại nhanh chóng và dễ dàng. Cũng chính vì thế mà tôi đã gắn bó với ngân hàng này trên 20 năm".

Ông Đường, khách hàng uy tín của Agribank chi nhánh Lâm Đồng với dư nợ 14 tỷ đồng. Ảnh: Văn Long

Hiện doanh thu hằng năm tại Langbiang Farm của ông Đường lên tới 40 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 100 lao động thường xuyên với mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ dư nợ tại Agribank Lâm Đồng trên 14 tỷ đồng, ông Đường còn cho biết sắp tới sẽ liên kết với ngân hàng này để mở rộng diện tích trang trại, đầu tư cho du lịch canh nông.

Cũng như doanh nghiệp của ông Đường, Công ty TNHH SX – TM nông sản Phong Thúy có diện tích sản xuất rau, củ, quả các loại khoảng 130ha, đồng thời kinh doanh các loại nông sản khác với doanh thu lên tới 150 tỷ đồng mỗi năm. Với những hoạt động hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với tiêu thu sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2016 ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc công ty - đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba. Ông Phong cho biết, Agibank Lâm Đồng luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của ông tiếp cận nguồn vốn kịp thời, với dư nợ hàng năm dao động khoảng 7 - 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao đóng góp của Agribank Lâm Đồng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Văn Long

Ông Nguyễn Văn Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - đánh giá, trong những năm qua Chi nhánh Agribank Lâm Đồng đã có sự đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Với một tổ chức bộ máy khoa học, là ngân hàng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hai chi nhánh cấp 1, 15 chi nhánh cấp 2 và 17 phòng giao dịch, Agribank Lâm Đồng đã huy động vốn và cung cấp tín dụng mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Cũng theo ông Yên, hiện nay Lâm Đồng đang phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại, thay cho khái niệm nông nghiệp CNC trước kia, bởi nông nghiệp CNC đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ và trở nên... lạc hậu.

Văn Long

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/nong-nghiep-cong-nghe-cao-da-lac-hau-848203.html