Nông nghiệp Bến Tre mất hơn 1.223,45 tỷ đồng do hạn mặn

Năm 2020, sản xuất nông nghiệp tỉnh Bến Tre phải đối mặt với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn rất khốc liệt.

Ảnh minh họa.

Ngày 11/6, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo “Giải pháp khắc phục thiệt hại cho cây trồng trước- trong và sau hạn mặn năm 2020”.

Tại hội thảo, “sống chung với hạn mặn và biến đổi khí hậu” là nhận định chung, bên cạnh yêu cầu cần thay đổi tập quán canh tác trên địa bàn.

130.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng hạn mặn

Báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre cho biết, năm 2020, sản xuất nông nghiệp tỉnh phải đối mặt với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn rất khốc liệt. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai, quán triệt đến các ngành, các cấp, xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ, tình huống hạn mặn xấu nhất có thể xảy ra.

Cùng với đó, tỉnh đã nạo vét được khoảng 260 km kênh mương nội đồng với tổng khối lượng gần 840.000 m3; sửa chữa, nâng cấp 19 công trình cống và 6 bờ bao; ngoài ra còn nhiều công trình bờ bao, đập tạm ngăn mặn cục bộ do người dân tự thực hiện tại các địa phương.

Đồng thời, đưa vào vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, với trữ lượng gần 1 triệu m3 nước; đắp 17 công trình đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt, trong đó đắp khẩn cấp 6 đập tạm để ngăn mặn khu vực sông Ba Lai; và một số công trình đập tạm quy mô nhỏ, bờ bao ngăn mặn cục bộ do các xã và người dân chủ động thực hiện...

Tuy nhiên, do mặn xâm nhập sớm và xâm nhập sâu, độ mặn cao có thời điểm trên 10‰, thời gian kéo dài, nên hầu hết diện tích các loại cây trồng đều bị ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển.

Ảnh hưởng rõ rệt nhất là một số diện tích cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm tại 2 huyện Châu Thành, Chợ Lách bị thiệt hại nặng, năng suất và chất lượng các loại nông sản đều bị giảm...

Tại hội thảo, con số ước giá trị thiệt hại trên lĩnh vực trồng trọt được đưa ra đến nay hơn 1.223,45 tỷ đồng.

Hạn mặn không chỉ gây thiệt hại cho nền sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, ảnh hưởng mạnh đến cây trồng, vật nuôi và thu nhập của người nông dân, mà còn làm đảo lộn cuộc sống yên bình của người dân. Chưa có thống kê đầy đủ nhưng ảnh hưởng do hạn mặn gây ra cho bà con nông dân trồng cây ăn trái là khá đáng kể. Đặc biệt, cây chôm chôm và cây sầu riêng bị thiệt hại nhiều nhất.

TS. Hồ Hữu Thoại, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, mùa khô năm 2019 - 2020, tổng diện tích cây ăn quả (CAQ) trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 130.000 ha bị ảnh hưởng hạn mặn, bằng 39,1% tổng diện tích CAQ toàn vùng, cụ thể: Tiền Giang 28.360 ha, Bến Tre 12.350 ha, Long An 12.900 ha, Trà vinh 12.350 ha, Vĩnh Long 8.580 ha, Sóc Trăng 13.650 ha,... bao gồm các chủng loại CAQ bị ảnh hưởng là xoài, chuối, thanh long, dứa, cây có múi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, vú sữa,...

Thay đổi tập quan canh tác

Theo KS. Hồ Văn Xuyên, Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương, hạn mặn là hiện tượng thời tiết tự nhiên, diễn ra hằng năm. Mức độ hạn mặn đươc dự báo sẽ ngày càng gay gắt do biến đổi khí hậu.

Để khắc phục và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra, ngoài những giải pháp ngăn mặn, dự trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, bố trí lại cơ cấu cây trồng hợp lý,… người nông dân rất cần có cần có sự thay đổi trong tập quán canh tác. Bên cạnh tìm giải pháp khắc phục những tác hại do hạn mặn gậy ra thì “sống chung và thích nghi với điều kiện hạn mặn” là cách ứng xử phù hợp nhất.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng có chung nhận định: Trong xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu, hình thái cực đoan của thời tiết như hạn hán, nước biển dâng cao bất thường gây xâm nhập mặn hoặc thậm chí bão, lũ là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian sắp tới. Do vậy, việc phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, bảo vệ cuộc sống cho người dân là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

Bên cạnh các giải pháp công trình như xây hồ chứa và các công trình trữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập vào đất liền; dự trữ nước ngọt dùng cho mùa khô; điều chỉnh cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với mức độ hạn mặn của từng tiểu vùng.

Cần thay đổi tập quán canh tác, chú trọng bồi dưỡng đất đai, coi trọng vai trò của phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc tuân thủ quy hoạch do nhà nước triển khai, nhà nông cần chủ động chuyển đổi giống, cây trồng phù hợp với từng vùng đất, bám sát diễn biến thời tiết, thường xuyên đo độ mặn để ứng phó kịp thời.

Trong đó, nền tảng nông nghiệp hữu cơ là giải pháp vừa phù hợp tự nhiên vừa có cơ sở khoa học giúp cây trồng phát triển bền vững trước tình hình biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Trong quá trình xử lý giải mặn, phục hồi vườn cây theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc, hóa chất để phòng ngừa nắm bệnh...

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre đánh giá cao các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, nhà nông cùng phối hợp tổ chức và tham gia hội thảo và đề nghị giải pháp khắc phục tác hại do hạn mặn gây ra trước mắt cũng như lâu dài, và ứng dụng công nghệ cao hướng đến phát triển bền vững theo đúng chủ trương của tỉnh là hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ để “sống chung với hạn mặn và biến đổi khí hậu”.

QUANG TRÍ

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//thoi-su/nong-nghiep-ben-tre-mat-hon-122345-ty-dong-do-han-man-3546336.html