Nông nghiệp 4.0- từ chuyện 'trông trời' đến cảm biến nhà kính

Nông nghiệp Việt Nam bước vào nền nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu để hiện thực hóa những tiềm năng cũng như củng cố vị thế là bệ đỡ cho nền kinh tế.

Đi vào nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu của nông nghiệp Việt Nam

Đầu tư một nhà kính để trồng rau sạch cùng các thiết bị phụ trợ ngót gần 3 tỷ đồng, liệu có thể đem thế chấp được không? Rồi vẫn biết rằng không thể có một thứ công nghệ hoàn hảo cho mọi nhà sản xuất nông nghiệp, vậy nhà nông có thể tìm thấy công nghệ phù hợp với mình ở đâu?

Đây là hai trong số nhiều câu hỏi được nêu ra tại một hội thảo về nông nghiệp thời 4.0 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) vừa tổ chức tại Hà Nội cho thấy tầm quan trọng của công tác thể chế trong việc xây dựng nền nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

Các chuyên gia mô tả việc tiếp cận một nền nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam là quá trình đi từ thói quen “trông trời, trông đất, trông mây” đến thói quen sử dụng các cảm biến và xây dựng quá trình truy xuất nguồn gốc cây con. Thế nhưng đó là con đường không hề bằng phẳng với việc 68,7% các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có số vốn dưới 10 tỷ đồng và doanh thu thuần dưới 1 tỷ đồng chiếm trên 48%.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, câu chuyện về xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu. Một số ý kiến mô tả đây là một đòi hỏi cấp bách bởi nếu không có được các giải pháp mang tính “bà đỡ” ngay từ bây giờ thì trong vòng 10 năm tới đây cho dù GDP và bình quân đầu người có thể tăng nhưng khu vực nông nghiệp - khu vực vẫn được xem là yếu thế có thể tụt hậu xa hơn.

Tại một diễn đàn nông nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nói, các nước không nói nhiều đến nông nghiệp 4.0 nhưng trong thực thi thì làm rất quyết liệt. “Chúng ta bớt nói đi, cần làm nhiều hơn. Sản phẩm cuối cùng của chúng ta là để phục vụ con người, đó là tiêu chí cao nhất. Cần có nền nông nghiệp thông minh, tiếp cận thông minh và khôn ngoan”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Ngoài ra, nông nghiệp hay công nghiệp 4.0 đều mang lại rủi ro rất lớn cho những ngành có nhiều lao động. Do vậy khi phát triển cần quan tâm đến chuyển dịch lao động hợp lý, bởi hơn 40% lao động cả nước là làm nông nghiệp, 60% dân cư sống tại các vùng nông thôn.

Nhiều chuyên gia cho rằng chuyện thể chế để tiếp cận nền nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam cần được thiết kế rất cụ thể, có tính đến những đặc thù của Việt Nam. Thậm chí là từ bỏ những thói quen trong tư duy lâu nay như quá nhấn mạnh một khâu nào đó.

Cụ thể như bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế của CIEM cho rằng, cần sớm xác lập quyền tài sản (nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cảm biến IoT...) trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn.

Còn theo ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, không cần thiết phải “gò” cho được mối liên kết 4 nhà như lâu nay mà quan trọng nhất là kết nối được nhà đầu tư, doanh nghiệp với nông dân trên cơ sở nông dân không bị mất đất. Mô hình liên kết trong nông nghiệp cũng cần linh hoạt để nông dân tự liên kết, đầu tư và đi thẳng vào nền nông nghiệp công nghệ cao chứ không chỉ có mấy mô hình tổ hợp tác hay hợp tác xã như hiện nay.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-nghiep-40-tu-chuyen-trong-troi-den-cam-bien-nha-kinh-111936.html