Nông nghiệp 4.0: bao giờ?

Cách nay không lâu, tôi được xem một đoạn video với tiêu đề Cánh đồng bắp lớn nhất Tây Ninh vào mùa thu hoạch có những hình ảnh quay bằng flycam khá đẹp. Thông tin từ video này cho biết 40 hộ dân đang trồng tập trung một giống bắp sản lượng cao trên cánh đồng 60 héc ta, đem lại doanh thu cho mỗi hộ trên 500 triệu đồng/năm.

Nếu không hiện đại hóa nông nghiệp thì sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ rất thấp. Ảnh: T.L

Những tưởng việc sản xuất trên cánh đồng lớn, tập trung như thế sẽ có những hoạt động ứng dụng công nghệ, nhưng người xem chỉ thấy người thu hoạch bẻ bắp bỏ vào cần xé và vác đổ đống ở ven đường, chờ xe máy kéo đến chở đi. Mẩu tin chỉ nói đến việc thu hoạch nên không có thông tin hay hình ảnh về các công đoạn khác như làm đất, xuống giống, làm cỏ, bỏ phân, tưới nước... nhưng người xem có thể suy đoán phần lớn các khâu ấy cũng được làm thủ công. May ra ở khâu làm đất sẽ có máy xới công suất nhỏ, máy bơm tưới nước.

Đó là với một cánh đồng tương đối lớn. Còn ở những cánh đồng nhỏ hẹp khác, mức độ cơ giới hóa chắc chắn không thể tiến bộ hơn. Thậm chí ở các ruộng bậc thang, các thửa ruộng hẹp ở vùng bán sơn địa, người ta còn dùng trâu bò hoặc ngựa để kéo cày hoặc dùng sức người cuốc đất; nếu có máy móc chắc cũng rất ít.

Có thể hình dung về cơ bản, nông nghiệp nước ta vẫn nằm ở thời kỳ đầu của công nghiệp 2.0 vốn ra đời từ nửa sau thế kỷ 19 với máy móc chạy bằng hơi nước, sau đó là động cơ diesel, động cơ điện. Mà những hình ảnh này cũng chỉ thấy ở một số vùng sản xuất quy mô tương đối lớn, như khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vài nơi khác. Đó là việc dùng máy móc ở các khâu làm đất, xuống giống, thu hoạch, vận chuyển... và một phần trong khâu phun thuốc, bón phân. Ở khu vực miền Đông Nam bộ, do địa hình phức tạp nên việc dùng máy móc cũng chỉ trong điều kiện cho phép, còn lại vẫn phải dùng sức người.

Ngay cả nông dân được coi là “sản xuất công nghệ cao” như người trồng rau, trồng hoa ở các nhà kính hay người chăn nuôi quy mô lớn... các thiết bị tự động hóa thay thế sức người vẫn khiêm tốn, mà máy móc cơ bản chỉ hỗ trợ nông dân bớt thao tác và đỡ tốn sức mà thôi. Ở đây, trình độ sản xuất có thể đạt đến công nghiệp 3.0 - đời đầu, với những bước tự động hóa giản đơn. Và như vậy thì vẫn còn khoảng cách lớn so với nhu cầu, so với trình độ sản xuất của nhiều nước khác.

Cách nào đó có thể nói cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp của chúng ta còn khá xa vời. Thậm chí, nếu tính trên diện rộng, đạt được trình độ 3.0 cũng còn là... ao ước!

Nếu tiến tới 4.0 thì đòi hỏi tính tự động hóa cao hơn. Chẳng hạn trong trồng trọt là hệ thống tưới nhỏ giọt vào gốc từng cây; người sản xuất điều khiển tưới nước bằng máy tính hoặc điện thoại mỗi khi máy báo độ ẩm trong đất đã giảm đi. Trong chăn nuôi, người sản xuất cũng có thể ứng dụng công nghệ máy tính để quản lý thức ăn; chất lượng trứng, sữa, thịt; vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa, xác định và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm... Đối với đầu ra, hệ thống máy tính sẽ thu thập các dữ liệu quan trọng như sản lượng, nhu cầu của thị trường từng thời điểm, giá bán hiện tại và giá dự báo (căn cứ trên ước lượng cung và cầu) để tư vấn cho người sản xuất những quyết định phù hợp, chẳng hạn nên tính toán lại sản lượng hoặc thời gian xuất bán...

Trịnh Minh Giang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281285/nong-nghiep-40-bao-gio.html