'Nóng' nghị trường Đà Nẵng chuyện lãng phí đất đai

Hôm qua (10/7), Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra với phiên thảo luận và chất vấn các vấn đề kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng đất đai ở Đà Nẵng còn lãng phí, nhiều sai phạm; hiệu quả sử dụng đất thấp, đã làm 'nóng' nghị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng đất đai ở Đà Nẵng còn lãng phí, nhiều sai phạm; hiệu quả sử dụng đất thấp.

Nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng đất đai ở Đà Nẵng còn lãng phí, nhiều sai phạm; hiệu quả sử dụng đất thấp.

Quản lý quy hoạch không nghiêm

Ông Nguyễn Đức Trị, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cho biết, hiện TP có sáu khu công nghiệp. Thời gian qua, việc quản lý bố trí cho thuê đất tại từng khu công nghiệp chưa tốt, dẫn đến hiện tượng chia nhỏ lô đất quy hoạch để bố trí các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, giá trị sản phẩm không có tính gia tăng thặng dư kinh tế cao. Việc bố trí loại hình, ngành nghề sản xuất không đúng mục tiêu, quy hoạch ban đầu gây ra xung đột, tranh chấp và ô nhiễm môi trường.

Quỹ đất còn trống sẵn sàng cho thuê hiện không nhiều, lại bị chia cắt, phân tán manh mún, hạn chế trong việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt các dự án có yêu cầu sử dụng diện tích lớn. Công tác quản lý việc cho thuê, cho thuê lại đất tại một số khu công nghiệp còn lỏng lẻo. Trong một thời gian dài, một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế để giành phần, chuyển nhượng, thuê lại kiếm lợi.

Đại biểu Trị đề nghị: “Kiên quyết thu hồi diện tích đất chậm triển khai, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại đất không đúng quy định. Thực hiện ngay trong quý 3/2019 để có quỹ đất cho các nhà đầu tư mới, phù hợp với định hướng đầu tư của TP”.

Đồng quan điểm, Đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND, cho rằng, thời gian qua, TP giao đất cho nhà đầu tư phân lô bán nền chỉ thu tiền sử dụng đối với phần đất thô, đồng thời giao toàn bộ quản lý cho nhà đầu tư, dẫn đến hiệu quả khai thác quỹ đất thấp. Tại một số dự án, tiền TP bỏ ra giải phóng mặt bằng nhiều hơn khoản tiền thu nhà đầu tư nộp lại cho ngân sách.

Theo bà Nhung, việc quản lý quy hoạch không nghiêm, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần còn dẫn đến giảm đi phần lớn diện tích cây xanh, công cộng. Đà Nẵng là một trong năm địa phương có diện tích nhỏ nhất cả nước (diện tích đất liền khoảng 98.000 ha). Dư địa về đất đai của TP không nhiều. Nên việc quy hoạch đất đai một cách bài bản, quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả là một nhiệm vụ hết sức cần thiết.

“Đối với các dự án khai thác quỹ đất còn lại hiện nay trên địa bàn TP, đề nghị đánh giá kỹ hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và thực hiện đấu thầu sử dụng một cách công khai minh bạch, tránh thất thu ngân sách. Nâng cao chất lượng lập quy hoạch và chấm dứt điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất công cộng đã được phê duyệt.

Thứ hai, TP đã có chủ trương hợp thửa các quỹ đất tái định cư còn thừa để quy hoạch lại những dự án thương mại, dịch vụ, các dự án công cộng, bãi đỗ xe, đề nghị TP thực hiện sớm”, bà Nhung nói.

Ở cùng nội dung, đại biểu Trần Đình Hồng phát biểu thêm, TP cần quy hoạch tốt khu vực phía Tây để khai thác quỹ đất còn lại để phát triển TP trong giai đoạn tiếp. Cần mạnh dạn trao đổi và phối hợp với tư vấn nước ngoài đề xuất những giải pháp, phương án quy hoạch, lựa chọn phương án tối ưu nhất để phát triển TP, đảm bảo quan điểm tinh thần của Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, khai thác quỹ đất này.

Kiến nghị công bố toàn văn kết luận thanh tra năm 2012

Nghị trường thêm lần xôn xao khi các đại biểu nhắc Kết luận 2852 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng. Đại biểu Lê Xuân Hòa, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, TP đang thực hiện nghiêm nội dung Kết luận 2852, nhưng những khó khăn khách quan khiến việc triển khai kết luận chưa nhận được sự đồng thuận.

Sự việc cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, tới tiến độ dự án, dòng vốn đầu tư, tốc độ phát triển của TP trong thời gian vừa qua.

“Thời điểm này, TP đã thực hiện xong 3/5 nội dung kết luận, thực hiện thu 44% tiền về ngân sách…”, ông Hòa nói. Ông Hòa nhấn mạnh việc thực hiện Kết luận 2852 phải đúng với quy định hiện hành, đồng thời phù hợp với thực tế, lịch sử của TP, nhưng “đề nghị UBND TP kiến nghị TTCP cho công bố toàn văn kết luận thanh tra, tạo điều kiện để các đại biểu HĐND TP bàn bạc, quyết nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền HĐND TP. Đồng thời thông tin rộng rãi để người dân TP biết về những yêu cầu thực hiện kết luận, tạo sự đồng thuận, chia sẻ”.

Phát biểu về vấn đề này, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP cho biết, Thường trực HĐND TP sẽ tiếp thu các ý kiến liên quan Kết luận 2852 và báo cáo Trung ương. Ông Trung thừa nhận chưa có đánh giá đúng mức về hiệu quả các chính sách mà Đà Nẵng đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vì thế, sau kỳ họp này sẽ làm và báo cáo trong kỳ họp HĐND TP cuối năm, tạo đà thực hiện trong các năm tiếp theo.

Ngoài ra, trong phiên chất vấn ngày 10/7, nhiều đại biểu đặt câu hỏi vấn đề giải tỏa, đền bù; vấn đề thu hồi đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các dự án thi công tại huyện Hòa Vang được thực hiện như thế nào; các dự án “treo” như bờ kè sông Cu Đê, tuyến kênh thoát lũ tại huyện Hòa Vang bao giờ tiến hành; dự án Khu du lịch Làng Vân (Liên Chiểu) đã điều chỉnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa triển khai… Các đại biểu mong muốn có câu trả lời cụ thể vì đã nhiều lần đưa ra nghị trường nhưng vẫn chưa được đáp ứng thỏa đáng.

Vũ Vân Anh

Loading...

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/bat-dong-san/nong-nghi-truong-da-nang-chuyen-lang-phi-dat-dai-460935.html