Nồng nàn trầm hương Phú Quốc

Là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, Phú Quốc vẫn luôn làm nhiều người ngạc nhiên về sự đa dạng sinh học, với các sản vật trân quý. Trong số đó có trầm hương được tích tụ tự nhiên, vừa được người dân phát hiện từ sớ gỗ trắng phau của quần thể dó bầu tại xã Cửa Dương, là khu vực cận kề với khu rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Đầu tháng 5/2019, người dân đã phát hiện có trầm hương tại quần thể dó bầu hơn 400 cây trên khu đất hơn 8.000m2 tại xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Ảnh: Giáng Thăng

Đầu tháng 5/2019, người dân đã phát hiện có trầm hương tại quần thể dó bầu hơn 400 cây trên khu đất hơn 8.000m2 tại xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Ảnh: Giáng Thăng

Bén rễ, kết hương

Nhiều lão nông đã sống gần như cả cuộc đời tại các xã giáp với các khu rừng ngàn năm thâm u tại Phú Quốc vẫn nhớ lại thời luồn rừng, lội suối để đi tìm trầm hương về bán lấy tiền mua lương thực trong những lúc khó khăn. Những cây dó bầu tại Phú Quốc rất chậm lớn vì đặc điểm khí hậu nhiệt đới đại dương, nhưng hàm lượng tinh dầu lại cao hơn các khu vực có phân bố loài cây này so với đất liền. Cây chậm lớn, thân cây khúc khuỷu lại chứa đựng các khối nhựa thơm đặc quánh, khối trầm đen bóng, hoặc đỏ bầm. Trong ngôn ngữ chuyên môn của dân đi rừng tại hòn đảo này thì đó là “khối trầm bắp” vì hình thù khối trầm hương được kết tinh trong gốc dó bầu giống như bắp chân của người trưởng thành.

Thời kỳ khó khăn, đói gạo, thiếu thuốc nên trầm bắp được thu mua với giá rẻ, còn trầm hương vụn được người dân dùng để đốt cho thơm mỗi khi cúng giỗ.

Lịch sử Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang ghi nhận sự kiện trong năm 1980, tại khu vực phía Bắc đảo Phú Quốc khi phát hiện người dân địa phương do hoàn cảnh sống khó khăn đã vào rừng khai thác trầm hương để bán cho thương lái, với số lượng hàng chục cân.

Những năm gần đây, khi các nguồn đầu tư lớn của cả nước để phát triển đảo Phú Quốc thành khu hành chính kinh tế đặc biệt thì câu chuyện trầm hương đã ít được nhắc đến khi mối quan tâm của hầu hết người dân địa phương là giá đất cao hay thấp. Hay nói khác hơn, sau 3 lần sốt đất thì câu chuyện thời sự mà phần lớn doanh nghiệp, người dân, kể cả nhiều cán bộ các phòng ban của huyện Phú Quốc quan tâm là bao giờ giá đất tăng trở lại như đầu năm 2018, khi nào Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về quản lý sử dụng đất tại tỉnh Kiên Giang để nhịp điệu thị trường bất động sản sôi động trở lại.

Nhưng bên lề chuyện giá đất lên xuống, vẫn còn có người đang âm thầm giữ gìn quần thể dó bầu hơn 400 cây tại xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Khu đất hơn 8.000m2 có vị trí đắc địa 3 mặt giáp đường lớn, phía sau giáp suối, nằm gần trung tâm hành chính xã Cửa Dương, được bóng mát của hàng trăm cây dó bầu che phủ. Hơn 30 năm qua, các chủ đất vẫn nâng niu từng hàng dó bầu vì họ biết rằng đây là giống cây quý, là nguồn gen cần được bảo tồn để đảo Phú Quốc sẽ có thêm một sản vật quý, bên cạnh nước mắm, hồ tiêu, sim rừng.

Là người mua lại phần đất này, gần 2 năm qua, dù bận rộn nhưng mỗi khi có mặt tại Phú Quốc, vợ chồng chị Hà vẫn đến thăm vườn dó bầu để ngắm nhìn hàng trăm thân cây vạm vỡ đang lớn lên từng ngày trong nắng gió Cửa Dương. Mỗi thân cây đều được đánh số thứ tự, nhưng theo quan điểm của vợ chồng chị Hà là không sử dụng phương pháp tạo trầm hương nhân tạo, dù nhiều người khi thấy vườn dó bầu đẹp đến khó tin này đã khuyên chủ vườn là nên khoan lỗ để cấy vi sinh tạo trầm.

Nhiều tiềm năng

Liên quan đến quá trình khai thác trầm hương từ loại dó bầu tại xã Cửa Dương thì giới chơi trầm không thể không nhắc đến Đại đức Thích Giác Nhi, với vườn dó bầu đang khai thác trầm tại chân núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Nguồn cơn là giống cây dó bầu đều được Đại đức Thích Giác Nhi âm thầm lấy từ xã Cửa Dương rồi đem về đất liền từ những năm 1992, khi phần lớn cây giống đều bị các doanh nhân nước ngoài thu gom không cho lọt ra ngoài.

Về cơ duyên thì, sau ngày đất nước thống nhất, Đại đức Thích Giác Nhi đã chọn khu vực suối Đá Bàn, ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, để tu tập. Một ngày nọ có một nhà khoa học từ phương xa đã đến thăm suối Đá Bàn và kể cho nhà sư trẻ về loài cây dó bầu có thể giúp người theo phật có thêm điều kiện để làm từ thiện khi tạo ra trầm hương, và rằng trên đảo Phú Quốc chỉ còn sót một vài cây lâu đời. Làm đúng lời hướng dẫn, nhà sư trẻ đã tìm đến chỗ cây dó bầu cổ thụ để thu hái quả dó bầu già về ươm cây giống. Sau nhiều lần thất bại, mong ước của nhà sư trẻ đã trở thành sự thật khi hạt dó bầu đã nảy mầm tại mảnh đất ven suối Đá Bàn.

Với mong muốn có một vườn dó bầu đúng tâm nguyện, nhà sư đã đi tìm một khu đất dưới chân núi Chứa Chan để trồng cây giống dó bầu lấy từ xã Cửa Dương. Những tưởng là chuyện đơn giản nhưng các doanh nhân nước ngoài lại nhanh chân hơn khi ký hợp đồng bao tiêu mua tất cả cây giống dó bầu tại đảo Phú Quốc.

Để có cây giống, nhà sư trẻ đã phải tìm cách thuyết phục nhóm thợ rừng đang thu ươm giống cây là sẽ mua lại với giá 1.000 đồng/cây, so với giá doanh nghiệp nước ngoài thu mua chỉ 300 đồng/cây. Nhờ đó, nhóm thợ rừng đã “bí mật” chuyển cho nhà sư trẻ 2.000 cây giống để sau đó tại chân núi Chứa Chan đã hình thành vườn dó bầu chuyên canh có nguồn gen gốc của dó bầu Phú Quốc. Đi liền với sự phát triển của vườn dó thì qua tu tập nhà sư trẻ đã trở thành Đại đức Thích Giác Nhi, là tác giả cuốn sách “Trầm hương khảo luận”.

Mỗi năm từ vườn dó bầu này cung cấp cho thị trường có khoảng 1 triệu cây dó bầu con, tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, những cây dó bầu từ Phú Quốc cũng đã đủ độ lớn để tiến hành cấy trầm thử nghiệm, với kết quả ban đầu rất khả quan.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, thông tin từ lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, trong quy hoạch mới nhất về phát triển kinh tế - xã hội của đảo Phú Quốc, thì trầm hương cũng sẽ là một sản vật quý phải được phát triển gắn với chỉ dẫn địa lý của địa phương. Đây là sự tiếp nối từ đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học được thực hiện trên 332 cây dó bầu giống 20 năm tuổi tại khu vực Bắc đảo Phú Quốc, đã tìm ra được giống thuần chủng có khả năng tạo trầm rất cao.

Từ kết quả này, các cơ quan chuyên môn đang tiến hành bảo tồn và lưu giữ nguồn gen, trồng thêm cây dó bầu tạo trầm hương thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc, góp phần thực hiện chương trình sản xuất bền vững trầm hương tại đảo ngọc.

Giáng Thăng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/nong-nan-tram-huong-phu-quoc_t114c1067n148104