Nóng Nagorno-Karabakh: Điện đàm Putin-Erdogan thúc đẩy ngừng bắn

Lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn hôm 10/10 tại Moscow.

Ngày 14/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận về tình hình xung đột Nagorno-Karabakh, tái khẳng định tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn nhân đạo đạt được ngày 10/10 tại Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với ông Erdogan. Ảnh minh họa: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với ông Erdogan. Ảnh minh họa: TASS

Theo TASS, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm và kêu gọi kích hoạt tiến trình chính trị giữa Armenia-Azerbaijan dựa trên tiến độ đã đạt được của nhóm Minsk thuộc OSCE về tranh chấp lãnh thổ tại Nagorno-Karabakh.

Điện Kremlin thông tin, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Vladimir Putin cũng bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về sự tham gia của các chiến binh Trung Đông trong các cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh.

"Hai ông đã nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về những nỗ lực vững chắc nhằm mục đích chấm dứt đổ máu càng sớm càng tốt, hướng tới quy định hòa bình đối với vấn đề Nagorno-Karabakh. Họ bày tỏ hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một thành viên của Nhóm Minsk tại OSCE, sẽ đóng góp mang tính xây dựng trong việc giảm leo thang xung đột" - thông báo cho biết.

Yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ trong căng thẳng Nagorno-Karabakh đã gây tranh cãi. Ankara thẳng thắn ủng hộ Azerbaijan trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này dù khẳng định không đưa lực lượng bán quân sự nào đến đây.

Trong những diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 14/10 thông báo nước này có quyền điều các quan sát viên quân sự Nga tới dọc đường kiểm soát ở Karabakh nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan đạt được hôm 10/10, theo hãng tin Sputnik. Ông Lavrov nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng tùy thuộc vào Armenia và Azerbaijan.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh nếu không có một giải pháp chính trị giữa hai nước thì bất kỳ giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột đều sẽ không hiệu quả.

Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhấn mạnh rằng lực lượng canh giữ hòa bình có thể được triển khai tới khu vực chỉ khi cả Azerbaijan và Armenia bật đèn xanh cho quyết định này. Ông Aliyev cũng tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tham gia các cuộc đàm phán theo một cách nào đó. Tuyên bố như vậy có phần mâu thuẫn bởi chính quyền tại Azerbaijan đã thống nhất với Armenia về lệnh ngừng bắn tại Moscow mà cũng không cần đến yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ.

Armenia trước đó tuyên bố quân đội Azerbaijan đã tấn công thiết bị quân sự Armenia trên đất Armenia và lực lượng nước này có quyền tấn công bất kỳ mục tiêu quân sự nào trên lãnh thổ Azerbaijan.

Trong khi đó, Azerbaijan cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự của nước này sẽ dẫn tới trả đũa.

Một nhà ngoại giao Armenia nói rằng khoảng 4.000 chiến binh trung thành với Thổ Nhĩ Kỳ từ Hay’at Tahrir Al-Sham (trước đây là Jabhat Al-Nusra) và Lữ đoàn Sultan Murad đã đến Karabakh từ Libya và Syria để cùng với lực lượng Azerbaijan đối đầu với Armenia.

Cựu đại sứ Armenia tại Ý Sarkis Gazaryan cho biết ông đã có mặt cùng 100 người tại buổi biểu tình do cộng đồng Armenia tổ chức trước trụ sở của Hạ viện ở Rome để yêu cầu chấm dứt “sự xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan".

“Sự hiện diện của những chiến binh thánh chiến chống Armenia này là rất nguy hiểm, và thậm chí còn nghiêm trọng hơn thế nữa nếu chúng ta tính đến những gì Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng chiến đấu để ngăn chặn dịch COVID-19” - cựu đại sứ Armenia khẳng định trong tuyên bố với người Ý, theo thông tin từ hãng thông tấn AKI.

Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bị cáo buộc chiêu mộ các chiến binh Syria để chiến đấu chống lại lực lượng Armenia ở Karabakh, sau chiến dịch của họ ở Libya nhưng liên tục phủ nhận.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nong-nagorno-karabakh-dien-dam-putin-erdogan-thuc-day-ngung-ban-3420695/