Nóng ghế Thẩm phán Tòa tối cao nước Mỹ

Ngày 12/10, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ bắt đầu phiên điều trần về Thẩm phán Amy Coney Barrett, người được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao nước này khi mà cuộc bầu cử Tổng thống đã cận kề (ngày 3/11).

Bà Amy Coney Barrett.

Bà Amy Coney Barrett.

Vì sao “chiếc ghế” này lại nhận được nhiều quan tâm và thường là tranh cãi rất quyết liệt?

Trước đó, ngày 26/9, bà Amy Coney Barrett - một giáo sư luật, 48 tuổi, được Tổng thống Trump đề cử vào vị trí Thẩm phán Tòa tối cao, chỉ sau hơn một tuần Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời vì ung thư, ở tuổi 87.

Theo luật, Thượng viện Mỹ - hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát - được giao nhiệm vụ thông qua các đề cử nhân sự vào Tòa tối cao Mỹ.

Về “nhân sự mới”, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham nói: “Chúng ta sẽ bổ sung vào vị trí để trống bằng một người phụ nữ vĩ đại“.

Còn theo ông Trump, bà Barrett là một trong những bộ óc pháp lý tài năng và xuất chúng nhất mà nước Mỹ có được. Cũng xin nhắc lại, ông Trump bảo vệ quyết định đề cử bà Barrett và tuyên bố có quyền thực hiện điều này bất chấp sự phản đối của đảng Dân chủ.

Chiếc ghế Thẩm phán Tòa tối cao không chỉ cực kỳ quan trọng trong những sự vụ cụ thể mà hơn thế nữa, nó còn được Hiến pháp nước Mỹ trao cho “nhiệm kỳ trọn đời”. Điều đó được hiểu từ Điều III của Hiến pháp nước này là “Thẩm phán thuộc hệ thống tòa liên bang, gồm cả tòa tối cao và tòa cấp dưới, sẽ giữ chức chừng nào có ứng xử tốt”.

Như vậy, về lý thuyết, Thẩm phán Tòa tối cao không có giới hạn nhiệm kỳ, chỉ có thể mất chức nếu không thỏa mãn điều kiện “ứng xử tốt”. Từ trước tới nay chỉ có 15 Thẩm phán liên bang ở các cấp tòa dưới bị luận tội, trong đó 8 người bị bãi nhiệm.

Thẩm phán Tòa tối cao liên bang duy nhất từng bị luận tội là Samuel Chase - người công khai phản đối chính sách của Tổng thống Thomas Jefferson. Năm 1804, Chase bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội vì thúc đẩy tư tưởng chính trị trong cương vị Thẩm phán tối cao liên bang. Nhưng trước Thượng viện, Chase được tuyên vô tội và tiếp tục nhiệm kỳ cho đến khi qua đời vì tuổi già.

Mục đích của việc trao nhiệm kỳ trọn đời cho thẩm phán là để ngăn tòa án Mỹ tham gia vào tranh đấu phe phái. Tòa tối cao có vai trò là đối trọng với quyền lực của Quốc hội và Tổng thống. Vì thế, nhiệm kỳ suốt đời sẽ giúp các Thẩm phán miễn nhiễm trước các áp lực, từ đó giúp tòa tối cao trở thành nhánh quyền lực độc lập. Việc không hạn chế nhiệm kỳ được cho là “cách thức tốt nhất” để đảm bảo hệ thống tư pháp được vững vàng, liêm khiết, và công tâm.

Ban đầu, Thẩm phán có thể được đề cử vì được Tổng thống cho là đồng minh chính trị. Nhưng khi đã được bổ nhiệm, Thẩm phán sẽ không thể bị bãi nhiệm kể cả khi có chuyển biến tư tưởng.

Tới thời điểm này, nhiệm kỳ trung bình của Thẩm phán Tòa tối cao liên bang Mỹ là 16 năm. Do tuổi thọ con người ngày càng cao, Thẩm phán được bổ nhiệm vào Tòa tối cao trong 100 năm tiếp theo ước tính sẽ giữ chức trung bình 35 năm - theo Công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman (Mỹ).

Ngọc Mai (theo FiveThirtyEight, Oliver Wyman)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nong-ghe-tham-phan-toa-toi-cao-nuoc-my-520771.html