'Nóng' đồ chơi trẻ em nhập lậu qua biên giới trong dịp Tết Trung thu

Tết Trung thu 2018 cận kề, cũng là thời điểm mà thị trường đồ chơi Trung thu ở nước ta đang trở nên sôi động. Đặc biệt, các mặt hàng là đồ chơi trẻ em rất phong phú về mẫu mã, đa dạng về chủng loại để phục vụ nhu cầu vui chơi của các cháu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các đối tượng buôn lậu, vận chuyển đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đồ chơi bạo lực từ nước ngoài qua biên giới về thị trường trong nước để tiêu thụ.

Mặt hàng kiếm nhựa nhập lậu vận chuyển trên xe ô tô 12A-019.44, do Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn thu giữ ngày 13-9-2018. Ảnh: Đội quản lý thị trường số 2 cung cấp.

Do nhu cầu tiêu thụ đồ chơi tăng cao vào dịp Trung thu, thời gian vừa qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển đồ chơi không rõ nguồn gốc ở các tỉnh biên giới có xu hướng gia tăng. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu đồ chơi trẻ em qua biên giới.

Cụ thể, ngày 13-9, Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 12A-019.44 do ông Triệu Văn Thân, trú tại xã Tràng Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn điều khiển có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Tại thời điểm kiểm tra, xe 12A-019.44 đang vận chuyển hai loại hàng hóa là đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc nhập khẩu.

Tại cơ quan chức năng, lái xe Triệu Văn Thân khai nhận, do nhu cầu tiêu thụ đồ chơi trẻ em trong dịp Tết Trung thu năm 2018 tăng cao, lợi dụng việc chở khách, ông đã mua các mặt hàng đồ chơi trẻ em nói trên tại khu vực Tân Thanh, huyện Văn Lãng để mang về bán kiếm lời.

Trước đó, ngày 28-8, Đội Quản lý thị trường số 4, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội tuần tra số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra xe ô tô chở khách loại 16 chỗ ngồi, biển kiểm soát 29B-183.91 do ông Nguyễn Văn Hải, trú tại thôn Trung, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội điều khiển.

Qua kiểm tra xe ô tô, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 4 loại hàng hóa là đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất. Theo cơ quan chức năng, toàn bộ số đồ chơi trẻ em trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Được biết, trong tháng 8-2018, lực lượng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 241 vụ mua bán, vận chuyển hàng hóa là đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng.

Tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 4 đến 14-8, Đội Kiểm soát Hải quan số 1, Cục Hải quan Quảng Ninh đã liên tục phát hiện, bắt giữ 12 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa là đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất nhập lậu qua biên giới. Theo đó, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 6.500 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại, tổng trị giá hàng vi phạm khoảng 209 triệu đồng.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, thu giữ các mặt hàng là đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực và đồ chơi không nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác nhưng vì lợi nhuận cao, các đối tượng buôn lậu vẫn thách thức với pháp luật vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính. Phần lớn số hàng hóa là đồ chơi trẻ em này đều không đạt chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc hại cho người sử dụng.

Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Trường cho biết: “Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tỉnh cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trọng tâm là lĩnh vực hóa đơn bán hàng, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Triển khai có hiệu quả kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm, đồ chơi cho trẻ em dịp Tết Trung thu năm 2018. Tăng cường các hoạt động quản lý, giám sát việc kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực thương mại điện tử, bán hàng đa cấp. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.

Hàng loạt vụ việc hàng hóa là đồ chơi trẻ em sản xuất từ Trung Quốc nhập lậu qua biên giới mang tính bạo lực rất nguy hiểm bị lực lượng chức năng thu giữ trong thời gian qua cho thấy, các mặt hàng này quản lý không chặt chẽ, có thể nói đang bị thả nổi, đặc biệt là khâu kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa triệt để. Tuy nhiên, vì hám lợi, chế tài xử phạt còn nhẹ, không đủ sức răn đe nên tình trạng buôn lậu hàng hóa là đồ chơi trẻ em vẫn thường xuyên diễn ra gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Đồ chơi bạo lực thực chất là một dạng vũ khí sát thương, nguy hại cho cả trẻ em lẫn người lớn. Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nêu rõ: Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh trật tự, an toàn xã hội (bao gồm các chương trình trò chơi điện tử) thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh. Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân, tổ chức sản xuất có thể bị phạt hành chính từ 500.000 đến 1.000.000 đồng; ngoài ra, có thể bị phạt bổ sung. Cá nhân, tổ chức cho trẻ em chơi những loại đồ chơi nguy hiểm bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nong-do-choi-tre-em-nhap-lau-qua-bien-gioi-trong-dip-tet-trung-thu/