'Nóng' đất đai ở khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc

Bức xúc, mệt mỏi là cảm xúc của hàng trăm hộ dân nằm trong khu quy hoạch Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hiện nay. Sự phát triển quá ồ ạt với hàng chục dự án lớn, nhỏ đã kéo theo nhiều hệ lụy và không chỉ chính quyền địa phương quá tải vì khiếu kiện mà cuộc sống của người dân cũng lao đao suốt nhiều năm nay. Theo thống kê sơ bộ, hiện tỉnh Quảng Nam có hơn 300 dự án khai thác quỹ đất, với hàng ngàn héc-ta. Điều đáng nói là các dự án này đều nằm trên đất nông nghiệp, giá đền bù rẻ mạt khiến nông dân mất đất, mất luôn việc làm. Trong đó, khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc là một trong những điểm nóng về đất đai. Là địa phương tiếp giáp với TP Đà Nẵng nên khi giá đất TP tăng thì giá đất ở đây cũng tăng theo.

Thu hồi đất lúa, đền bù rẻ mạt trong khi bán đất nền với giá cao ngất ngưởng khiến người dân bức xúc.

Thu hồi đất lúa, đền bù rẻ mạt trong khi bán đất nền với giá cao ngất ngưởng khiến người dân bức xúc.

Theo tìm hiểu, có rất đông người dân Điện Ngọc phản ánh sự bức xúc về sự chênh lệch quá lớn giữa giá tiền được nhận bồi thường đất đai do giải tỏa so với giá đất nền của nhà đầu tư, nhất là từ đầu năm đến nay thị trường bất động sản tại Điện Nam– Điện Ngọc khá sôi động. Ông Đặng Văn Tám (trú P.Điện Ngọc) cho biết, gia đình ông trước kia có gần 7 sào ruộng nhưng số tiền đền bù rất thấp. “Đất ruộng xưa nay vẫn cho là không có giá trị gì nhưng đối với nông dân chúng tôi là miếng cơm manh áo. Thu hồi đất ruộng cũng có nghĩa là thu hồi sinh kế của nông dân, như tôi già rồi biết đi làm gì khác ngoài làm ruộng. Dự án đền bù 100 nghìn đồng/ m2 đất ruộng nhưng nay giá đất ở lên đến 20 triệu đồng/ m2. Cả 7 sào ruộng của chúng tôi bán đi không mua nổi 1 nền nhà”, ông Tám bức xúc. Còn bà Trương Thị Thủy (trú ngã tư Điện Ngọc) cho biết gia đình có 420m2 đất sản xuất lúa gần nhà đã được chủ đầu tư và chính quyền địa phương đền bù khi thu hồi, cả tiền hỗ trợ thất nghiệp, tiền hỗ trợ nhân khẩu là gần 140 triệu đồng. “Từ khi bị thu hồi đất cho đến nay tôi mở quán bán nước cho công nhân. Nghe đâu khu đất ruộng nhà tôi bây giờ có giá cả tỷ đồng. Mình từ chỗ có đất đai rộng rãi bây giờ lại phải chen chúc trong căn nhà chật, tiền mua đất mới thì không đủ, không biết con cháu sau này sống như thế nào đây”, bà Thủy than vãn.

Không chỉ dừng lại việc mất đất sản xuất, lao động lớn tuổi không có việc làm mà rất nhiều hộ dân P.Điện Ngọc, Điện Nam thuộc diện di dời còn không nhận được sổ đỏ ở nơi ở mới. Theo ông Đặng Công Tâm (P.Điện Ngọc), năm 2014 gia đình ông được bố trí 2 lô đất tái định cư nhường chỗ xây dựng khu đô thị An Phú Quý. Đã 4 năm qua ông vẫn chưa nhận được sổ đỏ, gia đình nhiều lần có đơn gửi UBND thị xã Điện Bàn yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vừa qua một hộ dân tại P. Điện Ngọc vì quá bức xúc đã rào chắn lối vào dự án Khu đô thị số 7B (Khu 7B) thuộc quy hoạch Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc vì không nhận được sổ đỏ...

Bức xúc vì không có sổ đỏ, một hộ dân đã rào chắn lối đi vào khu đô thị số 7B khiến tình hình ANTT địa phương bị ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Đạt–Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, quy hoạch khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc do Chính phủ phê duyệt với 79 dự án. Hiện nay có 2 dự án hoàn thành, 7 dự án cơ bản hoàn thành và đang chờ thẩm định nghiệm thu. Các dự án khác đang được triển khai thi công; trong đó, có 40 dự án tỉnh yêu cầu dừng lại để điều chỉnh, soát xét lại việc khớp nối giao thông hạ tầng, bố trí diện tích đất công cộng. Theo ông Đạt, vấn đề quy hoạch, phát triển địa phương giáp ranh như Điện Nam – Điện Ngọc là hợp lý, cần thiết, tuy nhiên kéo theo đó là những hệ lụy từ sự phát triển đô thị nhanh chóng, nhiều vấn đề phát sinh vượt ngoài tầm kiểm soát của địa phương.

Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, ông Phan Việt Cường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, việc bà con cử tri bức xúc về giá bồi thường đất đai là chính đáng, bởi cách làm dự án thời gian qua của nhiều chủ đầu tư chưa có sự công khai, minh bạch. “Đây là bài học lớn cho người làm công tác quy hoạch bởi không thể chỉ chăm chăm vào phân lô bán nền mà còn phải tiến hành việc ổn định đời sống người dân. Nhận thấy được bất cập đó, từ tháng 3-2018 UBND tỉnh đã yêu cầu dừng các dự án, rà soát toàn bộ nên người dân yên tâm không còn tình trạng phân lô bán nền ồ ạt nữa. Bên cạnh đó HĐND tỉnh cũng sẽ đề xuất có những cuộc thanh tra minh bạch, cụ thể, ai làm sai ở đâu, khâu nào sẽ phải xử lý kịp thời đặt lợi ích an sinh lên hàng đầu”, ông Cường khẳng định. Ông Phan Việt Cường cho biết thêm khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc là khu đô thị động lực kết nối với TP Đà Nẵng, vì vậy trong những năm tiếp theo sẽ có rất nhiều thay đổi, nhiều dự án ra đời, rất mong người dân tin và ủng hộ cho sự phát triển của địa phương. UBND thị xã Điện Bàn, cũng như P. Điện Ngọc cần rà soát quy hoạch, công khai rõ cho nhân dân, làm đúng quy hoạch, không bóp méo quy hoạch vì lợi ích nhóm; đặc biệt, phải hết sức ưu tiên bố trí đất mở đường xuống biển cho nhân dân không để tình trạng bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Đồng Dao

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_199051_-nong-dat-dai-o-khu-do-thi-dien-nam-dien-ngoc.aspx