Nông dân 'vương quốc tỏi' lo lắng xuống giống vụ tỏi đông xuân

Những ngày này nông dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang bắt tay vào xuống giống sản xuất vụ tỏi đông xuân 2018-2019. Vụ tỏi là mùa vụ quan trọng nhất trong năm của nông dân đảo tỏi. Tuy nhiên, tâm trạng của cư dân đảo tỏi vẫn đầy lo lắng. Anh Phạm Như Lành (ở xã An Hải) bắt tay xuống giống 6 sào tỏi. Để sản xuất mùa vụ này anh phải đầu tư trên 80 triệu đồng. Ngoài lo lắng về thời tiết khắc nghiệt anh Lành còn đau đáu đầu ra cây tỏi ở niên vụ này. “Vụ này người dân chúng tôi rất lo lắng cho đầu ra, nếu qua năm, giá tỏi như năm nay thì người dân rất là khó khăn” - anh Lành nói.

Vụ tỏi này toàn H. Lý Sơn xuống giống hơn 320ha diện tích. Trung bình mỗi sào phải đầu tư khoảng 12-14 triệu đồng cho chi phí giống, cát trắng, phân bón... Chi phí đầu tư cao, tuy nhiên thời gian qua tỏi Lý Sơn rớt giá thê thảm, có lúc chỉ còn 35 ngàn đồng/kg, thấp hơn 100 ngàn đồng/kg so với năm trước, dẫn đến thu không đủ chi.

Thêm vào đó, hiện nay trên đảo vẫn còn tồn đọng 280 tấn tỏi trong dân. Để giải quyết vấn đề này, Huyện đoàn Lý Sơn đã phát động đợt cao điểm thu mua hỗ trợ tỏi cho nông dân với giá 55 ngàn đồng/kg, nhưng cũng chỉ mua được 35 tấn, đơn vị này cũng vô cùng chật vật khi cả tháng trời chỉ tiêu thụ ra thị trường 20 tấn tỏi - đó là nhờ sự chung tay của đoàn thanh niên trong cả nước.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn đọng tỏi Lý Sơn là tình trạng xâm phạm thương hiệu diễn ra ở quy mô toàn thị trường. Ông Phạm Tùng, một nông dân ở xã An Vĩnh bày tỏ: “Vụ tỏi này Nhà nước làm sao cấm tuyệt đối không cho tỏi đất liền đem về trà trộn với tỏi Lý Sơn, nếu không tỏi Lý Sơn sẽ mất giá trị, nông dân chúng tôi làm không có lãi”.

Để bảo vệ thương hiệu tỏi, ngoài việc tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện vận tải tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngành Bưu điện không nhận chuyển, gửi các mặt hàng tỏi từ nơi khác về đảo thì huyện cũng phối hợp với Sở Công Thương làm chỉ dẫn địa lý cho cây tỏi, khi có chỉ dẫn địa lý thì việc truy xuất nguồn gốc và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu đối với cây tỏi sẽ chặt chẽ hơn. Huyện cũng yêu cầu Hội Kinh doanh sản xuất Chế biến hành tỏi Lý Sơn thường xuyên đánh giá việc kinh doanh, nếu hộ nào có hành vi lén lút chở tỏi nơi khác về tiêu thụ dưới nhãn mác tỏi Lý Sơn thì có biện pháp xử lý.

“Huyện cũng mở các quầy bán tỏi tại các điểm du lịch để phục vụ du khách. Đối với hộ gia đình nào chở tỏi từ nơi khác về đảo kinh doanh dưới nhãn mác tỏi Lý Sơn thì chúng tôi sẽ bắt lập biên bản và thông báo trên thông tin đại chúng để cho tất cả người dân và du khách biết những người có hành vi chở tỏi từ nơi khác về đảo để người tiêu dùng tẩy chay và có ý kiến giám sát trong việc người dân lợi dụng trà trộn với tỏi nơi khác. Quản lý chặt chẽ vấn đề này thì bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn mới bền vững được. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND H. Lý Sơn nhấn mạnh.

Toàn H. Lý Sơn có gần 4.000 hộ nông dân sản xuất nông nghiệp với hơn 326ha đất sản xuất hành tỏi, mỗi năm thu hoạch hơn 2.000 tấn tỏi. Thế nhưng tỏi Lý Sơn dần mất đi niềm tin với người tiêu dùng, những người trực tiếp làm nên cây tỏi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc hưởng lợi từ thương hiệu. Vì vậy, Lý Sơn cần có giải pháp căn cơ hơn để lấy lại niềm tin người tiêu dùng, và nâng tầm thương hiệu tỏi, chứ không đơn thuần là tuyên truyền, vận động rồi đến lúc nhờ sự giải cứu của cộng đồng như thời gian qua.

QUỲNH NHƯ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_198670_nong-dan-vuong-quoc-toi-lo-lang-xuong-giong-vu-toi-dong-xuan.aspx