Nông dân Trung Quốc trắng tay vì phong thành

Đường sá bị phong tỏa vì Covid-19 khiến nông dân Trung Quốc không thể bán được nông sản đi các tỉnh thành khác, trong khi lao động nghèo mất việc vì không thể ra khỏi nhà.

Ông Jiang Junsheng đã nghiền nhỏ một tấn tỏi thành phân bón cho cây trồng. Nhưng ông vẫn còn 5 tấn khoai lang, cải bắp và các loại rau khác không bán được đang chờ xử lý ở trang trại của ông tại miền Trung Trung Quốc.

Ông Jiang cố gắng hạ giá thành hoa màu xuống chỉ còn một nửa cho hàng loại 1, nhưng không ai hứng thú vì từ tháng trước, hệ thống giao thông đã bị đình trệ cho dịch Covid-19 lây lan ở Trung Quốc.

Người dân chật vật cứu nông sản

"Mọi năm, tôi thu được 40.000 nhân dân tệ (5.720 USD) từ hoa màu trong ba tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Năm nay, tôi gần như không thu được đồng nào", người nông dân 39 tuổi nói với South China Morning Post từ cánh đồng của mình gần thị xã Nhữ Châu, thuộc tỉnh Hà Nam.

Ông Jiang sử dụng nguồn rác thải hữu cơ từ hoa màu để trồng trọt và phải phụ thuộc nhiều vào bên vận chuyển để đưa sản phẩm ra thị trường ở các thành phố xa xôi, khó tính bậc nhất như Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 khiến ông không thể duy trì kinh doanh như trước.

 Nông dân thu hoạch trên cánh đồng trồng rau ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm 5/2. Ảnh: Xinhua.

Nông dân thu hoạch trên cánh đồng trồng rau ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm 5/2. Ảnh: Xinhua.

"Trong vài tuần qua, mạng lưới giao thông nối liền hầu hết tỉnh thành ở Trung Quốc đã bị đình trệ. Người dân và phương tiện thậm chí còn không thể đi từ làng này tới làng khác", ông Jiang nói.

Một số tuyến đường đã được mở trở lại và nhiều công ty dịch vụ vận chuyển bắt đầu hoạt động kể từ tuần này, nhưng chưa là gì so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Jiang cho biết thêm.

Công ty tư vấn BRIC Agri-Info Group có trụ sở tại Bắc Kinh ước tính rằng trên khắp Trung Quốc đại lục, hơn 3 triệu tấn nông sản, chủ yếu là rau củ dễ hỏng, đã phải để không do hệ thống vận chuyển bị ngưng trệ.

Nông dân cũng phải chật vật để bán sản phẩm và tìm đủ nhân công để duy trì hoạt động.

Ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề

Theo các nhà chức trách và giới quan sát, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng này.

Tại quận Pingyang thuộc tỉnh miền đông Chiết Giang, Xie Chuanzao cho biết ông đã mất hàng trăm nghìn nhân dân tệ vì không bán được gà. Ông Xie có hơn 20.000 gia cầm trong trang trại và phải tiếp tục chi tiền nuôi chúng cho đến khi tìm được người mua.

"Một tháng qua, một nửa đàn gà đã đạt đủ trọng lượng giết mổ nhưng tôi phải tiếp tục cho chúng ăn ở trang trại. Tôi không thể làm gì khác vì đường sá đã đóng cửa", ông nói và cho biết thêm ông chỉ mới bán được số lượng ít gà trong chuồng vài ngày trước khi một số tuyến đường dần được mở trở lại.

Một trang trại gà ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Để bù lỗ, ông Xie đã tăng giá bán. Trước Tết Nguyên đán, ông bán gà với giá 20 nhân dân tệ/kg, giờ là 26-30 nhân dân tệ/kg.

Thời gian qua, nông dân này cũng phải trả lương cao hơn cho công nhân. Ông phải thuê người làm ở địa phương ông sinh sống vì lệnh phong tỏa khiến người ở tỉnh khác không thể rời khỏi nhà.

Tất cả yếu tố nói trên khiến ngành chăn nuôi gia cầm chịu thiệt hại nặng nề hơn, theo đánh giá từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc.

Chỉ riêng ở An Huy, một trong năm tỉnh chăn nuôi gia cầm hàng đầu của Trung Quốc, chính quyền cho biết ngành này đã mất khoảng 900 triệu nhân dân tệ kể từ khi dịch bệnh xuất hiện.

"Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường gia cầm sống đã bị đóng cửa và việc vận chuyển, chăn nuôi gia cầm bị gián đoạn", Yang Zhenhai, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, nói với South China Morning Post.

Ngoài ra, các cửa hàng bán thịt đã ngừng hoạt động, lượng tiêu thụ thịt gia cầm cũng giảm. Toàn bộ ngành chăn nuôi gia cầm đang phải chịu lỗ lớn.

Lao động nghèo mất việc

Dịch Covid-19 là "đòn giáng" mạnh mẽ lên các vùng nông thôn Trung Quốc, nơi thu nhập của người dân chỉ bằng 40% mức trung bình của dân cư thành thị.

Peng Aihua, người dân ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, cho biết gần đây ba chủ trang trại đã yêu cầu cô thuê hơn 60 công nhân, nhưng cho đến nay cô chỉ tìm được một nửa số đó.

Huyện Tường An, tỉnh Phúc Kiến là một trong bốn trung tâm trồng cà rốt chính của Trung Quốc. Thông thường, các cánh đồng ở đây cần rất nhiều công nhân thu hoạch.

Đường sá bị phong tỏa giữa các tỉnh thành khiến người dân không thể ra khỏi địa phương. Ảnh: AP.

Người lao động từ châu Lương Sơn của Tứ Xuyên, một trong những khu vực nghèo đói nhất của Trung Quốc, sẽ đến để làm công việc này. Tuy nhiên, năm nay họ không thể đến được và 3/4 số cà rốt vẫn nằm dưới mặt đất.

"Họ bị mắc kẹt ở nhà vì dịch bệnh. Họ phải nộp đơn xin giấy phép thông hành đặc cách để sang đây, nhưng họ không biết làm thế nào vì hầu hết không biết chữ", cô Peng nói.

Cô cho biết một số cư dân địa phương sẵn sàng nhận việc, yêu cầu mức lương cao hơn nhiều so với những gì chủ trang trại có thể chi trả trong bối cảnh làm ăn thất bát như bây giờ.

"Đây là tình trạng đôi bên cùng thiệt. Người Lương Sơn mất nguồn thu nhập quan trọng còn các trang trại ở đây có nguy cơ không thuê đủ nhân công thu hoạch, khiến cà rốt bị thối rữa", cô Peng cho biết thêm.

Giáo sư Zheng Fengtian, thuộc Trường Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cảnh báo rằng lao động nhập cư có thể phải chịu ảnh hưởng lâu dài hơn vì dịch Covid-19.

"Nhiều người trong số họ làm việc trong ngành dịch vụ ở thành thị, như tiệm làm tóc hay nhà hàng, và các cơ sở này vẫn chưa thể hoạt động trở lại", ông Zheng nói.

Hàng loạt cửa hàng ở tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc, đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tình trạng phong tỏa khắp Trung Quốc khiến những người lao động này mất ít nhất vài tuần lương, thậm chí mất luôn công việc đó, vì chủ của họ đang chật vật giải quyết vấn đề tài chính.

"Đối với họ, một tháng lương ở thành phố có thể bằng thu nhập từ làm nông ở quê trong cả năm. Vì vậy, khi đề cập đến hậu quả của dịch bệnh, thu nhập của nông dân nên là mối quan tâm lớn hơn so với sản xuất nông nghiệp nói chung", ông Zheng nhận định.

Li Guoxiang, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết vẫn còn thời gian để cứu vãn tình trạng hiện nay, vì vụ mùa thường bắt đầu vào tháng 3.

Để làm được điều đó, chính quyền trung ương đã yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường chuẩn bị cho vụ xuân và để đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa diễn ra thông suốt giữa các tỉnh thành.

Nông dân rải thức ăn cho 1.000 con gà để tạo dòng chữ cổ vũ Trung Quốc Người nông dân Shang Yukang rải thức ăn cho 1.000 con gà, tạo thành dòng chữ "cố lên Trung Quốc" nhằm cổ vũ tinh thần mọi người giữa lúc dịch bệnh do virus corona gây ra.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nong-dan-trung-quoc-trang-tay-vi-phong-thanh-post1054161.html