Nông dân trồng mía khốn đốn vì lũ và triều cường

QĐND Online - Hiện nay, lũ kết hợp với triều cường đang lên ở mức cao, gây thiệt hại nặng cho các diện tích cây công nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có hàng chục nghìn héc-ta mía đang tới thời kỳ thu hoạch.

QĐND Online - Hiện nay, lũ kết hợp với triều cường đang lên ở mức cao, gây thiệt hại nặng cho các diện tích cây công nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có hàng chục nghìn héc-ta mía đang tới thời kỳ thu hoạch.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), vụ mía năm 2011, toàn huyện đạt trên 8.813 héc ta. Bà con đã thu hoạch được 50% diện tích với giá bán chỉ khoảng 800 đồng/kg. Diện tích còn lại do ảnh hưởng của lũ kết hợp với triều cường tăng cao trong những ngày qua đã làm ngập 95% diện tích, với độ sâu từ 30-60 cm. Trong khoảng 10 ngày tới, nếu không được thương lái thu mua, hơn 652 héc ta mía (xã Phương Bình 122 ha, xã Hòa Mỹ 227 héc ta, xã Hòa An 118 héc ta…) có có nguy cơ chết ngập. Vì lý do này, bà con đang khẩn trương thu hoạch mía để chạy lũ. Tuy nhiên, chỉ những hộ có diện tích mía lớn, tuổi mía đến giai đoạn thu hoạch mới được tư thương tới thu mua, còn những hộ có diện tích ít hoặc mía non có chất lượng thấp hoặc ngập sâu thì bị “bỏ lại”.

Người dân huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) thu hoạch mía chạy lũ

Ông Nguyễn Văn Phước Em, ngụ ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết:

- Gia đình chúng tôi đang thu hoạch gấp 1 héc-ta mía bán với mong muốn thu hồi vốn, nếu không sẽ mất trắng. Cây mía khác với hoa màu, cây lúa, vì từ thời gian trồng đến khi thu hoạch là 1 năm, nếu bị mất trắng, sẽ không có vốn trồng lại vụ tiếp theo, đời sống gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hậu Giang là một trong những địa phương có diện tích mía lớn nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 13.500 héc ta. Theo thống kê của tỉnh, địa phương hiện có trên 8.000 héc-ta mía bị ngập sâu cần thu hoạch gấp. Ở Sóc Trăng, người dân trồng mía cũng tìm cách thu hoạch 2.000 héc-ta mía để chạy lũ. Tuy nhiên, một số địa phương do không kịp thu hoạch, các cánh đồng mía đã bị ngập sâu trong nước lũ như: huyện Mỹ Tú với 2.400 héc-ta, huyện Cù Lao Dung với trên 2.000 héc-ta.

Doanh nghiệp nói gì

Ông Nguyễn Văn Chính, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường cồn Long Mỹ Phát, cho biết:

- Diện tích mía mà công ty thu mua là toàn bộ là vùng mía thấp, mía lũ và nằm trong báo động đỏ. Công suất của nhà máy hiện chỉ có 2.000 tấn/1 ngày, 1 tháng giải quyết được 60.000 tấn mía. Trong thời gian qua, công ty chạy được 1 tháng trọn vẹn được khoảng 50.000 tấn. So với diện tích được giao (2.800 héc ta), thì công ty phải nỗ lực thêm 2 hoặc 3 tháng nữa thì mới giải quyết được. Vì vậy, rất cần các công ty bạn chia sẻ thu mua mía lũ và cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chính quyền địa phương.

Ông Cổ Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công Ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, nhận định: Đến nay, công ty chỉ ép được 45.000 tấn mía do gặp khó khăn về kỹ thuật, trong đó, mía ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) là 40.000 tấn, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) là 5.000 tấn. Đến ngày 15-11 tới, ở huyện Phụng Hiệp, công ty cũng chỉ đảm nhận thêm 35.000 tấn, huyện Mỹ Tú là 15.000 tấn.

Theo ông Lê Văn Hiệu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Tây Nam ( công ty nằm trên địa bàn tỉnh Cà Mau), tổng công suất 2 nhà máy của công ty là 2.000 tấn/1 ngày, nếu như tỉnh Hậu Giang có yêu cầu, công ty sẽ hỗ trợ 50%-60% công suất (trước đó công ty tiêu thụ mía chủ yếu ở tỉnh Cầu Mau và Kiên Giang). Theo đó, 1 ngày công ty có thể tiêu thụ từ 1.000 đến 1.200 tấn mía của tỉnh Hậu Giang cho đến hết ngày 30-11. Tuy nhiên, công ty cũng gặp một số khó khăn như thiếu phương tiện chuyên chở và chất lượng mía thấp.

Từ đầu mùa lũ đến nay, nhu cầu tiêu thụ mía của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao. Người dân đã phải chịu thiệt hại vì mía thu hoạch bị các thương lái ép giá, chưa kể đến những hộ dân có diện tích mía ngập sâu chưa bán được, giá nhân công thu hoạch tăng. Nếu tình trạng này kéo dài, người dân trồng mía sẽ gặp rất nhiều khó khăn, khả năng vụ mía sau sẽ bị thiếu hụt về nguồn vốn và giống. Rất mong các nhà máy đường, chính quyền địa phương có những giải pháp đồng bộ giúp nông dân tiêu thụ diện tích mía còn lại trong những ngày tới và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng nặng, giúp người dân có thể tái sản xuất mía ở vụ sau.

Bài và ảnh: VĂN XÂY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/165585/Default.aspx