Nông dân trồng gừng ở Ninh Thuận vất vả truy tìm đối tác

Đã nhiều tháng qua, hàng chục hộ nông dân ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) liên tục gọi điện thoại cho Ban Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam (số 27 Phan Đăng Lưu, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc) để yêu cầu công ty này thực hiện các điều khoản cam kết trong hợp đồng với nông dân. Tuy nhiên, phía công ty không trả lời điện thoại. Nhiều hộ đang đối diện với nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng khi đối tác im lặng.

Nhiều hộ nông dân đang thấp thỏm vì gừng sắp thu hoạch mà không liên lạc được với đối tác.

Anh Lại Trung Thành, ở thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn đưa chúng tôi ra khu vườn phía sau nhà đang trồng 10 nghìn bao gừng trong bao ni-lon mà gia đình anh và Công ty CP Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam đã ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu giá khi thu hoạch. Cả diện tích trồng gừng xanh tốt, chỉ hơn một tháng nữa là thu hoạch; nhiều bao gừng đã đậu củ to. Anh than vãn: “ Hợp đồng đã ký kết với nhiều điều khoản mà nông dân sẽ có lãi sau mùa vụ, nhưng hơn ba tháng qua, tôi và nhiều hộ khác không liên lạc được với đối tác, nên rất lo lắng. Nếu công ty không thu mua, chúng tôi biết lấy đâu ra khoản tiền để trả nợ vay ngân hàng”.

Anh Lại Trung Thành lo lắng vì vườn gừng đang tươi tốt nhưng không biết bán sản phẩm thế nào khi đối tác đã bặt vô âm tín.

Được biết, đầu năm 2017, Công ty CP Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam cùng phối hợp chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân các xã Lương Sơn, thị trấn Tân Sơn tham gia trồng gừng, phía công ty cam kết cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá cao và được nhiều hộ gia đình đồng thuận. Theo đó, cuối tháng 3-2017, hơn chục hộ nông dân ở huyện Ninh Sơn đã ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu gừng với công ty này. Hộ anh Lại Trung Thành ký hợp đồng trồng 10 nghìn bao gừng, đơn giá gừng giống là 6.500 đồng/bao, cộng các khoản chi phí khác do công ty cung cấp hết mùa vụ sản xuất, như: phân vi sinh, phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, công kỹ thuật, bao ni-lon, tổng số tiền đầu tư sản xuất là 218 triệu đồng. Phương thức thanh toán là, sau khi ký hợp đồng, anh Thành chi trả cho công ty 50% (109 triệu đồng) trên tổng giá trị đầu tư, trong đó, có 20 triệu đồng là tiền đặt cọc mua 10 nghìn bao gừng giống. Số tiền còn lại, nông dân sẽ thanh toán sau khi thu hoạch mùa vụ.

Phía Công ty CP Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam cam kết, sẽ không phân loại và bao tiêu toàn bộ sản lượng gừng tươi thành phẩm của nông dân với giá 18 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi bao gừng sẽ cho tối thiểu là 2,5 kg gừng tươi thành phẩm/vụ. Nếu sản lượng vượt hơn, công ty sẽ bao tiêu hết và nếu hộ nào trồng không đạt sản lượng, thì công ty sẽ bù cho đủ sản lượng tối thiểu là 25 tấn gừng tươi thành phẩm/10 nghìn bao gừng trồng để nông dân an tâm sản xuất. Khi hộ nào gặp sự cố thiệt hại trong ba tháng trồng, công ty sẽ cung cấp thêm giống, phân bón và nông dân không phải tốn chi phí phát sinh. Nếu gặp rủi ro do thiên tai hay các sự cố bất khả kháng, diện tích trồng gừng bị thiệt hại hoàn toàn, thì nông dân sẽ được hỗ trợ 50% vốn đầu tư của mình.

Với hình thức cam kết đó, hàng chục hộ nông dân như biết trước số tiền lãi sẽ cầm chắc trong tay là 232 triệu đồng khi trồng 10 nghìn bao gừng, nên đã an tâm ký hợp đồng với Công ty CP Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam, trồng gần 200 nghìn bao rừng. Giờ, họ đang đứng trước nguy cơ trắng tay.

Gia đình chị Mai Thi Huệ ở thôn Tân Lập 2 đã vay ngân hàng hơn trăm triệu đồng để trồng 10 nghìn bao gừng theo hợp đồng với công ty, giờ nghe tin nhiều người khác không liên lạc được với đối tác, chị thử đi tìm mối để bán ra thị trường khi thu hoạch vào tháng 12 này lại “đắng” lòng hơn khi nhiều tư thương chỉ chấp nhận mua với giá từ bảy đến tám nghìn đồng/kg gừng loại 1. Chị Huệ nói: “Tôi không xem ti-vi, khi hay tin đã hỏi nhiều người thì được biết nông dân ở các tỉnh Đác Lắc, Bình Định… cũng cùng cảnh ngộ như chúng tôi, giờ không biết phải làm sao”.

Nông dân Vũ Văn Thu cho hay, bà con xuống giống vào đầu tháng 5-2017. Sau bốn tháng trồng thì đến đợt bón phân lần hai và tập trung kỹ thuật chăm sóc để gừng tạo củ, chúng tôi có liên hệ với Giám đốc Chi nhánh tại huyện Ninh Sơn để nhận phân bón đợt hai và đề nghị cử cán bộ kỹ thuật đến vườn trồng để hỗ trợ nông dân, thì đại diện chi nhánh nói là lãnh đạo công ty có chỉ đạo người dân tự bỏ vốn chăm sóc và đợi đến khi thu hoạch, công ty thu mua sản phẩm sẽ trả lại. Tính đến nay, tôi vay thêm ngân hàng để chi chí gần 200 triệu đồng. Nếu công ty bỏ chạy, tui không biết xoay xở sao đây”.

Đến vườn trồng 20 nghìn bao gừng của hộ anh Huỳnh Văn Thạnh đang bị vàng lá và cây chết gần hết, anh Thạnh buồn bã nói: “ Bây giờ cỏ dại tốt hơn gừng, một số bao sống sót đang tạo củ thì cũng bị hư hại. Cả vườn như bị bệnh đốm trắng bao vây, tôi mất hơn 500 triệu đồng, giờ trắng tay rồi”.

Tại thị trấn Tân Sơn, các hộ Nguyễn Thị Lê Thúy, Nguyễn Thị Linh… trồng hơn 20 nghìn bao gừng cũng đang thấp thỏm vì hơn 70% diện tích trồng đã bị hư hại mà không rõ nguyên nhân. Bà Linh than thở: “Khi xuống giống được một tháng thì phát hiện cây sinh trưởng không tốt nên đã vội vàng liên lạc với công ty để hỗ trợ. Ban đầu, cán bộ kỹ thuật về khảo sát nhưng không biết cây mắc bệnh gì. Sau đó thì bỏ đi luôn. Tui đầu tư 400 triệu đồng, giờ cầm chắc thua lỗ hết rồi”.

Chúng tôi đã liên lạc với số điện thoại di động 091.8411999 và trao đổi với ông Dương Thế Thanh, là Giám đốc Chi nhánh của Công ty CP Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam tại Ninh Thuận, ông Thanh cho biết, ông đã nộp đơn xin nghỉ việc cả tháng nay mà chưa thấy công ty liên lạc lại. Ông cũng đã gọi điện thoại nhiều lần cho ông Lê Văn Lưỡng là Tổng Giám đốc Công ty để báo cáo việc này, đồng thời đề nghị trả tiền lương hằng tháng cho ông và ba cán bộ kỹ thuật của chi nhánh, nhưng ông Lưỡng không nghe máy.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, Hồ Thanh Sơn cho biết, bà con sản xuất theo hình thức tự phát, liên kết với công ty không báo cáo qua chính quyền địa phương hay tổ chức hội nên rất khó khăn trong quản lý và hỗ trợ người dân sản xuất. Qua phản ánh của người dân, ngành chức năng sẽ nắm tình hình và có hướng xử lý.

Hiện, người dân trồng gừng ở huyện Ninh Sơn đang gặp rất nhiều khó khăn, thiết nghĩ UBND tỉnh Ninh Thuận sớm chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc để làm rõ vấn đề và tìm hướng giải quyết cho nông dân đang trong tình cảnh “đắng” vì gừng.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/34849802-nong-dan-trong-gung-o-ninh-thuan-vat-va-truy-tim-doi-tac.html