Nông dân Tịnh Biên với tư duy làm ăn mới

Những năm qua, nông dân huyện miền núi Tịnh Biên đã tích cực chuyển đổi sản xuất, thực hiện những mô hình mới, cách làm hay trên cơ sở tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong, ngoài tỉnh.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tịnh Biên Trình Quốc Toàn cho biết: “Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã triển khai một số mô hình tiêu biểu, như: “Cánh đồng lớn” ở Tân Lập, Núi Voi, An Hảo; mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm nước; sử dụng phân hữu cơ từ mô hình chăn nuôi gia súc trên đệm lót sinh học… Tất cả đã tạo nên tiền đề thuận lợi để thay đổi nhận thức của nông dân, giúp bà con tự tin hơn khi tiếp cận với những mô hình, cách làm ăn mới”.

Nông dân Tịnh Biên phát triển những sản phẩm nông nghiệp đặc thù

Dù tình hình sản xuất nông nghiệp những năm qua không thật sự thuận lợi bởi giá cả nông sản bấp bênh, chi phí sản xuất tăng nhưng với sự hỗ trợ của các cấp hội, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp bằng cách hỗ trợ vốn, giảm lãi suất cho vay đã giúp nông dân dần vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế. Hiện nay, nông dân Tịnh Biên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương, các dịch vụ nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.

Những thành tựu đó được khẳng định qua số lượng nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi của huyện đã tăng lên so với trước. Giai đoạn 2016-2019, Tịnh Biên có hơn 15.290 cá nhân và 42 tập thể đạt danh hiệu SXKD giỏi. Ngày càng có nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tâm học hỏi và mạnh dạn đầu tư để thực hiện những mô hình mới. Điển hình như ông Phạm Huy Cường (xã An Hảo) trồng hoa và dâu tây trên núi Cấm đạt tổng doanh thu hơn 400 triệu đồng/năm; mô hình trồng khoai mì công nghiệp trên cơ sở liên kết với Tập đoàn Sao Mai; mô hình trồng nấm rơm trên chất liệu bông vải có bao tiêu nguyên liệu và đầu ra sản phẩm với doanh thu đạt 1 tỷ đồng/năm của ông Trịnh Quốc Tuấn (thị trấn Tịnh Biên)…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Hùng Cường nhận định: “Phong trào thi đua SXKD giỏi của nông dân huyện Tịnh Biên đã góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực tự cường cùng tinh thần sáng tạo vươn lên để làm giàu của nông dân vùng Bảy Núi. Trong đó phát triển kinh tế tập thể cũng đã có bước tiến mới tại Tịnh Biên, với 62 tổ hợp tác và 6 hợp tác xã đang hoạt động trên toàn huyện. Đây là tín hiệu khả quan, khẳng định sự dịch chuyển tư duy của người nông dân để bắt kịp với xu thế làm ăn thời hội nhập”.

Tuy nhiên, những bất lợi về mặt thời tiết, giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cộng với giá cả nông sản không ổn định vẫn tiếp tục là rào cản cho nỗ lực vươn lên của nông dân. Ngoài ra, diện tích sản xuất của nông dân thường nhỏ và manh mún cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất. Đặc biệt, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến các mô hình sản xuất theo hướng bao tiêu sản phẩm chưa mang tính bền vững.

“Trước những khó khăn đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của hội viên, nông dân và các chi, tổ hội nghề nghiệp trên toàn huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của nông dân nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của nông sản địa phương trên thị trường. Từ đó, giúp nông dân Tịnh Biên phát huy nội lực để phát triển kinh tế, thi đua làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” - ông Trình Quốc Toàn khẳng định.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/nong-dan-tinh-bien-voi-tu-duy-lam-an-moi-a254753.html