Nông dân thị trấn Trới ứng dụng KHCN vào sản xuất

Ổi lê sau thu hoạch có thể bảo quản trong 2 tháng mà không sử dụng hóa chất để ngâm tẩm. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và bảo quản, cũng như đảm bảo quy trình trồng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Vietgap, sản phẩm ổi lê của HTX Tứ Đại, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh năm 2018. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Với 2ha trồng ổi, anh Đỗ Minh Hải, HTX Tứ Đại, khu 4, thị trấn Trới, hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc cây. Đỗ tương, cá biển loại nhỏ được mua về, ngâm vào bể tự xây có dung tích lớn, sau đó cho men vi sinh vào để giúp phân hủy, làm mục phần bã. Phần nước được tạo thành sau quá trình ngâm ủ sẽ được đưa vào hệ thống tưới tiêu tự động để bón cho cây.

Anh Hải cho biết: Khoảng 2-3 tháng nữa, gia đình sẽ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để nguồn nước, nguồn dinh dưỡng được tự động tưới đến từng gốc cây, theo đó cây thường xuyên được cung cấp dinh dưỡng mà không bị ngắt quãng, cũng không sợ úng ngập.

Không những thế, để đảm bảo ổi sau khi thu hoạch có thể giữ được lâu, HTX Tứ Đại còn sử dụng dung dịch chiết xuất từ rong biển và vỏ tôm, được nhập khẩu từ Canada để ngâm quả. Đây hoàn toàn là dung dịch được cấp phép của Bộ Y tế dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, dung dịch này có giá thành khá cao nên yêu cầu đầu vào của sản phẩm cũng phải rất nghiêm ngặt. Ổi ngay sau khi ra hoa được bọc lưới quanh cây và bọc nilon vào từng quả để không bị các loại côn trùng châm chích cũng như giữ được màu sắc, độ chắc, ngọt. Sau khi thu hoạch, ổi được rửa sạch, nhúng qua dung dịch để chống các loại sâu bệnh.

Trang trại gà của ông Nguyễn Văn Khu, khu 9, thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ).

Trang trại gà của ông Nguyễn Văn Khu, khu 9, thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ).

Không chỉ đưa khoa học công nghệ vào trồng trọt, thị trấn Trới còn ứng dụng lĩnh vực này trong chăn nuôi. Trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Nguyễn Văn Khu, khu 9, thị trấn Trới, mỗi năm nuôi 2 vạn con gà ta, xuất bán chủ yếu cho các nhà hàng trên địa bàn TP Hạ Long và các vùng lân cận. Ông Khu cho biết: Gà giống được nhập từ các trang trại lớn. Mỗi năm họ đều cử kỹ thuật viên về tận trang trại của gia đình để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà cũng như cách xử lý khi gà bị bệnh. Tại chuồng nuôi được lắp đặt hệ thống quạt gió công nghiệp, hệ thống đèn để vừa chiếu sáng, vừa có chức năng sưởi ấm gà khi trời lạnh. Vì nuôi theo hướng gà thả vườn nên gia đình ông tận dụng vườn cây tạp và rừng phía sau nhà, gà được vận động thường xuyên nên thịt săn chắc. Ngoài ra, để phòng bệnh cho gà, mỗi năm vào các thời điểm giao mùa, ông thường cho gà uống nước ép tỏi để chống cảm cúm.

Chất thải của gà được xử lý bằng cách trộn với trấu và sử dụng thuốc khử mùi để phun. Trang trại gà của ông Khu mỗi năm cho thu nhập 300-400 triệu đồng sau khi trừ chi phí chăn nuôi.

Thị trấn Trới hiện có trên 204ha đất nông nghiệp, trong đó có 32ha trồng cây ăn quả, doanh thu 8,5 tỷ đồng mỗi năm. Với 347 hộ chăn nuôi chủ yếu là lợn, gà, tổng số gà trên địa bàn hiện đạt trên 29.000 con.

Chị Phùng Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Trới, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, với mức lãi suất vay ưu đãi chỉ 6%/năm, bà con nông dân trên địa bàn thị trấn đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư cho phát triển sản xuất. Hộ vay cao nhất lên đến trên 2 tỷ đồng/năm, hộ vay thấp nhất khoảng 100 triệu đồng/năm. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cùng với những chính sách hỗ trợ về vốn vay, tìm đầu ra cho sản phẩm và quy hoạch các vùng sản xuất tập trung cũng như sự sáng tạo của người nông dân, đến nay, không chỉ đời sống nhân dân trên địa bàn được cải thiện, mà mỗi khi địa phương cần huy động xã hội hóa cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201904/nong-dan-thi-tran-troi-ung-dung-khcn-vao-san-xuat-2436124/