Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Với sự vào cuộc của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, phong trào bảo vệ môi trường nông thôn đã và đang lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, gắn với hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Quảng Lợi hiện là một trong những xã tiêu biểu của huyện Đầm Hà trong đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn: Hệ thống đường ngõ xóm, nội đồng thông thoáng, sạch sẽ; trên đồng ruộng hầu như không có vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng... Đặc biệt, hầu hết các hộ chăn nuôi đã xây dựng bể khí sinh học (biogas) để xử lý chất thải từ chuồng trại. Giải pháp này được Hội Nông dân xã phối hợp với UBND xã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện để bảo vệ môi trường chung.

Cán bộ xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà ( bên trái) kiểm tra bể biogas của hộ anh Trần Văn Hiếu (thôn Trung Sơn).

Anh Trần Văn Hiếu (thôn Trung Sơn, xã Quảng Lợi) cho biết: Trang trại của anh hiện nuôi 2.000 con ngan Pháp, 1.000 con gà, 200 con chim bồ câu. Đã có thời điểm gia đình anh trăn trở vì chưa có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường chung. Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã, từ năm 2018, gia đình anh đã xây bể biogas. Nguồn phân hữu cơ đưa vào bể chứa làm giảm mùi hôi, tiêu diệt hết ký sinh trùng; đồng thời tạo ra nguồn năng lượng phục vụ đun nấu, thắp sáng; tiết kiệm chi phí chất đốt, điện...

Các phong trào bảo vệ môi trường nông thôn trong toàn tỉnh còn hướng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng. Với phương châm mỗi phong trào phải đảm bảo cụ thể, rõ việc, rõ mô hình và hiệu quả, MTTQ và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở đang duy trì 39 mô hình hiệu quả gắn với đặc thù của từng tổ chức về bảo vệ môi trường tại cộng đồng với tên gọi khác nhau, có sự phân công cụ thể từng đoàn thể đảm nhận chủ trì phát động, có sự phối hợp triển khai hiệu quả, đồng bộ trong nhân dân. Các giải pháp được xây dựng phù hợp với đặc thù, tập quán của từng địa phương, vùng miền; đồng thời chú trọng phát huy tính chủ động, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người vì cộng đồng.

Hội nông dân các địa phương xây dựng mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”, tập trung vào việc thu gom, xử lý vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, sản xuất sản phẩm an toàn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh tạo bóng mát trên đường làng, ngõ xóm, bờ kênh mương... Các cấp hội phụ nữ cụ thể hóa phong trào “Ngày chủ nhật xanh” và cuộc vận động “5 không, 3 sạch” thành 660 đoạn đường tự quản, 246 thôn mẫu thực hiện “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ xóm, đồng ruộng”, 305 tổ thu gom rác thải tại cộng đồng và rất nhiều mô hình chăm sóc vườn hoa công cộng, phân loại rác thải tại hộ gia đình, hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt... Đoàn thanh niên ghi dấu ấn qua chiến dịch “Hãy làm sạch biển” phối hợp với bộ đội biên phòng; ra quân tình nguyện dọn đường làng, ngõ xóm. Các địa phương vùng cao, dân tộc thiểu số như Ba Chẽ, Bình Liêu còn tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân trong bảo quản và sử dụng nguồn nước sạch, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh...

ĐVTN xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) hỗ trợ người dân thôn Đồng Cậm tổng vệ sinh đường ngõ xóm, tạo cảnh quan sạch đẹp, phòng ngừa bệnh dịch.

Các cấp MTTQ chủ trì xây dựng các “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”. Các mô hình điểm đã phát huy được vai trò của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, như định kỳ tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, khơi thông cống rãnh, cống thoát nước, dọn vệ sinh khu vực công cộng; trồng cây xanh; phân loại rác thải tại gia đình, tập kết rác thải đúng nơi quy định.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201907/nong-dan-tham-gia-bao-ve-moi-truong-2448961/