Nông dân nuôi tôm 'chất vấn' nhà khoa học về... IoT

'IoT là gì, nó có thể ứng dụng để kết nối ai với ai?' 'Tôi thấy nuôi tôm hiện nay tự động hóa, quy mô sản xuất chưa đến 3.0 thì nông dân làm sao ứng dụng 4.0 được'…

Đó là hàng loạt câu hỏi của nông dân nuôi tôm tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè (TP.HCM) đưa ra tại sự kiện về “Ứng dụng chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng thủy sản” tổ chức ngày 24/11. Sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM tổ chức.

Hồ nuôi tôm ứng dụng IoT của một nông dân tại Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Gần 11h trưa nhưng tại nhà văn hóa xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) vẫn có rất đông người dân nán lại để “chất vấn các chuyên gia” về ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nuôi tôm. Những khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã được các chuyên gia giải đáp tận tình.

Chị Võ Thanh Ngoan, một nông dân nuôi tôm tại Cần Giờ đặt câu hỏi: Tôi vẫn nghe mọi người cứ nói đến IoT nhưng thật sự vẫn chưa hình dung rõ ràng lắm. "IoT kết nối ai với ai. Dữ liệu từ các hệ thống cảm biến sẽ được sử dụng như thế nào, có phải chỉ dùng trong hộ gia đình nuôi tôm không?", chị Ngoan băn khoăn.

Giải đáp cho câu hỏi này, TS Võ Quang Tuyến, chuyên gia An toàn sinh học và tự động hóa giải đáp, cho biết IoT (Internet of Things) có thể hiểu một cách đơn giản là mọi thiết bị được kết nối với nhau thông qua internet.

Nếu cứ nghĩ các dữ liệu thu thập được bằng các thiết bị cảm biến chỉ có thể sử dụng trong gia đình nuôi tôm là không phải. Cơ sở dữ liệu trong quá trình nuôi tôm sẽ đưa lên đám mây và chia sẻ đến những khách hàng, đối tác trên khắp thế giới.

Sự minh bạch thông tin đó sẽ xây dựng lòng tin từ các nhà thu mua và họ sẽ tới với mình để bàn chuyện hợp tác kinh doanh. Đây mới là sự kết nối và chia sẻ thông tin từ công nghệ IoT mang lại” - TS Tuyến cho hay.

Ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM giới thiệu các chương trình hỗ trợ cho nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Hà Thế An.

Ngoài vấn đề công nghệ, câu chuyện vốn để đầu tư cũng được nhiều nông dân quan tâm. Một nông dân ở HTX Hiệp Thành (H. Nhà Bè), thắc mắc nông dân hiện nay muốn đầu tư thiết bị để ứng dụng khoa học và công nghệ trong nuôi tôm nhưng không có tài sản thế chấp.

Liệu chúng tôi có thể thế chấp chính máy móc, thiết bị đó để có thể vay vốn ngân hàng được không” - nông dân này nói.

Ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM, cho biết vấn đề này liên quan đến đơn vị cho vay là ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay có một số công ty tài chính sẵn sàng cho vay để người dân đầu tư vào thiết bị trong việc nuôi tôm.

Ngoài ra Sở KH&CN TP.HCM đang triển khai một số chương trình hỗ trợ cho nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.

“Cụ thể, nông dân có thể nhận được hỗ trợ lên đến hàng trăm triệu đồng nếu có giải pháp ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế. Khi được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nông dân sẽ được hàng hoạt hỗ trợ về thuế, xây dựng nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ…” - ông Long nói.

Chuyên gia giải thích các lợi ích của việc sử dụng biến tần trong ao nuôi tôm.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nong-dan-nuoi-tom-chat-van-nha-khoa-hoc-ve-iot-c7a592599.html