Nông dân, Nhà nước và Thị trường trong nghiên cứu nông nghiệp lưu vực sông Hồng

Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), xin giới thiệu bài viết của TS. Lê Thành Ý, PGS. TS. Đào Thế Anh để thể hiện sự tri ân tới Nhà báo, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, người có nhiều cống hiến cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cũng như Chương trình hợp tác Pháp-Việt trong Nông nghiệp.

Theo yêu cầu của Chính phủ Pháp và lời mời của GS.VS. Đào Thế Tuấn, giữa thập niên 1990, Nguyên Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp (INRA), TS. Bertrand Hervieu đã tham gia đánh giá các chương trình nghiên cứu hợp tác ở Việt Nam. Từ cuộc gặp gỡ với TS. Pascal Bergeret, một người Pháp là điều phối viên của Chương trình Hợp tác nông nghiệp lưu vực sông Hồng, ông được biết chương trình này không chỉ là biểu hiện của truyền thống do Rene Dumont khỏi xướng từ những năm 30 của thế kỷ trước, mà còn là một lời kêu gọi thay đổi cách nhìn về một quốc gia có truyển thống nông nghiệp lâu đời đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

Sau gần một thế kỷ thăng trầm, những biến đổi văn hóa kinh tế nông nghiệp liên quan đến Đổi mới, hiện đại hóa đất nước đang làm biến đổi mạnh mẽ xã hội nông thôn Việt Nam. Sau 6 năm làm việc tại Việt nam, trở về Pháp, TS. Pascal Bergeret đã dành thời gian suy nghĩ một cách khoa học để phân tích, tổng kết quá trình hoạt động thực tiễn và cho ra đời cuốn sách “Nông dân, Nhà nước và Thị trường ở Việt Nam: Mười năm hợp tác nông nghiệp trong lưu vực sông Hồng”.

Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Dưới góc nhìn Khoa học, TS. Bertrand Hervieu nhận xét “… cuốn sách này là một minh chứng hùng hồn mục tiêu hợp tác khoa học không chỉ là chuyển giao kỹ thuật hay công nghệ mà là cho phép nghiên cứu tại các địa phương. Nghiên cứu khoa học trước hết là cần thiết để phát triển kiến thức; sau đó là để các dân tộc vốn không phải là tác nhân đầu tiên của quá trình toàn cầu hóa sẽ không trở thành nạn nhân của quá trình này”, B.Hervieu cho rằng “nếu không hiểu nền nông nghiệp lưu vực sông Hồng mà không có những nghiên cứu của các nhà khoa học thì Việt Nam khó có thể tiếp thu được đóng góp chung của khoa học thế giới,…”

Việt Nam trong Đổi mới và hội nhập từ góc nhìn của Pascal Bergeret

Mở đầu cuốn sách, Pascal Bergeret cho biết. vào năm 1985, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nông học Quốc gia (INRA) nước Pháp đã mở đầu những chuyến công tác ở Việt Nam để nghiên cứu các vấn đề nông nghiệp nhằm đưa ra khuyến cáo đối với Chính phủ Việt Nam về tăng năng suất nông nghiệp, tiếp tục một truyền thống bắt đầu vào những năm 1930 với những nghiên cứu nền móng của ReneDumont về Ngành trồng lúa Bắc Kỳ. Truyền thống này đã không ngừng nuôi dưỡng niềm say mê của các nhà khoa học Pháp về nông nghiệp và nông dân Việt Nam.

Suốt trong thời gian dài của những thập niên 1970, 1980 bị các nước phương Tây cô lập và sự giúp đỡ của Liên Xô dần suy giảm, khiến Viêt Nam lâm vào tình trạng ngày càng khó khăn, sản xuất lương thực không đáp ứng nhu cầu dân số gia tăng, nguồn tài nguyên thiên nhiên suy kiệt, đất đai bị xói mòn và nạn phá rừng diễn ra nghiêm trọng. Đất nước rơi vào tình trạng thiếu lương thực và nghèo khổ lan rộng.

Ngoài hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh, nguyên nhân chính của khó khăn là do mô hình phát triển kinh tế không phù hợp. Sau một thời gian hoạt động, mô hình kinh tế dựa trên nguyên tắc kế hoạch hóa tập trung đã dẫn đến nhiều đơn vị kinh tế nhà nước và nhất là kinh tế tập thể bị phá sản. Sự tan rã của tổ chức HTX ở nông thôn và sự lúng túng trong tìm ra mô hình kinh tế nông nghiệp mới phù hợp khiến cho nhiều nhận xét cho rằng, đây là nguyên nhân đẩy sản xuất nông nghiệp vào trì trệ.

Quyết định Đổi mới của Đảng Cộng sản Viêt Nam vào năm 1986 đã đem lại những kết quả thực sự. Một nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng 10%/năm đã tạo đà cất cánh cho đất nước. Hoạt động cung cấp lương thực và hàng tiêu dùng được cải thiện, nạn đói bị đẩy lùi, tình trạng nghèo đói ở nông thôn giảm hẳn. Một số năm sau Đổi mới, tình hình đã có những chuyển biến phi thường, thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Bắt đầu từ năm 1990, ở Pháp đã có những phong trào say mê nghiên cứu tìm hiểu về Việt Nam.

Việc nối lại những quan hệ giữa Pháp và Việt Nam được thể hiện theo những cách khác nhau và liên quan đến nhiều lĩnh vực mà trước hết là ngành du lịch. Người ta nhận thấy, các mối liên hệ giữa 2 nước được thắt chạt hơn và các chương trình hợp tác đã tăng lên cả trong lĩnh vực trao đổi văn hóa cũng như kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Trong những chương trình này có chương trình hợp tác về nông nghiệp được khởi xướng từ năm 1989. Đó là chương trình lưu vực sông Hồng, một chương trình tập hợp đông đảo các nhà khoa học Pháp-Viêt trong hoạt động nghiên cứu-phát triển thực nghiệm tại các thôn, làng trong lưu vực sông Hồng do GS. VS. Đào Thế Tuấn khởi xướng sau chuyến công tác tại Pháp.

Bergeret cho biết, khi viết cuốn sách này, ông đã theo đuổi 2 mục đích khác nhau nhưng lại bổ sung lẫn nhau. Một mặt, muốn phát huy những kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam trong giai đoạn bản lề của quá trình phát triển đất nước, nhằm rút ra những nét nổi bật mà thay đổi chính sách diễn ra. Mặt khác, cuốn sách lại muốn tổng kết kinh nghiệm của chương trình Lưu vực sông Hồng, một chương trình hợp tác kéo dài tới hơn 10 năm.

Lưu vực Sông Hồng trong bối cảnh phát triển kinh tế địa phương, một chương trình hợp tác thực hiện trong thời gian dài đã để lại nhiều kinh nghiệm phong phú, đa dạng và trở thành khuôn khổ hợp tác với những chuyển biến quan trọng trong các mô hình năng động của nhiều địa phương để rút ra những bài học quý giá.

Một số nội dung cơ bản trong cuốn sách,

Sánh do NXB Gret và Kathala ở Paris nước Pháp ấn hành với trên 250 trang in. Ngoài lời cảm ơn, lời tựa và lời nói đầu; bố cục cuốn sách có 2 phần chính, bao gồm phần 1 với tiêu đề nước Việt Nam ngày nay và phần 2 chuyên về chương trình lưu vực sông Hồng.

Phần đầu cuốn sách gồm 3 chương, đề cập đến ́những chuyển biến ở nông thôn theo góc nhìn của một quan sát viên người nước ngoài từng sống ở Việt Nam. Chương I dành sự chú ý đặc biệt đến những chuyển biển ở nông thôn. Chương 2 nghiên cứu cấu trúc của chế độ thể chế hiện hành. Một mặt đề cập đến sức sống phi thường của người nông dân. Khi được giải phóng khỏi tổ chức nông nghiệp tập thể, chỉ trong ít năm họ đã khắc phục được tình trạng lương thực thực phẩm tồi tệ và xây dựng được những cơ sở vững chắc cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. Điều đáng quan tâm khi quan sát các hiện tượng là tác giả đã rút ra sự phát triển độc đáo và hàng loạt vấn đề liên quan đến cơ sở phát triển kinh tế xã hội và nhất là vai trò của nhà nước. Bergeret cho rằng, sự đổ vỡ của thể chế cũ sẽ dẫn đến quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một xã hội mới. Ông cho rằng, Việt Nam là nơi đang thực nghiệm một mô hình phát triển độc đáo về kinh tế hộ nông dân trên quy mô rộng lớn, trong đó logic của loại trừ và thống trị kinh tế được điều tiết thông qua một nhà nước mạnh, dựa trên nền tảng những giá trị cũ được đổi mới. Nhà nước luôn lo lắng duy trì quyền lực, vì lợi ích chung và sự toàn vẹn của xã hội.

Trong Chương 3, dựa trên các công trình nghiên cứu về Trung Quốc, tác giả nhận thấy vấn đề phát triển địa phương là yếu tố chính để phát triển kinh tế của cả 2 quốc gia. Hầu như những nước đang chuyển đổi này đều dựa trên một loại hợp đồng xã hôi mạnh mà không phải lúc nào cũng rõ ràng. Sự tăng trưởng trở lại mạnh mẽ của Việt Nam, một đất nước kiệt quệ sau chiến tranh kéo dài, theo tác giả, có thể là do đã xây dựng được mối quan hệ mới giữa dân chúng chủ yếu ở nông thôn và nhà nước.

Khi nói đến quan hệ Nhà nước và dân chúng trong chủ nghĩa tư bản, người ta thường trích dẫn những vấn đề do Fernand Braudel đề cập. Với phương pháp của F.Braudel thường xuyên thay đổi các yếu tố, phụ thuộc vào từng thời kỳ và địa điểm khác nhau; từ sự thích hợp về một xã hội nhiều tầng đối với Việt Nam, Pascal Bergeret cho rằng, lựa chọn hình ảnh một xã hội nhiều tầng có thể phù hợp trong nghiên cứu thực tế xã hội nông thôn Việt Nam. Theo đó, tầng1 là nền tầng của nền văn minh vật chất với những trao đổi gần gũi, sống động hàng ngày của đại đa số dân cư; tầng 2 là tầng của trao đổi, buôn bán tự nhiên đang phát triển và tầng 3 là tầng nhà nước mà chủ nghĩa tư bản đã liên kết trong thương mại quốc tế.

Từ chương 4 đến chương 6 là phần 2 cuốn sách, dành cho chương trình Lưu vực sông Hồng. Ở phần này, tác giả muốn tổng kết tính độc đáo trong phương pháp nghiên cứu, Những phương pháp này đã được lựa chọn dựa vào phân tích sâu sắc tình hình và động thái địa phương, tiến hành trên cơ sở hoạt động phát triển dựa vào những tác nhân tiếp xúc trong môi trường nông dân. Trong phần 2, chương 6 được dành riêng để nói về quá trình đưa hoạt động của chương trình đồng bằng sông Hồng vào các hoạt động xã hội địa phương,

Tiến triển của hoạt động trong chương trình sông Hồng đã phản ánh sự phát triển xã hội nông thôn ở nhưng nơi thực hiện chương trình. Từ những vấn đề tổng kết, Pascal Bergeret đã rút ra, thách thức chính hiện nay liên quan đến tầng 1 là khó trỗi dậy và vấn đề cần là tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của những mô hình này. Theo ông, nghiên cứu của chương trình Lưu vực sông Hồng phải nhằm vào đóng góp cho việc định nghĩa và thử nghiệm các thể chế mới ở nông thôn, tạo luật chơi giữa những tác nhân phát triển và điều quan trọng là đóng góp vào tìm kiếm những điều có thể trong hợp đồng xã hội giữa chính quyền và người dân, đó chính là động cơ thúc đẩy phát triển trong nền kinh tế thị trường.

Về những bài học rút ra qua nghiên cứu thử nghiệm

Dưới góc nhìn của Pascal Bergeret, việc hợp tác nghiên cứu lưu vực sông Hồng đã đem lại nhiều bài học bổ ích. Trước hết đó là bài học về tiến hóa của xã hội nông thôn, của tổ chức chính trị-xã hội Việt Nam; thứ hai là về thách thức gắn với phương thức tiếp cận và thâm nhập của các chương trình hợp tác cũng như cách vận dụng các phương thức này vào thực hiện trong môi trường còn tiềm ẩn nhiều khó khan. Theo P. Bergeret, bài học này giúp hoàn thiện suy nghĩ về một quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Vượt ra ngoài giới hạn Viêt Nam, tác giả cuốn sách cho rằng, bài học về khái niệm tác động bên ngoài đến môi trường nông thôn nhằm mục tiêu phát triển là có thể mở rộng trên phạm vi thế giới.

Liên quan đến những khái niệm về phát triển có sự tham gia, phát triển bền vững và giảm nghèo ở nông thôn, những thử nghiệm trong chương trình Lưu vực sông Hồng đã góp phần vào việc phục hồi tác động dựa trên cam kết của các bên cùng tham gia hợp tác trên thực địa. Những năm gần đây, khái niệm có sự tham gia, bền vững và giảm nghèo được coi là trụ cột chính của phát triển, nó tạo nên hoạt động của nhà đầu tư trong quan hệ hợp tác phát triển do các tổ chức hỗ trợ quốc tế tiến hành. Do nhấn mạnh tới việc giảm nghèo, người ta ngầm thừa nhận hoạt động kinh tế hiện hành dẫn đến phân hóa, gây ra tình trạng bất công. Đối với phát triển có sự tham gia, từ thực tiễn người dân thiếu tiếng nói về cách thức tác động của các yếu tố bên ngoài, nên điều cần là đem lại cho họ quyền được thể hiện tiếng nói của mình, được tham gia có hiệu quả vào việc lập và thực hiện các kế hoạch hành động. Việc cần làm đó chính là, quay ngược quá trình tác động từ trên xuống theo hướng từ dưới lên, nghĩa là dựa trên các yếu tố năng động từ cơ sở.

Giáo sư Đào Thế Tuấn trình bày một dự án tại Bắc Giang

Ở Việt nam những cải cách nông nghiệp từ sau chủ trương Đổi mới đã trả lại cho người dân nông thôn quyền được tham gia vào các lợi ích của hoạt động kinh tế cơ sở. Người sản xuất được trả lại khả năng giữ lại kết quả lao động của mình, nhờ đó, họ biết nâng cao thu nhập và mức sống và kéo theo đó là những kết quả đáng khích lệ của tăng trưởng quốc gia. Tuy nhiên, cơ chế này còn bị giới hạn trong hoạt động chính trị xã hội. Không gian chính trị khép kín, bộ máy công hữu quản lý theo nguyên tắc tập trung, thiếu sự tham gia của số đông dân chúng vào cơ chế ra quyết định ở cấp cao hơn cơ sở. Trước đòi hỏi ngày càng cao của các dự án về tiếp cận có sự tham gia, tại Việt Nam đã xuất hiện đội ngũ chuyên gia, đa phần xuất thân từ các các cơ quan hành chính hoặc các trường đại học, họ tiến hành các hoạt động hỗ trợ và chiếm lấy vị trí tư vấn cho cán bộ địa phương về phương pháp tiếp cận. Khó có thể phủ nhận được ý tưởng về người sản xuất được lên tiếng về sử dung các nguồn lực phát triển, do bản chất của của hoạt động trong tổ chức sản xuất nhằm cho phép sự tham gia của người dân vào quá trình hoạt động bình thường mà vẫn tôn trọng khung chính trị xã hội.

Phát triển bền vững đã trở thành khẩu hiệu thời thượng trong phát triển. Những đánh giá thường xuyên cho thấy, tình trạng thiếu bền vững với hàm nghĩa những thành quả đạt được sẽ bị biến mất sau thời gian ngắn dự án kết thúc khá phổ biến. Để duy trì được tính bền vững cần bảo vệ được được các nguồn lực tự nhiên. Trong tư tưởng về tác nhân phát triển, tính bền vững sinh thái cần phải gắn liền với bền vững kinh tế-xã hội. Theo đó, các hành động phát triển phải góp phần vào hạn chế tình trạng phân hóa và bất công trong nội bộ những người được hưởng lợi.

Nếu coi phát triển bền vững là việc tôn trọng các nguồn lực tự nhiên và bảo vệ quyền lợi cho người nghèo thì những thay đổi tạo ra cần rất mạnh mẽ. Phấn đấu cho phát triển bền vững đòi hỏi phải táo bạo để thúc đẩy yếu tố năng động mới. Trong thực tế, cơ sở phát triển bền vững lại liên quan đến tính lâu dài của những tác động thường xuất hiện trên bề mặt; còn sự táo bạo cho phép phá vỡ vòng luẩn quẩn của phát triển không công bằng lại ít được hoan nghênh.

Chương trình Lưu vực sông Hồng với phương pháp tiếp cận mới là giải pháp cụ thể nhằm đề xuất những sáng kiến kỹ thuật và thể chế cần cho phát triển bền vững. Theo đó, hành động sản xuất giống lúa ở môi trường nông dân hay mở các tủ thuốc thú y là những con đường có thể góp phần tích cực vào thúc đẩy sự phát triển bền vững. Để có thể thực hiện một phần mục tiêu tham vọng trong thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững, cần có đủ thời gian thử nghiệm và quan trọng là sự ổn định của nội dung dự án và của các nhóm triển khai.

Nghịch lý mà Pascal Bergeret nhận ra trong cách tiếp cận và phương pháp tiến hành nhân danh phát triển bền vững là các chiến lược tác động bền vững. Những chiến lược này khuyến cáo không nên trả tiền cho các tác nhân trên thực địa, đó là những người làm việc trực tiếp với người sản xuất. Theo ông, cách làm này sẽ dẫn đến chỉ làm việc trên thực địa với những tác nhân đã được hệ thống chính quyền địa phương trả lương. Điều này đồng nghĩa với việc lựa chọn cán bộ làm việc trong các dự án thường chỉ được xét tuyển trong số cán bộ làm việc tại địa phương và họ lại là những người muốn giữ nguyên hiện trạng nhất.

Khác với cách tiếp cận nêu trên, ngay từ đầu, chương trình Lưu vực sông Hồng đã trả công đều đặn cho các cộng tác viên, kể cả cộng tác viên là công chức nhà nước. Hơn nữa đa số các cộng tác viên thường không phải là công chức nhà nước, họ là những kỹ thuật viên hoặc kỹ sư nông nghiệp và nhiều khi chỉ là nông dân. Đối với những người làm việc toàn bộ thời gian cho chương trình, họ được trả lương như các công chức tại địa phương. Theo Bergeret, sau 10 năm làm việc theo quan hệ hợp tác này, họ đã tạo thành nhân tố không thể thay thế được trong việc đảm bảo tính bền vững của các hoạt động.

Về khách hàng của các tác động phát triển, Bergeret nhận thấy, trong nhiều trường hợp đã bị bó hẹp trong những nông dân có vị thế. Các mô hình kỹ thuật tại những hộ nông dân này dễ trở thành thành công lóa mắt khi đánh giá mà thiếu tính bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam, chiến lược phát triển phải nhằm vào khuyến khích phát triển địa phương.

Giảm nghèo đã trở thành mối qua tâm lớn của các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức phi chính phủ trong tình trạng bất công vượt ra ngoài khả năng chịu đựng, nhưng về kỹ thuật, trào lưu này không phải là một định mệnh. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra, trái đất có thể nuôi được từ 10 đến 12 tỷ người; nhưng vẫn còn trên 800 triệu thiếu ăn trong số trên 6 tỷ dân thế giới và có trên 8 triệu người thường xuyên thiếu ăn ở những nước giàu.

Các nhà đầu tư chịu sự thúc đẩy của công luận và nhận thức ngày càng rõ hơn về nguy cơ toàn cầu đi liền với tình trạng phát triển không công bằng dẫn đến nghèo đói. Đấu tranh chống đói nghèo có vị trí cao trong các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Một trong những chương trình đáng chú ý là xây dựng cơ sở hạ tầng tối thiểu cho những xã nghèo nhất nước. Đa số nhà đầu tư và các tổ chức phát triển đều ủng hộ và góp sức thực hiện, đã hình thành một sự đồng thuận giữa Chính phủ và tổ chức phi chính phủ trong các chương trình hợp tác song phương và đa phương trong chống nghèo đói. Nhưng theo Pascal Bergeret, Việt Nam còn thiếu những nghiên cứu nghiêm túc về nguyên nhân nghèo đói. Ông cho rằng, chống nghèo khổ khi nó đã xảy ra cũng giống như bó bột một cái chân gỗ, những nỗ lực nhằm chống nghèo đói hiện nay là chưa đủ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo khổ, song tất cả các nguyên nhân này đều liên quan đến tổ chức chung của hệ thống kinh tế-xã hội.

Quay lại thời kỳ 1990-1995, ông nhận thấy Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế mạnh đi đôi với cải thiện mức sống của nhân dân. Nghèo đói ở giai đoạn này bị đẩy lùi chủ yếu do sự lôi kéo của tăng trưởng, người tiêu dùng đã sử dụng phấn lớn thu nhập thêm do tăng trưởng mang lại để cải thiện chế độ ăn uống dẫn đến việc đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, đến lượt mình đa dạng hóa sản xuất lại có tác động tích cực đến thu nhập của nông dân. Do sự thay đổi giá cả tỏ ra thuận lợi cho nông dân, mức sống của họ tăng lên. Mặt khác, tăng trưởng chung cũng tạo cơ hội việc làm phi nông cho nông dân và khả năng thu nhập thêm này có lợi cho đông đảo dân sống ở nông thôn.

Ngày nay, khi tăng trưởng chung giảm xuống và hiện tượng phân hóa thu nhập tăng lên. Ở nhiều vùng nông thôn, một bộ phận lớn dân cư phải đối măt với thu nhập bấp bênh do giá nông sản thiếu ổn định, mặt khác; cơ chế tích lũy của nông dân khá giả thường nhờ vào khả năng huy động từ mạng lưới quen biết dựa vào chiếm hữu phương tiện sản xuất có hiệu quả hoặc trao đổi có lãi. Đa số nông dân đã bị loại ra khỏi mạng lưới cho phép tích lũy nhỏ, buộc họ phải tiến hành những hoạt động nông nghiệp với mức thu nhập thấp nhất. Trong tình trạng phân cực hiện nay, đa số nông dân bị mắc kẹt trong sự phụ thuộc liên quan đến đói nghèo, song các chương trình giảm nghèo đói lại thường chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Hạ tầng cơ sở có thể đóng góp vào giải quyết một số vấn đề quan trọng, song vấn đề cơ bản vẫn cần là tìm nguyên nhân của sự nghèo đói trong cơ chế loại trừ, không để số đông nông dân được tham gia vào các cơ chế tích lũy.

Chương trình Lưu vực sông Hồng thử nghim đáng trân trọng trong hợp tác khoa học Pháp-Việt

Thử nghiệm của chương trình hợp tác khoa học nông nghiệp Pháp-Việt tại đồng bằng sông Hồng là cơ hội tốt để rút kinh nghiệm và tiếp tục khả năng hợp tác khoa học cho sự phát triển bền vững giữa 2 quốc gia.

Chương trình Lưu vực sông Hồng đã tìm cách tác động trực tiếp đến nông thôn Việt Nam thông qua những can thiệp của các địa phương trong vùng và mở ra khả năng mới không chỉ trong phạm vi kỹ thuật công nghệ mà cả trong giải quyết thể chế và những vấn đề kinh tế xã hội trước sự biến động của nông thôn Việt Nam trong quá trình chuyển đổi và thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chương trình Lưu vực sông Hồng được người Pháp coi là một trường hợp đặc biệt được xây dựng với cơ chế người nước ngoài được giao phó trách nhiệm trong triển khai hành động tại thực địa, đã đặt người nước ngoài vào trong lòng các tổ chức thức hiện. Tuy nhiên, tác nhân chủ yếu vẫn là tổ chức và người dân bản địa. Điều này đã được Pascal Bergeret giải thích rõ trong mối quan hệ với đối tác là Viện khoa học Nông nghiệp Viêt Nam (VASI). Ông cho biết

“Dưới sự lãnh đạo của ông Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt nam (VASI) Đào Thế Tuấn, việc tiếp xúc trực tiếp với người sản xuất và xây dựng chương trình hợp tác trong thời gian dài cho phép hợp pháp hóa sự có mặt của người nước ngoài ở cấp hành động. Kết quả là đã có các sáng kiến về kỹ thuật cũng như về tổ chức liên quan đến người được thụ hưởng ở mức rộng hơn khuôn khổ hạn chế của cán bộ địa phương, tránh được thất thoát nguồn lực ở các cấp khác nhau. Nhóm tác nhân địa phương được thành lập quanh chương trình có đặc điểm rất đa dạng, từ các công chức, cán bộ mới tốt nghiệp các trường đại học đến nông dân bình thường, tất cả đều có thể trở thành những cán bộ khuyến nông, Do có sự đối lập giữa nhiều quan điểm trong nhóm nghiên cứu được trang bị đầy đủ phương tiện hoạt động nên đã nảy sinh các ý tưởng độc đáo dẫn đến các phương thức can thiệp mới trong bối cảnh Việt Nam, Các thành công đạt được và việc hỗ trợ người sản xuất cho phép củng cố các phương thức hành động và xây dựng cơ sở pháp lý cho những nhóm không điển hình này…”

Qua những năm tháng dài sống với người dân châu thổ sông Hồng, tình cảm sâu nặng Pascal Bergeret rút ra là có tấm lòng nông dân. Ông cho biết, cán bộ hợp tác có tấm lòng nông dân sẽ cố gắng chuyển giao tấm lòng này đến các nhóm làm việc, sao cho mối quan tâm này biến thành hành động để có được sự tín nhiệm của nông dân. Sự nóng lòng đạt kết quả của các nhóm làm việc biểu hiện qua thu nhập của nông dân. Họ luôn trong tư thế hỗ trợ và luôn tin rằng, nông dân có thể tự sáng tạo. Họ tìm cách nâng cao khả năng sáng tạo bằng hàng loạt các tác động, không chỉ hạn chế trong sáng tạo du nhập từ bên ngoài. Nhìn chung, họ có nhiều thành công trong việc tổ chức các quan hệ giữa kỹ thuật viên với nông dân cùng làm việc. Tôn trọng nông dân được thể hiện trước hết là cùng chung tiếng nói, chứng tỏ sự can đảm, ý chí và năng lực trong hoạt động hằng ngày; có cách nghĩ và hành động gần với nông dân. Ngoài ra, phải tỏ rõ tinh thần tương trợ, cùng chia sẻ số phận và chú ý tới quyền lợi của nông dân như chính bản thân mình.

Giữa các nhân tố có quyền lợi khác nhau cán bộ hợp tác có tấm lòng nông dân là người mang tính con người hơn là tính kỹ thuật, đòi hỏi phải gương mẫu và theo ông, một đạo đức nghề nghiệp vững chắc gắn với “tấm lòng nông dân” ở mức phát triển là cách phong thủ vững chắc nhất của cán bộ hợp tác.

Tóm lại, cuốn sách đánh giá cao kết quả của Chương trình hợp tác Pháp-Việt trong nông nghiệp do GS. VS. Đào Thế Tuấn khởi xướng đã áp dụng phương pháp nghiên cứu-hành động nhằm hiểu rõ vận hành của kinh tế hộ nông dân để nhà nước có những phương thức hỗ trợ kinh tế hộ nông dân phù hợp trong giai đoạn sau Đổi mới.

TS. Lê Thành Ý, PGS. TS. Đào Thế Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nong-dan-nha-nuoc-va-thi-truong-trong-nghien-cuu-nong-nghiep-luu-vuc-song-hong-a3686.html