Nông dân Nguyễn Văn Lế thành công với mô hình nông nghiệp kết hợp kinh doanh du lịch cộng đồng

ĐTO - Với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, nông dân Nguyễn Văn Lế (SN 1960) ngụ ấp Thống Nhất, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn trái gắn kinh doanh du lịch cộng đồng với tên gọi “Điểm du lịch Homestay 6 Lế”. Bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ông Lế cải thiện kinh tế, cuộc sống gia đình, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lế nướng cá lóc phục vụ du khách

Ông Nguyễn Văn Lế nướng cá lóc phục vụ du khách

Trước đây, gia đình ông Lế sống chủ yếu bằng nguồn thu nhập của 7 công ruộng trồng lúa và nghề cào hến, đặt dớn, kinh tế gia đình chỉ đủ sống, không có dư. Năm 2015, qua xem trên tivi, đọc báo về hiệu quả mô hình trồng dừa xiêm lùn, ông quyết định chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm lùn để cải thiện kinh tế cho gia đình. Ông Lế lên líp 7 công ruộng và trồng 200 gốc dừa xiêm lùn. Dừa trồng khoảng 1 năm rưỡi đến 2 năm mới cho trái, trong thời gian này, ông Lế trồng xen canh ổi, mãng cầu, vợ ông thì đi bán rau, củ ở chợ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cuối năm 2016, vườn dừa cho trái vụ đầu tiên, vợ chồng ông bắt đầu có thu nhập từ việc bán dừa tươi. Trung bình thu nhập trên 1 triệu đồng/tuần. Ông Lế cho biết: “Trồng dừa xiêm lùn chỉ tốn tiền cây giống, nhẹ phân thuốc, bỏ công chăm sóc, tưới nước lấy lời. Lợi nhuận cao hơn so với làm lúa”.

Không dừng lại ở mô hình trồng dừa, ông Lế luôn tìm tòi, học tập thêm các mô hình kinh tế mới hiệu quả ở địa phương để phát triển mô hình kinh tế của mình. Thấy vườn dừa xanh, trái sai đẹp thích hợp cho du khách tham quan, chụp ảnh, ông Lế cho rằng đây là điều kiện thuận lợi để làm mô hình du lịch cộng đồng, thuận lợi hơn là có thể kết hợp mô hình du lịch cộng đồng với tour du lịch Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ thu hút được nhiều du khách. Đồng thời thực hiện mô hình trồng dừa kết hợp kinh doanh du lịch cộng đồng sẽ giúp ông có thu nhập cao hơn, góp phần tạo nét đột phá trong phát triển kinh tế, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến du khách gần xa. Đến tháng 4/2017, ông Lế bắt đầu khởi nghiệp với mô hình kinh tế trồng dừa kết hợp kinh doanh du lịch cộng đồng với tên gọi “Điểm du lịch Homestay 6 Lế”.

Bắt tay vào làm, ban đầu ông Lế gặp rất nhiều khó khăn như: vốn, kinh nghiệm, kiến thức du lịch,... UBND xã Phú Thọ đã đồng hành, hỗ trợ để ông Lế được dự các lớp tập huấn về làm du lịch, phục vụ khách,... Bên cạnh đó, ông còn được giới thiệu vay vốn 280 triệu đồng thực hiện mô hình. Với số tiền trên, ông đã sửa sang lại mặt bằng vườn dừa diện tích 7 công, trang trí, làm các lối đi trong vườn phục vụ khách tham quan, xây dựng 2 căn nhà lá lưu trú phục vụ khách nghỉ qua đêm. Ông Lế chia sẻ: “Do chưa có nhiều kiến thức về du lịch nên tôi vừa làm vừa học hỏi để điểm du lịch tôi ngày càng hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, tôi ít vốn nên cái nào tiết kiệm được chi phí là tôi làm. Tôi sử dụng vỏ hến trộn với xi măng và cát để làm các lối đi trong vườn dừa để khách tham quan đi được sạch sẽ. Tôi cũng tự tay đóng 10 cái bàn, 100 cái ghế để giảm chi phí ban đầu khi thực hiện mô hình này”.

Hiện nay, đến “Điểm du lịch Homestay 6 Lế”, ngoài trải nghiệm cuộc sống, không khí yên ả của làng quê, du khách còn được trải nghiệm tham quan vườn dừa, hái dừa, câu cá giải trí, uống dừa tươi tại vườn, thư giãn và chụp ảnh dưới những tán dừa xanh mát rượi. Đồng thời, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm hương vị đồng quê như: cá lóc nướng rơm, ếch, chuột, rắn nướng mọi, lẩu cá sặc nấu cơm mẻ, cháo hến, hến xào cuốn bánh tráng,... Với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân cùng với niềm đam mê của ông Lế, qua hơn 3 năm đưa vào hoạt động, “Điểm du lịch Homestay 6 Lế” trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách muốn trải nghiệm cuộc sống làng quê và thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị quê hương. Hiện tại, trung bình điểm du lịch Homestay 6 Lế đón, phục vụ từ 20 - 40 lượt khách/ngày. Từ mô hình trồng dừa kết hợp kinh doanh Điểm du lịch cộng đồng, gia đình ông Lế có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, giúp gia đình ông tăng thu nhập, phát triển kinh tế, có cuộc sống tốt hơn.

Ông Lế cho biết: “Trước những thành công bước đầu, tôi tiếp tục đầu tư, trang trí để “Điểm du lịch Homestay 6 Lế” ngày một hoàn thiện hơn. Đầu tư trồng thêm dừa, trang trí hoa kiểng để vừa mở rộng, thu hút khách tham quan và phát triển kinh tế. Đồng thời trong kinh doanh du lịch, tôi luôn chú trọng tạo ấn tượng, nét riêng cho sản phẩm du lịch và trong từng món ăn, đặc biệt làm du lịch bằng cả cái tâm để hướng đến sự hài lòng cho du khách, giữ chân du khách. Tôi nghĩ rằng, làm du lịch không khó, những ai có đam mê, quyết tâm thì sẽ làm được và thành công”.

M.Xuyên

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/du-lich/nong-dan-nguyen-van-le-thanh-cong-voi-mo-hinh-nong-nghiep-ket-hop-kinh-doanh-du-lich-cong-dong-93048.aspx