Nông dân Nam Mỹ điêu đứng vì giá cà phê lao dốc

Giá cà phê trên thị trường quốc tế giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ đang khiến nhiều nông dân ở các nước Nam Mỹ từ bỏ các trang trại cà phê, làm dấy lên các lo ngại về một cuộc khủng hoảng của ngành cà phê.

 Giá cà phê arabia tương lai trên sàn giao dịch ICE ở New York đang ở mức thấp nhất trong hơn 13 năm qua. Ảnh: Financial Times

Giá cà phê arabia tương lai trên sàn giao dịch ICE ở New York đang ở mức thấp nhất trong hơn 13 năm qua. Ảnh: Financial Times

Hiện nay, giá cà phê arabica (loại cà phê được trồng chủ yếu ở Nam Mỹ) tương lai tại sàn giao dịch ICE (New York) giảm về dưới mức dưới 1 đô la/pound (0,45 kg), mức thấp nhất trong hơn 13 năm qua do nguồn cung dư thừa trên toàn cầu. Mức giá này nằm dưới mức giá thành sản xuất của nhiều nông dân trồng cà phê ở Mỹ Latin vì điểm giá hòa vốn của họ là 1,2-1,5 đô la/pound.

“Biến động giá cả cà phê đang hủy hoại đời sống của những người trồng cà phê”, John Steel, Giám đốc điều hành công ty thương mại công bằng cà phê Cafédirect (Anh), nói.

Giá cà phê ảm đạm chủ yếu do nguồn cung dồi dào từ Brazil, nước cung cấp 25% sản lượng cà phê cho toàn cầu. Năm ngoái, sản lượng cà phê của Brazil đạt mức kỷ lục 62 triệu bao 60kg. Năm nay, sản lượng cà phê của Brazil dự báo giảm về 53 triệu bao nhưng đây vẫn là mức cao.

Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2018-2019 sẽ vượt nhu cầu tiêu thụ khoảng 3,06 triệu bao, mức dư thừa cao thứ hai trong lịch sử.

Giá cà phê giảm sâu khiến người trồng cà phê ở Guatemala bỏ bê trang trại cà phê của họ. Tại Honduras, nông dân cũng để mặc các trang trại cà phê vì không có tiền trả cho người hái cà phê cũng như mua phân bón, theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê quốc gia Honduras.

Trong khi đó, tại Colombia và Peru, nhiều nông dân cà phê chuyển sang trồng lậu cây coca (cocaine được chiết xuất từ lá coca).

Hôm 13-4, Tổng thống Colombia Ivan Duque thông báo chính phủ sẽ trợ cấp thêm 32 triệu đô la và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng cho nông dân trồng cà phê ở nước này. Trước đây, chính phủ Colombia đã cam kết chi 155,5 tỉ peso (50 triệu đô la) để trợ cấp cho nông dân trồng cà phê. Theo đó, mỗi bao cà phê 125 kg sẽ được nhà nước trợ giá 30.000 peso (9,5 đô la) nếu như giá cà phê trong nước giảm về dưới mức 715.000 peso (226 đô la)/bao. Tuy nhiên, giá bán cà phê thực tế hiện nay tại Colombia chưa đến 700.000 peso/bao, thấp hơn so mức hòa vốn 760.000 peso/bao.

Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia cho rằng khoản trợ cấp 155,5 tỉ peso không đủ để cứu 540.000 hộ gia đình đang sống dựa vào cây cà phê.

Tổng thống Ivan Duque cho biết Colombia sẽ đề xuất thảo luận về vấn đề giá cà phê tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào tháng 9 tới.

“Tôi nghĩ chúng ta cần mở ra cuộc thảo luận ở bình diện quốc tế về giá cả công bằng cho cà phê”. Cà phê là hàng hóa giao dịch nhiều thứ hai toàn cầu chỉ sau dầu thô. Ngành kinh tế cà phê tạo ra 250 triệu việc làm trên toàn cầu, trong đó bao gồm khoảng 25 triệu nông dân trồng cà phê. Hầu hết người trồng cà phê là những hộ nông dân nhỏ lẻ ở các nước đang phát triển ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á.

Thương mại cà phê toàn cầu tạo ra khoảng 50-100 tỉ đô la mỗi năm nhưng nông dân trồng cà phê toàn cầu chỉ hưởng chưa đến 1/16 con số này.

Theo Reuters, Financial Times, Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287795/nong-dan-nam-my-dieu-dung-vi-gia-ca-phe-lao-doc.html