Nông dân miền Tây Nam Bộ 'thắng đậm' vụ đông xuân

Ngày 24/3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị sơ kết trồng trọt vụ đông xuân 2020-2021, triển khai sản xuất vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2021 tại Nam Bộ.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2020-2021, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống hơn 1,51 triệu hécta, giảm hơn 27.000 hécta. Đến nay đã thu hoạch khoảng 1 triệu hécta, năng suất đạt hơn 7 tấn/hécta, sản lượng lúa ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 144.000 tấn so với cùng kỳ.

Đây là năng suất lúa đạt cao nhất trong 5 năm qua. Việc giảm diện tích lúa do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn của năm 2020, một số tỉnh chủ động chuyển đổi cây trồng.

Nông dân miền Tây Nam Bộ phấn khởi do được mùa.

Nông dân miền Tây Nam Bộ phấn khởi do được mùa.

“Vụ đông xuân xuống giống sớm hơn từ 20-30 ngày ở vùng ven biển nhằm né hạn mặn, từ đó không có diện tích nào bị thiệt hại. Điểm nhấn của vụ đông xuân năm nay là tình hình hạn mặn vẫn còn gay gắt nhưng với sự chủ động và kích hoạt ứng phó với hạn mặn chúng ta đã làm tốt hơn. Việc điều chỉnh giảm diện tích có chủ động đạt được mục tiêu đề ra”, lãnh đạo Cục Trồng trọt nhận định.

Theo tính toán, ở ĐBSCL mỗi hécta lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20 đến 25%, thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/hécta.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương tiếp tục bàn sâu việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất lúa gạo bền vững.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nong-dan-mien-tay-nam-bo-thang-dam-vu-dong-xuan-635050/