Nông dân liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất

Trước tình trạng diễn biến xấu của cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức, nhiều nông dân xã Bình Giã đã chuyển đổi sang trồng đu đủ và liên kết thành tổ hợp tác sản xuất đu đủ, với mong muốn những sản phẩm mình làm ra chất lượng, an toàn, có đầu ra ổn định.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Ân (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã) chuyển đổi thành công từ mô hình trồng tiêu sang trồng đu đủ.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Ân (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã) chuyển đổi thành công từ mô hình trồng tiêu sang trồng đu đủ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã) cho biết, tổ hợp tác (THT) trồng đu đủ xã Bình Giã được thành lập từ năm 2016 gồm 11 thành viên, do ông làm tổ trưởng. Tổng diện tích trồng đu đủ của toàn tổ là 15ha. Hàng năm, sản lượng bình quân trên 1ha đạt từ 25-30 tấn. Theo ông Hiếu, trong mấy năm qua, giá bán đu đủ khá ổn định, từ 8.000-10.000 đồng/kg, thị trường đầu ra phong phú. Vì vậy, người trồng đu đủ có lãi. Đơn cử như gia đình ông có 5 sào đu đủ, mỗi năm, sau khi trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Ân (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã) cho biết, gia đình có 4 sào trồng đu đủ. Bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đầu tư còn lời gần 100 triệu đồng. Theo ông Ân, trước đây hầu hết các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thường làm theo kiểu nhà nào biết nhà nấy nên hiệu quả không cao, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi tham gia THT, những người nông dân như ông mới có cơ hội được tiếp cận những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới để ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Do đó, việc trồng trọt thuận lợi hơn, đặc biệt, thị trường tiêu thụ cũng ngày càng ổn định bởi việc mua bán phần lớn đã được THT đứng ra thỏa thuận, ký kết từ trước đó. So với trồng hồ tiêu trước đây thì chi phí đầu tư cho trồng đu đủ thấp, lại nhanh cho thu hoạch, giá cả không trồi sụt thất thường nên ai cũng phấn khởi.

Được biết, để có được kết quả trên, những sản phẩm của THT được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP (đây là bộ tiêu chuẩn tập hợp các biện pháp kỹ thuật về thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng để áp dụng cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các nông sản). Để được công nhận GlobalGAP, nông dân phải tuân thủ nhiều quy trình kỹ thuật khắt khe, với hàng trăm tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ tham gia mô hình trồng đu đủ sạch phải tuân thủ quy trình giống nhau về cách sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại nằm trong danh mục được cho phép, sau khi bón phân cần có thời gian cách ly đủ lâu mới được xuất sản phẩm ra thị trường.

Với cách làm này, ngay từ khâu chuẩn bị sản xuất đã có DN đặt hàng và bao tiêu sản phẩm, nên người nông dân không lo đầu ra. Các thành viên trong tổ đều cho rằng, việc liên kết cùng sản xuất giúp họ học hỏi được cách làm hay trong chăm sóc cây đu đủ theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đồng thời biết cách tự liên kết với DN cung ứng kỹ thuật, phân bón hữu cơ vi sinh, lựa chọn đối tác để bán sản phẩm trực tiếp, loại bỏ chi phí khâu trung gian, nên có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%/ha. “Mặc dù thành lập chưa lâu nhưng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo THT đã và đang chứng minh hướng đi đúng đắn của bà con nông dân, đó là liên kết sản xuất, hướng tới hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Khi THT trồng đu đủ Bình Giã mới thành lập chỉ có 3 thành viên tham gia, nhưng sau khi THT đi vào hoạt động được một thời gian, thấy việc liên kết sản xuất mang lại hiệu quả, nhiều hộ sản xuất đu đủ trên địa bàn đã tự nguyện tham gia THT”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Hiện toàn bộ các sản phẩm của THT trồng đu đủ Bình Giã đều được đặt hàng, thu mua bởi Công ty TNHH A Cón (Hà Nội), đưa đi tiêu thụ ở các siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội. Bà Nguyễn Ngọc Phương Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Giã cho biết, mô hình nông dân liên kết trong sản xuất theo hình thức THT trên địa bàn đang phát huy hiệu quả. Đặc biệt, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững đã đem lại hướng đi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất cao hơn cho các hộ nông dân. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, không tập trung và thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, đầu ra chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ, lợi nhuận tiểu thương hưởng còn người nông dân không có lãi nhiều. Ðây là nguyên nhân làm cho nông dân không thiết tha và ngại đầu tư cho nông nghiệp. “Hiện xã đang vận động thêm các thành viên tham gia THT. Các hội viên sẽ liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật sản xuất đu đủ sạch đạt chuẩn GlobalGAP. THT cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích và số lượng người trồng đu đủ sạch tại địa phương, giúp sản phẩm này từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường”, bà Nguyễn Ngọc Phương Nga chia sẻ.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201910/nong-dan-lien-ket-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-877673/